Trong nhiệm kỳ 2008 – 2013, các cấp CĐ trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tích cực và gắn hoạt động với công tác tuyên truyền nhằm thu hút người lao động gia nhập tổ chức CĐ.
Nếu năm 2008, cả tỉnh Lâm Đồng chỉ có hơn 5,4 vạn CNVC-LĐ thì con số này tính đến đầu năm 2013 là trên 6,3 vạn. Ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2008 – 2013, các cấp CĐ trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tích cực và gắn hoạt động với công tác tuyên truyền nhằm thu hút người lao động gia nhập tổ chức CĐ”.
Những CNLĐ này cần một tổ chức CĐCS đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ |
Trong thực tế, khó khăn lớn nhất trong công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS ở Lâm Đồng là hầu hết CNLĐ trong các doanh nghiệp là lao động phổ thông có trình độ văn hoá và nhận thức pháp luật còn hạn chế; và, phần nhiều các chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước không muốn có tổ chức CĐ, ít quan tâm đến các hoạt động xã hội… Tuy nhiên, thông qua các hoạt động của mình, các cấp CĐ trong tỉnh Lâm Đồng đã gắn kết được mối quan hệ giữa người lao động với các chủ doanh nghiệp, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người lao động và góp phần thức đẩy doanh nghiệp ngày một phát triển bền vững.
Theo số liệu báo cáo của LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng, từ 2008 đến đầu năm 2013, cả tỉnh đã kết nạp được 21.471 đoàn viên CĐ cùng với việc thành lập 126 CĐCS ngoài nhà nước và 87 CĐCS khu vực hành chính; trong đó, khu vực ngoài nhà nước kết nạp được 12.791 đoàn viên – chiếm 59,6% tổng số đoàn viên được kết nạp mới. Như vậy, tính đến nay, trong tổng số 63.830 CNVC-LĐ toàn tỉnh đã có 58.053 người gia nhập tổ chức CĐ; trong đó, CNLĐ ngoài nhà nước chiếm 20.993 người và trong đó có 16.481 người là đoàn viên CĐ. Và cũng tính đến thời điểm này, Lâm Đồng có 1.467 CĐCS, trong đó có 259 CĐCS ngoài nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Hùng, còn cho biết: Trong nhiệm kỳ 2008 – 2013, LĐLĐ tỉnh đã tích cực triển khai chỉ đạo các cấp CĐ trong tỉnh thực hiện Chỉ thị 22/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 01/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN về “Đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể” nên nhờ đó, sức mạnh của tổ chức CĐ Lâm Đồng đã được tăng cường một cách đáng kể. Bên cạnh đó, các cấp CĐ trong tỉnh nhiệm kỳ qua cũng đã không ngừng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức CĐCS với những việc làm cụ thể như: Tham gia trực tiếp giải quyết vụ lãn công tập thể ở Công ty TNHH Vina Dream (chi nhánh Bảo Lộc), vụ phản ứng tập thể ở Công ty Đăng Phong (doanh nghiệp có CĐCS trực thuộc CĐ ngành Chè và cà phê Lâm Đồng); kịp thời giải quyết tình trạng bất ổn về quan hệ lao động ở một số doanh nghiệp như ở Công ty TNHH chè Vina Suzuky, Công ty cổ phần chè Cầu Đất…
Đặc biệt, công tác đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS trong thời gian qua cũng đã được LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng chú trọng nhằm tăng cường sức mạnh của tổ chức CĐ. Đối với cán bộ chuyên trách CĐ, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng tiêu chuẩn chức danh cho từng loại cán bộ cùng với quy trình và kế hoạch đào tạo – bồi dưỡng hằng năm nhằm chuẩn hoá đội ngũ này (chuyên trách). Nhờ đó, đến nay, cán bộ chuyên trách CĐ tỉnh Lâm Đồng có trình độ đại học và cao đẳng đạt tỷ lệ gần 90% (tỷ lệ này của năm 2008 là 66,6%). Rồi nữa, điều đáng kể nữa là từ 2008 đến nay, cả tỉnh cũng đã có 24 cán bộ CĐ chuyên trách được cử đi học đại học về CĐ tại TP HCM; đi học cao cấp chính trị 11 người, trung cấp lý luận chính trị 3 người… Đối với đội ngũ cán bộ CĐ không chuyên trách ở CĐCS, LĐLĐ tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai việc đào tạo, bồi dưỡng… để ngày thêm nâng cao năng lực, trình độ cho họ nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra của hoạt động CĐCS ở từng địa phương, từng ngành.
Ông Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh: “Để góp phần tăng cường sức mạnh của tổ chức CĐ, điều cần thiết là phải nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh; gắn việc củng cố, xây dựng tổ chức CĐ với việc hoàn thành nhiệm vụ SXKD của đơn vị; lựa chọn phương pháp tiếp cận, tuyên truyền vận động phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, với người lao động và người sử dụng lao động…”.
KHẮC DŨNG