Rời rừng đi, K’Giang ơi!

03:01, 23/01/2013

Tôi có “nợ nần” với loài tê giác. Tốt nghiệp đại học được điều đi làm phóng viên thường trú ở… vùng sâu vùng xa, tận cùng của Lâm Đồng, nơi có loài tê giác sinh tồn. Tôi biết không gian sinh thái nào nó sinh tồn, nó ăn giống thực vật gì, uống cái gì, vũng sình nào nó hay về ăn đất khoáng, ở cánh rừng Cát Lộc nào...

Tôi có “nợ nần” với loài tê giác. Tốt nghiệp đại học được điều đi làm phóng viên thường trú ở… vùng sâu vùng xa, tận cùng của Lâm Đồng, nơi có loài tê giác sinh tồn. Tôi biết không gian sinh thái nào nó sinh tồn, nó ăn giống thực vật gì, uống cái gì, vũng sình nào nó hay về ăn đất khoáng, ở cánh rừng Cát Lộc nào. Tôi từng hạnh phúc dâng tràn khi nhìn thấy đống phân tươi của nó, dấu chân nó trong rừng. Cuối năm 2010 nó bị bắn hạ, con cuối cùng, tôi đau như ga mất tàu, như rừng mất tình nhân, bước đi không nổi, khi ở Đà Lạt và nhận tin. WWF nghiêm túc công bố: “Tê giác chính thức tuyệt chủng ở VN”…

Nhưng tôi biết có người còn đau hơn tôi nữa. Cái người đau tê tái nhất cho sự “ra đi” của tê giác Việt Nam không phải các nhà động vật học, các nhà quản lý hữu quan từ cao xuống thấp mà là bạn tôi, Điểu K’Giang. Điểu K’giang sống trong vùng rừng giáp ranh giữa ba tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Đồng Nai ấy, quê hương của người S’Tiêng nhiều trăm năm nay, tức tận buổi xa xôi trước khi vùng rừng núi ấy được hành chính đưa thành “Vườn quốc gia”. Sắc dân S’tiêng sống đời người, tê giác sống đời thú, cộng sinh, an lành, loài nào có chỗ loài đó. Biết tê giác đã “sạch” rồi, tuần trước về Cát Tiên, tôi vẫn tìm vào rừng để thăm bạn lành Điểu K’Giang…

Điểu K’Giang từ cửa căn chòi trên núi nhìn ra mênh mông màu xanh núi rừng
Điểu K’Giang từ cửa căn chòi trên núi nhìn ra mênh mông màu xanh núi rừng


Nhớ tê giác

 Đường vào rừng thời nay cũng loạn xạ cả lên, trăm ngàn lối, cũng có đại lộ, cũng “hoành tráng”, chứ không phải một hai đường mòn xẻ cỏ xanh như xưa. Quần tới lui vài giờ, cuối cùng cũng gặp cánh rừng thân bạn ở, nơi mình từng lui tới một thời. Gặp tôi, Điểu K’Giang mừng: “Mới về à!”. Trời, bạn coi quê quán tôi ở rừng sao! Tôi đang hoang dã hay “sang trọng” vậy (!?).

Ôm tôi xong, K’Giang bảo ngồi xuống đám cỏ bên ngoài căn nhà sàn lồ ô nằm bên sườn đồi, với không gian xung quanh ngập tràn màu xanh heo hút núi rừng buổi chiều tàn. Bạn già, 73 tuổi, hỏi tôi có khát nước không. Tôi uống một hơi với ly nước đốt bằng củi khô rừng mà nghe mùi nước đượm hồn sơn dã. Không hỏi tôi vợ con thế nào, hay để tôi hỏi gia đình anh lâu nay ra sao, núi rừng vẫn cứ chan hoà, Điểu K’Giang như lôi thứ túc trực, quan trọng nhất với anh ra để báo tôi: “Con tê giác… chết rồi; đâu còn nữa. Hết, Pai ro mhai!”. Tất nhiên, tôi biết loài tê giác tiếng S’tiêng gọi là “Pai ro mhai”.

