Phải tự đổi mới chính mình

01:01, 29/01/2013

Đó là suy nghĩ của cô giáo Nguyễn Thị Bảo Thuý, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh của Trường THPT Bảo Lộc trước câu hỏi “Làm thế nào để dạy tốt” tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam được ngành GD Lâm Đồng tổ chức gần đây.

Đó là suy nghĩ của cô giáo Nguyễn Thị Bảo Thuý, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh của Trường THPT Bảo Lộc trước câu hỏi “Làm thế nào để dạy tốt” tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam được ngành GD Lâm Đồng tổ chức gần đây.

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt năm 1991, cô giáo Nguyễn Thị Bảo Thuý về dạy học tại Bảo Lộc, thành phố nơi mình sinh trưởng. “Như một cái duyên vì ngày đi học đâu nghĩ sau này mình sẽ là cô giáo” - cô Thuý cười. Thật ra đã có những chọn lựa khác khi ra trường nhưng cô quyết định về gần nhà để giúp đỡ cha mẹ, giúp các em học tập vì cô là con lớn trong gia đình.

Là giáo viên Văn của Trường Trung học Phổ thông (THPT) Bảo Lộc, từ năm học 1999 - 2000 đến nay cô là giáo viên giỏi cấp cơ sở rồi cấp tỉnh, là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Trong hoạt động Công đoàn của trường, cô có nhiều đóng góp cho phong trào cơ sở, là đại biểu của tỉnh tham dự Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XIII, từng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng GD về thành tích xuất sắc trong công tác “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” 2006 - 2010.

Hiện cô đang là một trong những giáo viên phụ trách bồi dưỡng dạy Văn giỏi cho đội tuyển Văn của Trường THPT Bảo Lộc. Đây là một trong những ngôi trường có chất lượng dạy và học hàng đầu của tỉnh trong bậc THPT, thường xuyên có các giải học sinh giỏi cấp tỉnh và tỷ lệ đậu đại học hằng năm rất cao.

Để dạy tốt môn học của mình, đặc biệt là Ngữ văn trong trường phổ thông, tạo được hứng thú cho học sinh, làm cho học sinh yêu thích Văn học, theo cô Bảo Thuý, không có cách nào khác ngoài việc bản thân giáo viên phải tự thay đổi mình. “Cuộc sống đang thay đổi hàng giờ, chúng ta không thể không thay đổi chính mình, tự làm mới mình trong mỗi giờ lên lớp”. Theo cô, câu nói “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” thực ra không chỉ là văn bản khô cứng mà rất hiện thực vì chắc chắn rằng nếu không có niềm vui, đam mê sẽ không thể gắn bó và thành công với nghề đi dạy của mình được. Sự thay đổi này, theo cô, phải được bắt đầu từ tự thân mỗi người. Với cô, đó là cố gắng học tập nâng cao trình độ (cô đã hoàn tất chương trình cao học), nâng cao kỹ năng dạy học, tu dưỡng đạo đức, tác phong nghề nghiệp và cố gắng đưa những điều mình học hỏi được vào thực tế, vào bài dạy hằng ngày, cố gắng chuyển tải kiến thức một cách dễ hiểu nhất, xây dựng được niềm tin của mình với học trò. Tại lớp học, theo kinh nghiệm của cô, giáo viên cần “tích cực hoá” việc dạy học thông qua các hoạt động tổ chức cho học sinh. Cần chú ý đến rèn luyện phương pháp tự học của học sinh, tăng cường học tập cá nhân, phối hợp nhóm; kết hợp đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của từng học sinh.

Khi áp dụng các phương pháp dạy học mới theo cô, giáo viên trước đó cần tìm hiểu kỹ đối tượng học sinh của mình; chú ý soạn giảng chu đáo, cẩn thận, lưu ý đến hệ thống câu hỏi nêu vấn đề, các hoạt động thảo luận nhóm, bài luyện tập sao cho phù hợp với đối tượng cụ thể của từng lớp dạy, phù hợp với địa phương mình sinh sống; đặc biệt chú trọng phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm.

Theo cô giáo Bảo Thuý, một trong những giải pháp để giáo viên luôn buộc phải tự đổi mới chính mình là việc tham dự thi giáo viên giỏi. Tham dự cuộc thi ở đây không chỉ vì thành tích mà hướng đến sự nỗ lực cá nhân của mình trong suốt quá trình tham gia. Cuộc thi đặt ra những giới hạn, thách thức mà người dự thi phải cố vượt qua. Khi đặt mình vào cuộc thi buộc mỗi người sẽ phải tự vận động, tự học hỏi, sáng tạo, tìm tòi cái mới. “Có tham dự những cuộc thi chúng ta mới có quyết tâm đổi mới và tự giác đầu tư vào hoạt động giảng dạy của mình” - cô nhấn mạnh.

 Một kinh nghiệm nữa của bản thân cô sau nhiều năm đi dạy mà cô muốn chia sẻ là… học từ ngay học sinh của mình. Đó có thể là những câu trả lời rất thông minh, ngộ nghĩnh tại lớp, là những bài viết với ý tưởng độc đáo. Lắng nghe ý kiến học sinh, chia sẻ. “Để học sinh nghe chúng ta trước hết chúng ta cũng phải nghe học sinh nói, biết học sinh nghĩ gì” - cô mỉm cười.

Với cô giáo Nguyễn Thị Bảo Thuý, để học sinh tin yêu mình mỗi giáo viên cần tự nêu gương. Giữ gìn phẩm chất, đạo đức của người đi dạy, thực hiện tốt nề nếp kỷ cương của nhà trường, của ngành; cùng góp công sức để xây dựng tập thể sư phạm của nhà trường. Cũng nói thêm rằng, không chỉ là một giáo viên tiêu biểu nơi trường cô dạy mà cô giáo Bảo Thuý còn là một người con hiếu thảo trong một gia đình nông dân hiếu học tiêu biểu của Bảo Lộc với 6 đứa con đều tốt nghiệp đại học, đều theo nghề dạy học, tất cả bắt đầu từ người chị cả Bảo Thuý.

Gia Khánh