Ngày về ấm áp trên cao nguyên

02:01, 31/01/2013

Lâm Đồng vốn là vùng “đất lành chim đậu”, nơi tụ hội của biết bao người Việt từ bốn phương trời. Và không chỉ với những người Việt trong nước, không ít người Việt sau khi bôn ba bao năm xứ người cũng đã chọn đây là mảnh đất dừng chân.

Lâm Đồng vốn là vùng “đất lành chim đậu”, nơi tụ hội của biết bao người Việt từ bốn phương trời. Và không chỉ với những người Việt trong nước, không ít người Việt sau khi bôn ba bao năm xứ người cũng đã chọn đây là mảnh đất dừng chân. Họ tìm tới miền cao nguyên với nhiều tâm thế: chọn một nơi để đầu tư làm ăn, chọn một nơi để nghỉ ngơi, chọn một nơi để tiếp tục cống hiến. Nhưng trên hết, họ chọn nơi đây bởi tình yêu dành cho vùng đất lành này.

Lâm Đồng vốn có khí hậu và thổ nhưỡng tương đối gần với kiểu khí hậu cận ôn đới, vì thế không lấy làm lạ khi dự án nghiên cứu, trồng thử nghiệm giống cam cara cara của ông Mai Viết Phương, kiều bào trở về từ Australia đã đem lại những thành công bước đầu. Vốn là người con Kiên Giang, sau đó theo gia đình định cư tại Canada và tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí, nhưng ông lại có duyên với lĩnh vực nông nghiệp. Đó chính là lý do sau nhiều năm làm việc tại nước ngoài, năm 2000 ông trở về nước và hình thành Công ty Phương Mai, đóng chân tại thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng chuyên trồng cây có múi. Ngoài dòng cam cara cara nổi tiếng giàu vitamin, ông còn nghiên cứu nhiều chủng loại khác như cam Navel, cam Tangelo, chanh Tahiti không hạt, quýt không hạt. Hiện tại đã có 5 hecta đang cho thu hoạch, số còn lại đang trong thời kỳ cho trái bói. Sản phẩm làm ra của đơn vị tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc và được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ tự trồng, ông Phương còn đang tiến hành kế hoạch liên kết với các hộ dân để phát triển dòng cam ôn đới, cung cấp cho thị trường những trái cây chất lượng và mang lại no ấm cho nông dân.

Chọn du lịch làm lĩnh vực đầu tư, một Việt kiều Đức, ông Tiêu Như Phương đã cho ra đời Đà Lạt Edensee Lake Resort & Spa. Mang đậm phong cách châu Âu với những lối mòn quanh co giữa đồi thông xanh, hoa cỏ ngút ngàn, đây là một trong những khu resort cao cấp của phố núi, có khả năng đón tiếp những khách hàng khó tính nhất. Đây là tâm huyết của một Việt kiều, được khởi công từ 2008 và càng ngày càng được mở rộng với những dịch vụ tiện ích, mang lại sảng khoái cho người sử dụng. Ông Tiêu Như Phương đã dành nguồn kinh phí gần 600 tỷ đồng để xây dựng Đà Lạt Edensee Lake Resort & Spa, với 30 cụm villa gồm 120 phòng và các dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn.


Riêng với Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Công Thành - hiện đang là Giám đốc Trung tâm Phát triển giáo dục quốc tế THT, (15 Thiện Ý, Phường 5, Đà Lạt) thì sự quay lại phố núi là cách ông tạ ơn cuộc đời, trả nghĩa với vùng đất quê. Cuộc đời của ông là một câu chuyện dài về quá trình nghiên cứu, lao động và sáng tạo trên lĩnh vực môi trường, cũng là người chắp cánh ước mơ du học cho rất nhiều sinh viên Việt Nam. Sinh  sống và học tập ở thành phố Đà Lạt khi 15 tuổi, năm 20 tuổi ông được học bổng du học tại Canada. Sau khi tốt nghiệp ông đã có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới để làm việc và nghiên cứu. Sau 19 năm bôn ba, ông trở về Đà Lạt và thành lập Trung tâm Phát triển giáo dục quốc tế THT. Sau 1 năm đi vào hoạt động, đến nay nhiều chương trình đào tạo tiếng Anh ở mọi lứa tuổi, rèn luyện phát âm với giáo viên bản ngữ, các lớp năng khiếu về rèn chữ đẹp, tư duy toán học đã được đưa vào hệ thống giảng dạy, thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh.

Còn đối với vợ chồng tiến sỹ Hà Ngọc Mai - Trần Hà Anh, người đã mang giống cây phượng trắng được đem về từ nước Australia để tô điểm cho những sắc hoa ở Đà Lạt, chọn Đà Lạt làm chốn dưỡng già như quay lại ngôi nhà xưa thân yêu. Dù bôn ba nhiều năm ở xứ người và cũng từng làm việc tại nhiều nơi sau khi về nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nhưng Đà Lạt vẫn chính thức được chọn là điểm dừng chân để vợ chồng tiến sỹ Hà Ngọc Mai - Trần Hà Anh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt sinh sống khi tuổi đã xế chiều. Tiến sỹ Hà Ngọc Mai tâm sự: “Tôi đã từng sống những năm cống hiến sôi nổi ở đây, một thành phố êm đềm, tĩnh lặng và thân thiện. Dù xa bao nhiêu năm, tình yêu của chúng tôi dành cho Đà Lạt vẫn không thay đổi. Chọn Đà Lạt làm chốn dừng chân, chúng tôi đã có được một ngôi nhà ấm cúng, những người bạn gần gũi và môi trường sống rất trong sạch. Và chúng tôi vẫn tâm nguyện, giúp gì được cho Đà Lạt đẹp thêm chúng tôi sẽ làm hết sức, hết lòng”.

Còn nhiều những Việt kiều đã, đang và sẽ tới với Lâm Đồng, Đà Lạt để làm ăn, sinh sống, nghỉ ngơi. Họ đều được đón tiếp chu đáo, được sống và làm việc đúng như tâm nguyện. Ngày trở về của những người con xa xứ càng thêm ấm áp, nghĩa tình với sự sẻ chia, đóng góp và tấm lòng của họ với cộng đồng và với một Lâm Đồng giàu đẹp trong tương lai.

Diệp Quỳnh