Không gian sống của Điểu K’Giang cũng như không gian sống của tê giác đều cần sự hoang vu, an lành, để tồn tại. Những dãy núi, từng cánh rừng, thung lũng, đầm lầy ở Cát Lộc, nơi con tê giác đi lại Điểu K’Giang đều thuộc như trong lòng bàn tay. Điểu K’Giang đánh hơi được mùi của con tê giác. Không ít lần anh trèo lên cây khi biết lát nữa nó sẽ đi qua. Nhiều lần con tê giác khịt khịt mũi, vì đánh được hơi người, mà cái hơi người ấy là mùi của Điểu K’Giang. Nhưng Điểu K’Giang và những con tê giác kia chung sống hoà thuận, nhiều lần ngắm nhìn nhau, trên cây và dưới đất.

Điểu K’Giang mà đã bảo hết tê giác là còn chắc hơn cả các nhà khoa học của WWF, hay Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật quốc gia. Có gì đâu, chính các nhà khoa học ấy, và cả hệ thống nghiên cứu sinh thái trong nước còn “điều tra” tê giác qua… Điểu K’Giang mà. Sự thật bốn năm chục năm nay nó thế. Điều tra xã hội học cũng là cách để tiếp cận một loài còn hay hết. Giới khoa học biết về tê giác qua duy lý, giải phẫu, phân tích khoa học. Còn Điểu K’Giang biết tê giác bằng tâm hồn; hơi thở, tiếng nức nở của rừng, người trong cuộc, nghĩa là bằng cảm xúc, tri thức tự nhiên, dân gian. K’Giang sống trong rừng, từ thuở sinh ra đến tuổi xế chiều như lúc này. Nhiều chục năm qua, K’Giang rành rọt đường đi lối lại của con tê giác. Nếu không có dân di cư tự do “đổ bộ” vào ở tràn ngập hơn hai chục năm nay, chỉ thuần người S’Tiêng và Điểu K’Giang sống ở giữa rừng Cát Tiên, thì sự thuần hậu của rừng hẳn nguyên vẹn. K’Giang yêu con tê giác, vì khắp núi rừng nó là loài thú lạ nhất, to nhất, sống mạnh mẽ đơn phương như một dòng dõi động vật lớn, bề trên trong thế giới tự nhiên nguyên sơ, không bầy đàn. K’Giang quá rành tê giác là loài thú không ăn thịt động vật, chỉ ăn đọt mây, măng tre, và một số lá cây khác. K’Giang biết nó là con vật ngày nằm nghĩ, tối đi ăn, bước từng bước... Mười mấy năm trước, K’Giang “nâng cao dân trí cho tôi” rằng tê giác là giống động vật to lớn hiền nhất, quá lành, quá tử tế trong cuộc sống hoang dã, không hề cướp thức ăn hay xâm phạm bất cứ không gian sống của loài nào. Đến độ những lúc về Bàu Chim (một vùng sình lầy trong rừng già) uống nước, hay để đẫm mình, tê giác cũng nhường nhịn, né những bầy chim, vịt trời đang tắm mà lội xuống ở vị trí khác. Ngoài Điểu K’Giang, không ai có thể chứng kiến những sinh hoạt như thế của tê giác. Người ta từng tranh luận loài tê giác của VN còn lại ở rừng Cát Tiên có giống tê giác ở Phi Châu hay tê giác Java ở quốc đảo Indonesia không? Điểu K’Giang từ lâu đã bảo loài tê giác ở rừng quê anh nó có một sừng thôi mà, vì anh hay đi chơi với nó, thấy rõ nó, thế mà thiên hạ cứ phân tích, tranh luận. Duy nhất một sừng, mình dài, nhưng thấp hơn con trâu, bước đi chậm rãi, lắc qua lắc lại cái mông, khịt khịt cái mũi. “Có thể đây sẽ là một phân loài tê giác riêng!”. Các chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã quốc tế mười sáu năm trước dự đoán, mà tôi là tay ký giả đủ phiêu bồng để theo những kẻ chịu chơi nhất là dân nghiên cứu sinh thái “mút chỉ” mà không cần biết ngày ra khỏi rừng. Những cuộc đi đó bao giờ chả có Điểu K’Giang.

