Nhiều dự án phát triển cộng đồng đã được Tổ chức tình nguyện Eco Việt Nam Group triển khai tại xã nghèo vùng sâu Gia Bắc (huyện Di Linh). Một thư viện dành cho cộng đồng được mở ra. Một nhóm học sinh đồng bào dân tộc được tài trợ để tiếp tục học cấp III. Nhiều chương trình sinh hoạt, vui chơi cùng những trẻ em địa phương đã được tổ chức định kỳ.
Nhiều dự án phát triển cộng đồng đã được Tổ chức tình nguyện Eco Việt Nam Group triển khai tại xã nghèo vùng sâu Gia Bắc (huyện Di Linh). Một thư viện dành cho cộng đồng được mở ra. Một nhóm học sinh đồng bào dân tộc được tài trợ để tiếp tục học cấp III. Nhiều chương trình sinh hoạt, vui chơi cùng những trẻ em địa phương đã được tổ chức định kỳ.
Học sinh Trường Tiểu học Gia Bắc thích thú với những cuốn sách mới |
Chưa bao giờ trẻ em xã Gia Bắc được tiếp cận với nhiều đồ chơi, sách báo trước khi Thư viện cộng đồng được thành lập tại đây. Thư viện được dựng bằng phên tre, được trang trí sao cho “thân thiện và gần gũi” với cuộc sống của bà con trong vùng, để trẻ con không phải e dè mỗi khi tìm đến. Hơn 700 đầu sách thiếu nhi, sách khoa giáo, truyện tranh, đồ dùng học tập được các “mạnh thường quân” và tình nguyện viên ủng hộ, quyên góp. Ngày đầu mới mở cửa thư viện (tháng 7/2011), mỗi ngày có cả trăm em học sinh tìm đến. Chúng thích thú với những món đồ chơi chưa bao giờ được đụng đến: Tàu lửa, xe điều khiển, gấu bông, cờ vua… Chúng tò mò lần giở từng trang sách lạ lẫm, kể cả những cuốn truyện tranh bằng tiếng Anh. Ban đầu, nhiều em còn không dám đặt chân đến thư viện nhưng thấy bạn bè ngày nào cũng đến nên chúng đi theo. Em Ka Xinh (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Gia Bắc) tâm sự: Ở thư viện có nhiều sách mới. Truyện hay và đồ chơi đẹp nên em và mấy bạn thường rủ nhau đến chơi.
Trước đây, những tình nguyện viên của Eco Việt Nam sẽ luân phiên nhau lên Gia Bắc theo từng nhóm 2 – 3 người để cùng vui chơi, dạy học với trẻ em trong vùng ngay tại Thư viện cộng đồng. Sau vài ba tuần, các bạn tình nguyện viên trở về để những người khác lên thay, thư viện lại vắng đi một thời gian. Các em ngại đến vì có người mới và phải mất nhiều thời gian để tiếp cận lại với các em. Thế là, một “thủ thư” đã được bố trí để cắm chốt tại thư viện. Đó là anh chàng sinh viên mới ra trường Nguyễn Được (21 tuổi, quê ở huyện Định Quán, Đồng Nai). Được tâm sự: “Em lên đây cắm chốt đã 2 tháng rồi, nhưng các bạn đang vẫn còn rất e dè. Mỗi ngày, em thường đến các thôn, các trường để làm quen với các em, rủ các em đá bóng hoặc đến thư viện để học nhóm”. Được tốt nghiệp ngành địa chất (hệ cao đẳng, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh). Dù là “quý tử” trong gia đình, nhưng Được vẫn quyết tâm tình nguyện lên Gia Bắc, mặc cho bố mẹ ngăn cản. Ngày đầu mới lên vùng núi rừng hoang vắng, cảm giác buồn và muốn bỏ về cứ thường trực trong đầu. Nhưng mỗi ngày được nhìn thấy các em đến thư viện, tò mò khám phá từng món đồ chơi, thích thú với từng quyển sách và những dụng cụ học tập đơn giản khác thì mình lại có thêm động lực để ở lại – Được tâm sự.
Ngoài đến thư viện để đọc sách, học sinh xã Gia Bắc còn được các tình nguyện viên hướng dẫn vệ sinh cá nhân |
Lâu lâu, có những đoàn sinh viên tình nguyện đến Gia Bắc thăm Thư viện cộng đồng, cùng sinh hoạt với trẻ em và người dân địa phương. Đó là những lúc các bạn sinh viên được trải nghiệm cuộc sống mới mẻ và thú vị. Các bạn cùng người dân địa phương làm cỏ, hái cà phê. Các bạn dạy cho trẻ con học tiếng Anh, giữ gìn vệ sinh cá nhân. Không chỉ “dạy” mà các bạn còn được “học” rất nhiều từ cộng đồng. Bạn Phan Thị Lan Anh (Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh), người từng gắn bó với thư viện 4 tháng, chia sẻ: Ở nơi hoang vắng, bọn mình học được cách vượt qua khó khăn và nỗi sợ hãi. Cùng làm việc với người dân, bọn mình học được cách giao tiếp, ứng xử. Dạy cho các em học, bọn mình cũng học được cách biết chia sẻ, yêu thương.
Ngoài thư viện cho cộng đồng, những tình nguyện viên của Tổ chức Eco Việt Nam Group còn giúp bà con xây bếp, hỗ trợ Trường THCS Gia Bắc xây phòng máy vi tính. Mới đây, Eco Việt Nam đã hỗ trợ gia đình chị Ka Hum (thôn Ka Sá, xã Gia Bắc) xây nhà. Đặc biệt, một dự án rất ý nghĩa và mang đầy tính nhân văn mà Eco Việt Nam đã làm được tại Gia Bắc chính là tài trợ để học sinh Gia Bắc tiếp tục được học cấp III. Ở Gia Bắc không có trường cấp III, muốn tiếp tục thì các em phải ra huyện để học. Đường sá xa xôi lại khó khăn về kinh phí là điều khiến nhiều em phải bỏ học khi vừa hoàn thành chương trình cấp II. Thông qua Dự án Hãy là nhà bảo trợ của Eco Việt Nam, 6 học sinh gồm Ka Hiền, Ka N Hiển, Ka Luyên, Ka Hâm, K’ Bốs, K’Zed đã được bảo trợ học tiếp lên cấp III. Hiện, mỗi em được dự án tài trợ 800 ngàn đồng/tháng, trong suốt 3 năm học cấp III, để trang trải việc học ở các trường ngoài huyện.
Xã Gia Bắc với 100% là đồng bào dân tộc K’Ho. Nằm cách biệt với trung tâm huyện Di Linh hơn 40 km, xã còn gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Việc mang Thư viện cộng đồng đến xã đã phần nào giúp thỏa ước mơ con chữ của trẻ em trong vùng. Bà Ka M Hiết, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Bắc, cho biết: Có thư viện, học sinh trong vùng có điều kiện tiếp xúc với những tài liệu, thông tin mới; có điều kiện để sinh hoạt, vui chơi với những tình nguyện viên. Nhờ đó, các em dạn dĩ và hòa nhập với cuộc sống cộng đồng hơn. Tuy nhiên, với bản tính còn nhút nhát nên nhiều em còn e ngại không chịu đến thư viện. Thời gian tới, chúng tôi và các trường học sẽ tăng cường mối quan hệ với thư viện để vận động các em đến sinh hoạt, học tập tại thư viện.
HỮU SANG