Ngôi trường mang tên một loài hoa

03:01, 23/01/2013

Mang tên một loài hoa, Trường Mẫu giáo Sen Vàng đã góp phần đưa hàng trăm em nhỏ tới lớp, hưởng những năm tháng thơ ngây với cô, với bạn. Và trường cũng giúp chừng đó gia đình có đủ điều kiện cho con tới trường.

Sen Vàng, ngôi trường mẫu giáo nhỏ nằm vùng ven Đà Lạt, sát chùa Tàu tới nay đã có 21 năm gắn bó với trẻ khó khăn. Mang tên một loài hoa, Trường Mẫu giáo Sen Vàng đã góp phần đưa hàng trăm em nhỏ tới lớp, hưởng những năm tháng thơ ngây với cô, với bạn. Và trường cũng giúp chừng đó gia đình có đủ điều kiện cho con tới trường.

Giờ học của cô và trò Trường Mẫu giáo Sen Vàng
Giờ học của cô và trò Trường Mẫu giáo Sen Vàng


Những năm 1980, khu vực chùa Thiên Vương (chùa Tàu), còn rất thưa dân cư, giao thông đi lại khó khăn, đời sống còn rất vất vả. Khi ấy, bà con làm rau, làm hồng khu vực Sở Lăng, Am Bà Giáo rất nghèo, không mấy người đủ điều kiện đưa con ra tới trường mẫu giáo nằm ngoài phố. Một người dân địa phương đã tình nguyện hiến đất để dựng tạm một nếp nhà tranh ván làm chỗ học cho trẻ mầm non. Suốt hàng chục năm, trẻ em khu vực vùng ven ấy học trong ngôi nhà gỗ cũ, nền đất ướt mùa mưa, bụi mùa đông. Tới năm 1992, khu chùa Tàu được tu sửa, ông Nguyễn Tri Tuân  là trụ trị chùa mới xây tặng cho Trường Mẫu giáo Sen Vàng nếp nhà như hôm nay. Và chùa Tàu bắt đầu đồng hành với Trường Sen Vàng trong việc trồng người.

Cô Trần Thị Bạch Nhạn, người đã có gần 20 năm gắn bó với Sen Vàng kể lại, những ngày mới xây xong trường, cha mẹ trẻ đưa trẻ tới lớp rất đông. Hầu như nhà nào cũng nghèo nên chùa Tàu hỗ trợ các cháu tất cả chi phí, cháu chỉ việc tới lớp, vui chơi và chiều cha mẹ đón về, tiền ăn tiền học của cháu nhà chùa chi trả. Suốt hàng chục năm như thế, mỗi năm trường đón xấp xỉ 40 cháu ăn học. Và sau này, khi đời sống của cư dân khá dần lên, mức đóng góp cũng ít nhiều được nâng theo để bù đắp chi phí quá lớn. Hiện tại, mỗi cháu khi tới lớp đóng góp 400 ngàn đồng/tháng, bằng phân nửa chi phí so với mức đóng tại các trường công và hoàn toàn không phải đóng thêm loại tiền gì. Lương của hai cô giáo, các chi phí lớn như xây dựng, mua sắm… chùa Tàu vẫn hỗ trợ cho trường.

Những cô giáo dạy ở Trường Sen Vàng cũng khá đặc biệt. Cô Trần Thị Bạch Nhạn và cô Nguyễn Thị Minh vốn đều là giáo viên mầm non và tiếp tục công việc của mình ở Trường Sen Vàng với tâm thế vượt qua vất vả.  Trường nghèo, nuôi dạy trẻ theo mức đóng góp hạn chế nên cái gì làm được, các cô đều tự tay làm để giảm chi phí. Đồ chơi các cô làm, hai bữa sữa cho cháu cô đều mua sữa tươi của nông dân về tự nấu hoặc xay đậu nành nấu cho cháu, vừa rẻ vừa tươi ngon, an toàn. Và nhất là, đây là trường mẫu giáo không hề có mùa hè. Cô Bạch Nhạn tâm sự: “Mùa hè giáo viên nào cũng được nghỉ, riêng chúng tôi thì không. Vì phụ huynh năn nỉ quá, nếu không có lớp thì không biết bỏ con ở nhà cho ai để đi làm. Nhà nghèo, bỏ ngày công làm thuê thì tiền đâu mà chi tiêu. Vậy là chúng tôi dạy suốt 12 tháng trong năm mà gia đình các bé hoàn toàn không phải đóng thêm đồng nào cho cô”.
 
Trường nghèo nhưng các bé Trường Sen Vàng được nuôi dưỡng trong môi trường sư phạm chuẩn, có giờ giấc theo quy định từ bữa ăn, giấc ngủ tới giờ học. Các bé rất ngoan, sức khoẻ tốt và lễ phép. Chị Tâm, nhà ở khu Am Bà Giáo, mẹ của bé Bảo Uyên kể chuyện: “Học ở trường rất tiện, các cô dạy cả hè nên gia bình bớt lo. Mức đóng tiền ở trường cũng là quá thấp so với các trường tư khác, làm thuê như chúng tôi lấy tiền đâu mà nộp. Bé đi học về ngoan ngoãn, biết nhiều bài hát, bài thơ, gia đình rất cám ơn nhà trường”. Không chỉ vậy, nhiều trẻ thiểu năng đã và đang học tại trường như bé Lê Thị Thanh Hiền. Bé không chịu ai khác, chỉ khi học với các cô Trường Sen Vàng bé mới ngoan và không bỏ đi lang thang.

Trường mẫu giáo nhỏ bé vùng ven ấy đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành với trẻ em gia đình khó khăn, nâng bước các bé để có nền tảng tốt nhất bước vào tuổi học trò.

Diệp Quỳnh