Di ảnh... tê giác

Nên bất cứ đoàn quan chức chính quyền hay chuyên gia động vật trong hay ngoài nước nào muốn biết tê giác phải lội rừng tìm K’Giang trước là vì vậy. Duy nhất WWF, rồi sau nữa là Vườn Quốc gia Cát Tiên sở hữu được một số ít những bức ảnh về tê giác Việt Nam. Không ai khác, chính Điểu K’Giang dắt họ đi đặt máy bẫy ảnh. “Bẫy ảnh”, vì không thể ngồi mà canh chụp được, bởi không biết năm tháng, ngày giờ nào giữa trời đất này con tê giác sẽ xuất hiện, nhưng ảnh thì cần phải có để xác định khoa học. Các chuyên gia của WWF đã ghi được ảnh con tê giác nhờ sự mách lối, chỉ đường của Điểu K’Giang. Và họ khẳng định ngay: đây là tê giác đặc hữu của Việt Nam, duy nhất có ở VN, không rặt loài mà là một phân loài trong dòng tê giác một sừng hiện tồn trên đảo Java. Vì thế tên khoa học của nó mới là “ Rhinoceros Sundaicus Annamensis”. Là người không có quyền phát ngôn về học thuật động vật học hay can thiệp chính trị,  nhưng khi ấy tôi có tâm sự riêng với các nhà khoa học cái đuôi tên khoa học của loài động vật này phải là “…Vietnamensis”, hoặc  “…Cattienensis”, chứ không nên “…Annamensis”, vì thời thế giới gọi Việt Nam là Annam đã hết, qua lâu rồi. Sự độc đáo tiếp theo là kể từ khi chiếc máy “bẫy ảnh” - một thiết bị điện tử ghi lại ảnh một vật thể cắt ngang trong đêm tối khi đi ngang tia hồng ngoại chiếu ra từ chiếc máy đặc chủng kia xuất hiện ở VN. Tê giác sinh hoạt như ma, các chuyên gia rồi cũng đuối trong cuộc đeo đuổi ảnh. Thế là từ đấy, giải pháp hữu hiện nhất là mang chiếc máy bẫy ảnh tới đưa cho “Nhà tê giác học dân gian” Điểu K’Giang đi gắn lên cây, chụp. Anh rành từng cành cây cọng cỏ, đánh hơi được cả mùi tê giác, thì ai hơn anh trong việc khả dĩ chụp ảnh được nó chứ. Chỉ cần chỉ cho anh cách sử dụng máy móc, còn đặt đâu sẽ ghi được hình hẳn chỉ có anh quyết định chính xác. Có những lần anh đặt máy trên cây ven luồng đường tê giác đi, con tê giác ngang qua thấy vật lạ, dùng miệng đớp văng máy xuống đất. Ngoài những bức ảnh chuyên gia quốc tế chụp, cũng có những bức ảnh nay được lưu lại về con tê giác đã mất xác kia do Điểu K’Giang là tác giả. Chụp được giao máy, phim cho người ta, Điểu K’Giang cũng không giữ lại bức ảnh nào cả. Con tê giác biến mất vĩnh viễn, chỉ còn lại di ảnh nó, trong hồ sơ thiên nhiên của WWF, kỷ vật của Vườn Quốc gia Cát Tiên, và trên mạng, di ảnh đó có vai trò lặng lẽ tự nhiên của K’Giang.

Rừng Cát Lộc có sáp nhập vào Vườn Quốc gia Cát Tiên, hay nói khác là “lên đời” “Vườn Quốc gia” từ “Khu bảo tồn tê giác Cát Lộc” và rừng Cấm Nam Cát Tiên, Điểu K’Giang cũng chẳng để ý, chả quan trọng, chỉ biết rằng cánh rừng quê mình có những con tê giác, từ thời ông bà, xa xưa thường thấy, vậy thôi.

