Sự cần thiết mở rộng 3 thị trấn

10:01, 01/01/2013

Kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng gần đây nhất đã thông qua các đề án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính 3 thị trấn trên địa bàn tỉnh là Lạc Dương (huyện Lạc Dương), Di Linh (huyện Di Linh) và Đồng Nai (huyện Cát Tiên)...

Kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng gần đây nhất đã thông qua các đề án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính 3 thị trấn trên địa bàn tỉnh là Lạc Dương (huyện Lạc Dương), Di Linh (huyện Di Linh) và Đồng Nai (huyện Cát Tiên). Việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính 3 thị trấn này là hết sức cần thiết cho sự phát triển, là yêu cầu cấp thiết và khách quan, và đặc biệt là phù hợp với nguyện vọng của người dân địa phương.

Quang cảnh ở Trường THPT Di Linh. Ảnh: Bùi Trưởng
Quang cảnh ở Trường THPT Di Linh. Ảnh: Bùi Trưởng


Ngoài Di Linh là quận lỵ có tính chất đô thị ngay từ trước 1975 thì hai thị trấn còn lại (Đồng Nai và Lạc Dương) được xem là vùng nông thôn được khoác lên mình “chiếc áo” thị trấn. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển, đến lúc này, những “chiếc áo” ấy (kể cả thị trấn Di Linh) đã trở nên chật chội, không còn phù hợp; và, yêu cầu điều chỉnh mở rộng đã thực sự trở thành yêu cầu khách quan và cấp thiết.

Trong hiện tại, thị trấn Lạc Dương của huyện Lạc Dương có diện tích tự nhiên là 3.599ha và dân số là 5.238 nhân khẩu, có 8 tổ dân phố. Còn xã Lát trong hiện tại, diện tích tự nhiên là 25.175ha, dân số 4.637 nhân khẩu, có 6 thôn. Theo đề án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thì ngoài diện tích và số dân hiện tại, thị trấn Lạc Dương trong tương lai sẽ “trùm” lên một phần diện tích và dân số của xã Lát ở vùng kế cận thị trấn hiện tại. Cụ thể, sẽ có 3.461 ha đất và 2.704 nhân khẩu của xã Lát được nhập vào thị trấn Lạc Dương hiện tại. Như vậy, thị trấn Lạc Dương trong tương lai sẽ có tổng diện tích tự nhiên là 7.061ha và dân số là 7.942 nhân khẩu (1.841 hộ). Trong báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ trình duyệt về việc mở rộng thị trấn Lạc Dương, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương là rất cần thiết, đảm bảo đủ các điều kiện pháp lý theo quy định; phù hợp với quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, tạo điều kiện cho thị trấn Lạc Dương phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa, ngang tầm với lợi thế và vùng phụ cận của thành phố Đà Lạt trước mắt cũng như lâu dài”.

Tương tự, với thị trấn Di Linh của huyện Di Linh, trong văn bản báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ, Sở Nội vụ cho biết: “Hồ sơ điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thị trấn Di Linh, huyện Di Linh đã được xác lập trình tự đúng theo quy định, đã được nhân dân các địa phương, cơ sở tham gia ý kiến; được HĐND cấp xã và cấp huyện thông qua và có nghị quyết tán thành…”. Theo báo cáo này, thị trấn Di Linh hiện có diện tích tự nhiên gần 1.827ha (chiếm 8,84% diện tích tự nhiên cả huyện) với tổng số dân 22.394 khẩu (5.010 hộ). Theo phương án điều chỉnh, ngoài diện tích và dân số hiện có, thị trấn Di Linh trong tương lai còn bao gồm hơn 550ha và 1.035 hộ dân (4.658 khẩu) của xã Gung Ré cùng với hơn 88ha và 145 hộ dân (593 nhân khẩu) của xã Tân Châu. Như vậy, sau điều chỉnh, thị trấn Di Linh được mở rộng ở quy mô hơn 2.465ha đất tự nhiên và 6.190 hộ dân (27.645 nhân khẩu). Việc mở rộng địa giới hành chính thị trấn Di Linh là phù hợp với yêu cầu “thu hút các nguồn vốn đầu tư, để phát triển công nghiệp, sản xuất sản phẩm cây công nghiệp tập trung, công nghiệp chế biến nông – lâm sản tương xứng với vị thế, tiềm năng và là yêu cầu cấp thiết, khách quan…”.

