Ông Phạm Ngọc Nam (sinh năm 1961, thường trú tại thôn 11, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) đã gởi đơn về Báo Lâm Đồng và nhiều lần đến phản ánh trực tiếp về nỗi bức xúc của gia đình, vì con trai của mình bị đánh gây trọng thương vào tối ngày 10/8/2012 tại thị trấn Lộc Thắng. Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết. Lý do tại sao?
Ông Phạm Ngọc Nam (sinh năm 1961, thường trú tại thôn 11, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) đã gởi đơn về Báo Lâm Đồng và nhiều lần đến phản ánh trực tiếp về nỗi bức xúc của gia đình, vì con trai của mình bị đánh gây trọng thương vào tối ngày 10/8/2012 tại thị trấn Lộc Thắng. Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết. Lý do tại sao?
Con ông Phạm Ngọc Nam là anh Phạm Nguyễn Ngọc Thiện (sinh năm 1989). Vào tối ngày 10/8/2012, tại một đám cưới ở tổ I (khu phố I B cũ, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm), Ngọc Thiện bị Hoàng (biệt danh là “Hoàng đầu chùa”) dùng ghế đánh vào đầu. Sau đó, Ngọc Thiện ra về. Đi khoảng 300 mét, khi đến trước Trường Tiểu học Minh Rồng, Ngọc Thiện lại bị một tốp vây đánh bằng dao, gậy và đá gây trọng thương. Thiện được đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm. Do vết thương quá nặng, phức tạp ở vùng mặt, gãy xương mũi (do bị chém bằng dao), Thiện được đưa về Bệnh viện II Lâm Đồng để cấp cứu và điều trị.
Sau khi xảy ra sự việc, cán bộ Công an thị trấn Lộc Thắng đã kịp thời có mặt tại Phòng Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm để làm việc. Nhưng sau đó không thấy Công an giải quyết, ông Phạm Ngọc Nam làm đơn và nhiều lần trực tiếp kiến nghị, Công an thị trấn Lộc Thắng cho biết là đã chuyển hồ sơ về Công an huyện Bảo Lâm, nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa được giải quyết?
Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận là vụ việc nói trên giải quyết quá chậm trễ: Sau khi Phạm Nguyễn Ngọc Thiện bị hành hung, gây trọng thương, mãi hơn 2 tháng sau mới được giám định tỷ lệ thương tật. Theo Bản kết luận giám định số 258/PY-TT, ngày 17/10/2012 của Phòng Giám định Pháp y Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, thì: “Tỷ lệ mất sức lao động do thương tích của Phạm Nguyễn Ngọc Thiện là 19% vĩnh viễn”. Sau khi có được kết quả giám định đến nay, đã gần 3 tháng trời, mà gia đình ông Phạm Ngọc Nam vẫn chưa thấy Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can (vì tỷ lệ thương tật vĩnh viễn trên 11%). Từ đó, bản thân anh Phạm Nguyễn Ngọc Thiện và cả gia đình ông Phạm Ngọc Nam lại càng bức xúc hơn. Ông Phạm Ngọc Nam nói: “Phải chăng, vì lý do này hoặc vì lý do nọ, vụ án đã bị “chìm xuồng”? Trong khi, dư luận cho rằng những người gây án hiện đang “nhởn nhơ”, có mặt tại địa phương!”.
Về phía gia đình ông Phạm Ngọc Nam hiện đang bức xúc là điều có căn cứ. Bởi lẽ, vụ án xảy ra tại địa phương, nhiều người chứng kiến và biết đến, nhưng tại sao lại kéo dài, không được giải quyết ngay? Làm việc với Công an huyện Bảo Lâm, chúng tôi được biết: “Do vụ án phức tạp, cần phải có thời gian, nên chưa thể giải quyết ngay được!”. Và theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Lâm: Ngày 27/8/2012, Công an thị trấn Lộc Thắng đã chuyển hồ sơ vụ “cố ý gây thương tích” xảy ra tại tổ I (thị trấn Lộc Thắng) để Công an huyện Bảo Lâm tiến hành điều tra theo thẩm quyền. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Lâm cho người bị hại là Phạm Nguyễn Ngọc Thiện đi giám định thương tật để làm căn cứ xử lý vụ việc; đồng thời, triệu tập đối tượng Nguyễn Huy Hoàng (sinh năm 1994, thường trú tại tổ I, thị trấn Lộc Thắng). Trong quá trình làm việc, Hoàng có biểu hiện không bình thường về tâm thần, nên Cơ quan điều tra yêu cầu gia đình đưa Hoàng đi khám bệnh. Bệnh viện Tâm thần Trung ương II (Biên Hoà, Đồng Nai) chẩn đoán Hoàng bị rối loạn tâm thần, hiện đang được điều trị tại gia đình. Tuy vậy, ngày 18/12/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Lâm đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nói trên để tiếp tục tiến hành điều tra, làm rõ các đối tượng gây án để xử lý theo pháp luật.
Như vậy, rõ ràng là vụ án hình sự “cố ý gây thương tích” nói trên không bị “chìm xuồng”, mà Công an huyện Bảo Lâm đang tiến hành điều tra. Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, Cơ quan điều tra chưa tích cực trong việc hướng dẫn và làm thủ tục để đưa người bị hại đi giám định tỷ lệ thương tật. Việc giám định pháp y chậm đã “kéo theo” việc điều tra, khởi tố vụ án cũng chậm trễ!
XUÂN LONG