Di ảnh con tê giác “quen thuộc”. Tấm ảnh chụp do chuyên gia Mike Baltzer của WWF bẫy ảnh được, có sự tiếp sức từ hiểu biết dân gian của Điểu K’Giang được tác giả giữ làm kỷ niệm ngay khi họ chụp được nó.
Di ảnh con tê giác “quen thuộc”. Tấm ảnh chụp do chuyên gia Mike Baltzer của WWF bẫy ảnh được, có sự tiếp sức từ hiểu biết dân gian của Điểu K’Giang được tác giả giữ làm kỷ niệm ngay khi họ chụp được nó.


Khi người thơ thẩn trong rừng

Nên tê giác là con vật thân của rừng quê, trong lòng Điểu K’Giang diễn ra thế. K’Giang bảo mình không ngủ được kể từ ngày biết nó “chết”. Hình ảnh nó ở trong anh mãi. Lúc nó chưa bị hạ sát, thương yêu nó Điểu K’Giang thường lặng thầm bảo vệ nó bằng mọi cách, không để nhiều người biết đường nó đi lại, chỗ nó hay ngủ, đi ăn ở trong rừng. Ngoài tuân thủ những phương pháp mà Vườn Quốc gia Cát Tiên hướng dẫn để bảo vệ, Điểu K’Giang còn dùng sự thông minh tự nhiên, tri thức riêng, của người xứ rừng, để bao bọc cho con tê giác. Nên nó không thể chết ở rừng quê Điểu K’Giang, không thể ngã gục ở vùng sình lầy Bàu Chim - vì khi nó uống nước và đẫm sình là dễ bắn nhất. Nó bị hạ sát ở rừng xa, bên rừng Tiên Hoàng, Gia Viễn thuộc lâm phận ở những xã khác trong huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), nơi ở của dân mới nhập cư vào, chứ không phải rừng Bù Run, xã Phước Cát II này. Nay, gặp bạn lành, người hiểu con tê giác đó nhất, bạn kể khi nghe thằng Điểu K’Lích, cháu họ, nó lấy tin đâu từ cô bác xa gần, hay Kiểm lâm gì đó: “Con tê giác của chú Ba (tên cộng đồng S’Tiêng ở sóc Bù Runthân thường gọi K’Giang)… chết rồi!”. Thì ra cộng đồng bản địa ở rừng này xem con tê giác đó như tê giác của Điểu K’Giang, họ biết rõ và cảm nhận được tính máu thịt của nó với tâm hồn ông. Họ quá hiểu anh là kẻ thương nó, bảo bọc nó, gần gũi, và gắn bó sâu nặng với nó nhất rồi. K’Giang hỏi thằng cháu: “Sao chết?”. “Thấy người ta nói đang đi lấy xương của nó. Nghe nói trong xương còn thấy viên đạn!”, Điểu K’Lích đơn giản trả lời. K’Giang nói với lại thằng cháu chắc gọn: “Mày biết thằng nào bắn, nói tao nghe (!?)”. Lúc đó, “Mình lặng người. Chán cuộc sống. Thất vọng xung quanh. Bỏ rẫy điều trên núi, về nhà nằm. Nằm nhớ về nó, nghĩ mãi nó!”. Ngày hôm sau, Điểu K’Giang muốn lội rừng đi qua vùng rừng bên Tiên Hoàng, chỗ con tê giác bị hạ sát, để nhìn đống xương nó. Bất chợt, nghĩ tới cảnh chỉ còn lại đống xương, càng cay xót thêm, nên thôi đi xem, “thà nằm luôn trên giường cho… ít đau!”.