Với thị trấn Đồng Nai của huyện Cát Tiên, việc điều chỉnh có khác hơn so với hai thị trấn Di Linh và Lạc Dương. Nói rõ hơn, không chỉ điều chỉnh một phần diện tích và dân số của địa phương kế cận mà với thị trấn Đồng Nai trong tương lai bao gồm toàn bộ phần đất và số dân của xã Phù Mỹ; đồng thời, tên của thị trấn cũng được đổi thành thị trấn “Cát Tiên”. Trong hiện tại, thị trấn Đồng Nai có diện tích tự nhiên là 1.347ha và dân số 7.398 nhân khẩu; xã Phù Mỹ: 679ha, 3.921 nhân khẩu. Như vậy, sau khi điều chỉnh, thị trấn Đồng Nai (trong tương lai là thị trấn Cát Tiên) có diện tích tự nhiên gần 2.026ha và dân số là 11.319 nhân khẩu. Điều cần nhấn mạnh, sau khi được điều chỉnh, tên xã “Phù Mỹ” sẽ không còn nằm trong bản đồ hành chính của huyện Cát Tiên. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Cát Tiên giảm 1 đơn vị hành chính cấp xã – từ 12 đơn vị hành chính cấp xã giảm xuống còn 11 đơn vị, trong đó có thị trấn Cát Tiên theo tên gọi mới. Trong đề án điều chỉnh địa giới hành chính do UBND huyện Cát Tiên lập (do Chủ tịch UBND huyện, ông Ngô Xuân Hiển, ký) cho thấy: Thị trấn Đồng Nai và xã Phù Mỹ có cùng chung đặc điểm là trung tâm huyện lỵ Cát Tiên; là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa – xã hội của huyện; có chung định hướng phát triển kinh tế trong những năm tiếp đến trong tương lai là phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Trong những năm qua, các cơ sở hạ tầng của huyện được đầu tư chủ yếu trên địa bàn xã Phù Mỹ nên việc đô thị hóa của xã này diễn ra khá nhanh và đòi hỏi phải tổ chức lại bộ máy chính quyền theo hướng chính quyền đô thị. Trong khi đó, thị trấn Đồng Nai trong hiện tại về quy mô diện tích đất tự nhiên và dân số lại chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trung tâm huyện lỵ; rồi nữa, theo định hướng mà Cát Tiên đưa ra là đến năm 2020, Cát Tiên phải có một trung tâm huyện lỵ đạt các tiêu chí đô thị loại IV. Do đó, việc sáp nhập toàn bộ xã Phù Mỹ vào thị trấn Đồng Nai là một yêu cầu khách quan. Về việc đổi tên thị trấn sau khi điều chỉnh từ “Đồng Nai” sang “Cát Tiên”, ý kiến của đa số người dân cho rằng đây là việc làm phù hợp với yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp với tính chất của một trung tâm huyện lỵ, một trung tâm hành chính – kinh tế - xã hội của huyện.

Trong tương lai, việc điều chỉnh địa giới hành chính 3 thị trấn Lạc Dương, Di Linh và Đồng Nai (thị trấn Cát Tiên) chắc chắn sẽ gây những xáo trộn nhỏ nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn đó là, việc điều chỉnh ấy là phù hợp với xu thế tất yếu của sự phát triển. Và, điều quan trọng hơn cả, đây chính là nguyện vọng tha thiết của người dân 3 huyện Lạc Dương, Di Linh và Cát Tiên (và của cả tỉnh Lâm Đồng) trước yêu cầu phát triển xã hội hiện nay.

Khắc Dũng