Xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt là một trong 3 xã của toàn quốc được chọn làm xã điểm trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 2 năm dày công vận động, Xuân Trường đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới.
Xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt là một trong 3 xã của toàn quốc được chọn làm xã điểm trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 2 năm dày công vận động, Xuân Trường đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới. Để đánh giá kết quả đạt được cũng như bài học kinh nghiệm rút ra từ phong trào “Dân vận khéo” thực hiện nông thôn mới, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với Bí thư Đảng uỷ xã, đồng chí Hà Phước Ta cho biết:
Việc xã Xuân Trường được chọn một trong ba xã điểm toàn quốc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện xây dựng nông thôn mới, đó là niềm tự hào nhưng cũng đầy trách nhiệm đối với cả hệ thống chính trị, chính quyền và nhân dân trong xã. Bởi đã làm điểm mà không có “điểm gì” nổi bật để nơi khác “soi” vào thì không trở thành điển hình của phong trào được. Vì vậy, để làm tốt công tác dân vận khéo thực hiện xây dựng nông thôn mới, Đảng uỷ xã đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đặc biệt là Nghị quyết “Quy chế dân chủ ở cơ sở” đóng vai trò nòng cốt, tạo đột phá mới thu hút sự hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia mọi phong trào. Bên cạnh việc tận dụng sự hỗ trợ của tỉnh, thành phố, xã đã phát huy tính gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên từ xã đến các thôn trong phong trào để người dân noi theo.
PV: Không ít tiêu chí nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự nguyện đóng góp đầu tư xây dựng, do đó cần sự chung tay góp sức của người dân tham gia, xã đã vận động như thế nào để có được tiếng nói đồng thuận trong dân thưa đồng chí?
Đ/c Hà Phước Ta |
Đ/c HÀ PHƯỚC TA: Khi Đề án xây dựng nông thôn mới được phê duyệt, địa phương xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhất là hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện xây dựng nông thôn mới. Do đó, bên cạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và Ban Giám sát cộng đồng, còn phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Căn cứ vào các tiêu chí nông thôn mới xã chủ động đưa ra để nhân dân thảo luận, cụ thể hoá các tiêu chí cũng như lộ trình xây dựng phù hợp thực tế của địa phương với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đối với cán bộ cơ sở phải có tác phong dân vận đó là “gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, đồng thời “lắng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Đặc biệt, quá trình triển khai các chương trình phải được công khai minh bạch, từ nguồn vốn nhà nước hỗ trợ, vốn dân đóng góp đến hồ sơ thủ tục, chọn ngày khởi công, thi công xây dựng… đều do dân chọn lựa và được thông báo, niêm yết công khai tại hội trường mỗi thôn hàng tuần, hàng tháng. Trên nguyên tắc “dân chọn công trình, dân làm, dân giám sát và dân tham gia nghiệm thu, dân quản lý sử dụng” từ đấy được dân tin mà tạo nên sức mạnh tổng hợp, phong trào thi đua sôi nổi, liên tục, rộng khắp trên địa bàn xã.
PV: Cụ thể người dân đã tích cực đóng góp ra sao?
Đ/c HÀ PHƯỚC TA: Mặc dù là xã nông nghiệp có đến 85% hộ dân sống bằng nghề nông với các loại cây trồng chủ yếu là chè, cà phê, cây ăn trái và các loại rau, hoa nhưng nhờ biết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 31 triệu đồng/năm. Và hiện toàn xã chỉ còn 11 hộ nghèo, chiếm 0,67% trên tổng số hộ dân. Với mức thu nhập nêu trên, cùng việc dân có toàn quyền quyết định đầu tư nên việc huy động các nguồn vốn, ngày công, hiến đất và cây trồng… được dân đồng lòng ủng hộ. Cụ thể, từ khi xây dựng nông thôn mới đến nay, xã đã đầu tư 12 công trình giao thông với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng, trong đó dân đối ứng gần 2 tỷ đồng, đấy là chưa kể dân đã đóng góp đất, cây trồng, kiến trúc và công lao động cùng xã hoàn thành 100% đường thôn, xóm được bê tông nhựa nóng và 85% đường nội đồng được cứng hoá. Đặc biệt, trong xây dựng 4 hội trường các thôn với tổng vốn là 1,1 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp số tiền lên tới 820 triệu đồng. Huy động sức dân sửa sang nhà cửa, phát triển sản xuất bằng nguồn vốn tín dụng và vốn trong dân với số tiền 506 tỷ đồng. Theo đánh giá của xã, đến thời điểm này Xuân Trường đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó tiêu chí thiết chế văn hoá và cơ cấu lao động chưa đạt và nếu có trăn trở thì đấy là tiêu chí cơ cấu lao động, các tiêu chí khác sẽ được hoàn thành và hoàn thiện theo hướng chất lượng hơn và mang tính bền vững trong năm 2013 này.
PV: Xin đồng chí cho biết bài học kinh nghiệm được rút ra sau hai năm hưởng ứng “Dân vận khéo” thực hiện xây dựng nông thôn mới?
Đ/c HÀ PHƯỚC TA: Trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động sâu rộng trong cán bộ, người dân hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới mà trong đó người dân là đối tượng hưởng lợi từ chương trình. Cấp uỷ Đảng phải tập trung lãnh đạo bằng các nghị quyết chuyên đề để chính quyền, mặt trận, các đoàn thể trong hệ thống chính trị thực hiện, đồng thời phát huy vai trò người đứng đầu các tổ chức trong việc triển khai, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra. Đặc biệt, phải chăm lo phát triển kinh tế cho dân, khi người dân có đời sống kinh tế ổn định họ sẽ sẵn lòng đóng góp. Chìa khoá quyết định sự thành công đó là thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để phát huy tinh thần, trách nhiệm, sáng kiến của nhân dân, các khoản đóng góp của dân phải được công khai minh bạch, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả cao. Phát huy truyền thống văn hoá của địa phương từ tình làng nghĩa xóm, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, đến chung tay xây dựng đời sống văn hoá mới, đặc biệt là truyền thống xã anh hùng trong kháng chiến tôi tin nhất định Xuân Trường sẽ thành công trong xây dựng nông thôn mới.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
HỒ XUÂN TRUNG