Người thân của Điểu K’Giang còn kể, những ngày đó Điểu K’Giang bỏ ăn. Giờ ngồi đây với tôi, Điểu K’Giang cứ bảo, giá mà con tê giác cứ sống ở khu vực Bàu Chim này, quanh rừng Bù Khiêu, Bù Run, Phước Sơn, anh sẽ che chở cho nó được. “Ai bảo nó đi ăn xa quá!”, K’Giang ấm ức, qua hơn hai năm, từ ngày nó bị bắn hạ. Bạn già trong sáng quá, chủ quan quá, cả hệ thống quyền lực còn không che chở được cho con tê giác, huống chi tấm thân gầy ngoài bảy mươi của bạn hè! Nó mà bị bắn chết ngay tại sóc Bù Khiêu, khu Bàu Chim của rừng già Cát Lộc này, có khi bạn phải tự tử vì ức, vì bất lực mất chẳng chơi. Khổ nỗi, tê giác nó là thú hoang dã, làm sao hiểu được tình cảm Điểu K’Giang dành cho nó, và khả năng của anh. Mà là thú lớn, nó phải cần không gian rộng lớn để sinh hoạt, nó có quyền đi đây đó khắp núi rừng, suối khe, trong thế giới tự nhiên của nó chứ. Tê giác nó thua cuộc, thua trong cuộc đấu tranh sinh tồn với loài người…

Từ ngày con tê giác “ra đi”, ai hỏi gì về tê giác Điểu K’Giang cũng không nói. Anh lặng thinh đến giờ. Đêm rừng hoang phủ xuống, bạn già nhìn ra hướng tê giác ngày xưa hay về: “Tình này, mình cứ ra Bàu Chim đi nhìn, từ ngày đó - tê giác bị bắn, lên rừng, đi chỗ đâu cũng cố nhìn, hy vọng có dấu vết, còn một con nào đó khác nữa!.  Nhưng bây giờ chắc chắn, “sạch” thật rồi!”. Giang biết mà, vừa cảm nhận của người hiểu rừng và vừa từng trải hiện thực, vừa kiểm soát được muôn loài trên cánh rừng quê nhà. “Chỉ còn có một con đó thôi, mười năm nay. Mình biết!”, vẫn kiểu rỉ rả của Giang khi hàn huyên. Bạn lành chốn sơn nguyên đột nhiên hỏi tôi có còn yêu rừng nữa không, thích lội rừng nữa không? Nhìn vào ánh mắt người già nhưng vẫn tinh khôi của bạn, tôi chân thành: “Anh Giang, phố phường, thành phố, dễ lập ra thêm, muốn bao nhiêu cũng có. Chứ rừng nguyên sinh, sao sinh ra thêm, sao tạo ra được một loài thú nào, như loài tê giác. Ở rừng này, tôi chỉ có anh và tê giác. Nay thì, còn mỗi anh đó!”.

Giờ đây, hết mùa khô sang mùa mưa, lại mùa khô, không bao giờ Điểu K’Giang còn nhìn thấy hình ảnh tê giác nữa. Và tôi cũng vậy. Biệt tích thiệt luôn cái mùi đặc trưng của nó cùng âm thanh vừa đi vừa khịt khịt ở mũi. Anh bảo anh nhớ nó quá. Sự thật đã bày ra, anh đã rõ, nhưng thi thoảng không tin rằng nó đã biến mất, và biến mất dễ dàng vậy. Là người nhẹ nhàng, nhân ái, không bao giờ ghét bỏ ai, cũng không để ý đến thời cuộc hay xã hội bên ngoài núi rừng này, thế mà K’Giang tâm tình: “Mình mà biết đứa nào bắn con tê giác, mình sẽ “nói chuyện” với nó bằng cái xà gạt này…!”. Này, bạn già, đừng yêu tê giác mà phạm pháp đấy. Ai bắn tê giác Yàng sẽ xem xét cuộc đời nó, cây rừng, cọp beo, rắn rết, rừng núi sẽ bám sát nó. Tức mà nói vậy thôi, chứ chưa chắc gặp kẻ thủ ác Điểu K’Giang hành xử như lòng căm hờn trong mình.

Chẳng bao giờ đụng đến tờ báo nào nhưng bằng cảm nhận, anh cũng biết báo chí cũng có một “vị trí” gì đó. Nên chợt anh trách móc tôi không viết bài để bảo vệ con tê giác, bảo vệ từ xa.

