Đó là cuộc vận động (CVĐ) do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ GD và ĐT phát động từ cuối năm 2007. Với ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng, nội dung này được lồng ghép với CVĐ "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và đã đạt những kết quả bước đầu đáng trân trọng.
Đó là cuộc vận động (CVĐ) do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ GD và ĐT phát động từ cuối năm 2007. Với ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng, nội dung này được lồng ghép với CVĐ "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và đã đạt những kết quả bước đầu đáng trân trọng.
Giờ Tiếng Việt của cô và trò Tiểu học Đạ Nghing, Đam Rông |
Đồng bộ triển khai đến mọi cấp
Ngay từ đầu, Sở GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục (CĐGD) tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo với đầy đủ đại diện của hệ thống chính trị trong từng cấp. Đầu mỗi năm học, thủ trưởng và ban chấp hành công đoàn phối hợp tổ chức quán triệt mục đích, ý nghĩa, nội dung CVĐ, theo đó, xây dựng mục tiêu, chương trình hành động và ký cam kết thực hiện.
Để khắc sâu vấn đề, các hội thảo trong toàn ngành được tổ chức như Công đoàn với cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” với trên 3.000 lượt người tham dự. Toàn ngành tổ chức các cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và chọn 32 nhà giáo tham gia chung kết toàn tỉnh. Phát động tham gia cuộc thi viết về "Gương tốt cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động" do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, kết quả: in 2 tập sách mang tên “Như hoa hướng dương”; 11/12 CĐGD huyện và 42/86 đơn vị trực thuộc tham gia, trong đó 15 tập thể và 15 cá nhân đoạt giải. Trên những nền tảng này, ngành GD đẩy mạnh tuyên truyền, toạ đàm, hội thảo về những giá trị phẩm chất đạo đức nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học, về tư tưởng và tấm gương đạo đức nhà giáo Hồ Chí Minh và những tấm gương đạo đức của các nhà giáo nổi tiếng… Phát huy dân chủ trong nhà trường, đầu năm học, các đơn vị tổ chức hội nghị nhằm tăng cường và làm rõ trách nhiệm của 3 bên: thủ trưởng, công đoàn và người lao động. Mục tiêu là xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, phát triển; đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục và hưởng ứng phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".
Chủ tịch CĐGD Lâm Đồng Nguyễn Văn Thức đánh giá: “Qua triển khai thực hiện CVĐ đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp; thường xuyên tự học nâng cao trình độ mọi mặt; sáng tạo trong dạy học và quản lý; góp phần đẩy lùi các tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”.
Đạo đức, tự học và sáng tạo
Không chung chung, trong mỗi yêu cầu này đều được lượng hoá theo từng mặt cụ thể. Đó là, ý thức trách nhiệm thực thi pháp luật, tinh thần phục vụ nhân dân; chống quan liêu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong giáo dục. Kết quả, toàn ngành đã có chuyển biến tích cực và toàn diện về nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; không ngừng học tập để nâng cao tay nghề, vững về chính trị tư tưởng; chống tiêu cực trong thi cử, khắc phục bệnh thành tích; không đọc chép trong dạy học, nâng chất lượng dạy học để giảm học sinh ngồi sai lớp… Qua 5 năm, gần 400 nhà giáo đã được kết nạp vào Đảng. Cũng trong 5 năm qua, từng đơn vị giáo dục đã vận động quyên góp xây dựng "Quỹ tương thân tương ái", "Quỹ giúp đỡ nhà giáo bị bệnh hiểm nghèo", "Quỹ hỗ trợ điều kiện 3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh, giúp đỡ giáo viên (GV) vượt khó và phong trào "Huyện giúp huyện, trường giúp trường"… Với khoảng 5 tỷ đồng quyên góp giúp đỡ lẫn nhau quả là hết sức trân quý.
Đối với yêu cầu không ngừng học tập nâng cao trình độ, từ lý luận chính trị đến đạt chuẩn nghề nghiệp, nâng chuẩn đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý và vận động mỗi nhà giáo xây dựng "Sổ tay tự học", "Tích luỹ sáng kiến kinh nghiệm (SKKN)" cá nhân. Kết quả đến nay, 88% đạt chuẩn và 56% trên chuẩn đối với GV mầm non; 99,5% chuẩn và 85% trên chuẩn ở GV tiểu học; 99,8% chuẩn và 72,2% trên chuẩn ở GV THCS; 99,7% chuẩn và 12% trên chuẩn ở GV THPT. Trong 5 năm, ngành giáo dục Lâm Đồng đã có trên 7.000 SKKN (giải pháp hữu ích) cấp cơ sở, trên 1.500 đề tài cấp huyện và hơn 500 đề tài cấp tỉnh…
Tuy nhiên, 5 năm thực hiện CVĐ, một số hạn chế, yếu kém còn tồn tại như chưa duy trì thực hiện thường xuyên ở một số đơn vị trường học; số ít nhà giáo còn “thiếu lửa”… Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Thức, hạn chế này xuất phát do cùng một lúc có quá nhiều CVĐ tác động nên việc tổ chức thực hiện CVĐ “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” chưa tạo được tính trọng tâm trọng điểm. Vì vậy, phải lấy CVĐ này làm trọng tâm để thực hiện phong trào "thi đua hai tốt" và "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".
Trong chặng đường tiếp, vấn đề là cần tập trung nhấn mạnh các nội dung, tiêu chuẩn cụ thể của CVĐ. Bao gồm: Không vi phạm pháp luật, chấp hành đầy đủ quy định của các cấp; Thầy cô giáo không làm việc gì ảnh hưởng đến uy tín của người thầy giáo, gương mẫu trong mọi hoạt động tại trường cũng như tại khu dân cư và cộng đồng xã hội; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham ô, tham nhũng; Không quan liêu hách dịch cửa quyền. Đó còn là: Quan hệ trong sáng, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau; Không kéo bè, kéo cánh gây mất đoàn kết nội bộ; Không phát tán thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến đồng nghiệp và quốc gia… Đồng thời, khuyến khích việc tự học để vượt chuẩn đào tạo một cách đích thực, chống việc học có bằng cấp nhưng năng lực lại không đúng với bằng cấp…
MINH ĐẠO