 Ám ảnh mẹ rừng

Tác giả cùng bạn hiền Điểu K’Giang ở bên vách núi, gần khu vực ngày xưa tê giác hay về
Tác giả cùng bạn hiền Điểu K’Giang ở bên vách núi, gần khu vực ngày xưa tê giác hay về

“Về lại rừng”, thăm quê bạn, cũng là quê tê giác. Không chịu nổi khi nghĩ về sự vĩnh biệt vĩnh viễn loài tê giác trên đất nước này, chúng tôi rủ nhau lang thang vào rừng Bù Run, Bàu Chim - nơi ngày nào tê giác hay về sau những kỳ nó “giang hồ” miệt mài đâu đó trên rừng già. Hai kẻ có hai chiều duyên nợ với tê giác khác nhau, bước hư vô trên con đường cỏ xanh tê giác từng đi. Dù gì tôi cũng chỉ là “khách” của con tê giác, nên bước chân hời hợt hơn nhiều so với từng bước chân thậm tình nặng trịch của Điểu K’Giang - kẻ “sống” với con tê giác. Từng vuông cỏ đi qua, anh chỉ lại những lối ngày xưa đọng bước chân tê giác, chỗ nó ỉa, vị trí nó cạ vào cây… Cứ như tê giác cũng thành ma, nó ám vào anh, nó bắt anh không được quên nó. Những loài động vật tự nhiên trong thiên nhiên hồn hậu có bao giờ thành ma, ma chỉ là sản phẩm của con người, suy nghĩ con người. Điểu K’Giang không muốn nghĩ tê giác mất thật, nên kể lại là ở đây thường anh cũng ra nhìn Bàu Chim một mình như thế. “Nhìn cái trũng sình này,… mà cũng bớt nhớ nó đó, Tình à!”, Điểu K’Giang nói ra lòng mình. Từ ngày con tê giác tiêu xác bên rừng Tiên Hoàng - Gia Viễn, K’Giang không muốn quay về làng nữa, sóc Bù Khiêu, nơi có căn nhà chính của anh cùng vợ con, mà anh dựng căn chòi sơ sài bên bìa rừng ở một mình. Hàng ngày nếu không đi nhặt điều, cắt rau núi cho mấy con heo, gà rừng thả rông ăn, thì cũng lang thang vào rừng. Với người gắn bó bền sâu với rừng, với những sinh vật của hoang dã, lang thang trong rừng là hành vi máu thịt, là hơi thở, là trao đổi chất với Mẹ rừng. Câu hát của một người bạn khác của tôi ở Trung Tây Nguyên, cao nguyên Dak Lak, Y Phôn K’Sor: “Tôi như con thú hoang, lang thang trong rừng sâu”, sao cứ như nó vận vào cụ thể qua anh chàng Điểu K’Giang ở miền cực cuối của Tây Nguyên là rừng Cát Lộc này.
 
Động vật hoang dã trên đất nước này, có con nào quí bằng tê giác đâu nhưng tê giác đã vĩnh biệt chúng ta mãi mãi và có một sự thật là, bạn già Điểu K’Giang của tôi thì kẹt lại trong nỗi nhớ, trong tình thương yêu với loài động vật kia. Chắc vì bản năng hồn hậu của người trong sơn nguyên, và con tê giác đó là một phần của quê hương anh, rừng quê, rừng nhà… Con tê giác chết đã tội, mà ông bạn gầy gò của tôi còn tội nghiệp hơn, sao có thể cứ mòn mỏi với cái đã mất, đã qua, lại chỉ là một dã thú, khác loài, chứ không phải con người nhỉ.

 Điểu K’Giang ạ, rời rừng đi, buông bỏ hình bóng kia đi mà, về sống với thực tại, cõi của con người. “Ngài” khổ với một loài dã thú như thế, tôi xót lắm. Mọi người, nhất là ở thị thành, hình như đã bắt đầu quên nó rồi đó. Nhưng làm sao mà kéo một người nặng nợ với hoang dã như Điểu K’Giang ra khỏi rừng được.

Ký sự: Nguyễn Hàng Tình