Tìm thế cân bằng cho thị trường

02:01, 17/01/2013

Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đang dần tập trung vào nhóm lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật với số lượng lớn. Từ đó, đã dẫn đến một thực tế là tình hình thị trường lao động tồn tại những nghịch lý giữa nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc cả về số lượng lẫn trình độ.

Theo thống kê của ngành chức năng, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, số lao động có trình độ luôn chiếm cao hơn lao động phổ thông hay công nhân kỹ thuật. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đang dần tập trung vào nhóm lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật với số lượng lớn. Từ đó, đã dẫn đến một thực tế là tình hình thị trường lao động tồn tại những nghịch lý giữa nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc cả về số lượng lẫn trình độ.

Cung vượt cầu nhưng lao động vẫn khó tìm việc

Qua thống kê số liệu, tổng số nguồn cung đăng ký tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp năm 2012 là 15.966 lao động, trong đó, số lao động đến đăng ký trực tiếp hàng tháng tại Trung tâm là 7.093 lao động. Cũng qua số liệu thống kê cho thấy, Trung tâm ngày càng thu hút nhiều lao động đến đăng ký tìm việc làm, so với năm 2011, thì tổng số lao động đến đăng ký trực tiếp tăng 129%. Trong đó, trình độ đại học tăng 214%, cao đẳng tăng 139%, trung cấp tăng 17%, lao động kỹ thuật tăng 6%, riêng đối với trình độ lao động phổ thông giảm 48% so với năm 2011. Số lượng các doanh nghiệp, đơn vị đến TTGTVL đăng ký trực tiếp trong năm là 632 với tổng nhu cầu tuyển dụng 16.730 lao động và số doanh nghiệp, đơn vị đăng ký tuyển dụng gián tiếp qua website là 130. Doanh nghiệp đăng ký tại Trung tâm năm 2012 tăng 7,8% so với năm 2011, với tổng số nhu cầu tuyển dụng lao động giảm 36%. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào nhóm lao động phổ thông, lao động có kỹ thuật, với các ngành nghề như: may mặc, dệt đan, se sợi với hơn 1.500 lao động, cầu vượt cung là 1.477; nhóm ngành điện, điện tử, cơ khí kỹ thuật cầu vượt cung 253. Trong khi đó, nhóm lao động có trình độ với ngành nghề như giáo viên, bác sĩ, kế toán… thì nhu cầu tuyển dụng lại chỉ vào khoảng 1/10 lao động phổ thông. Qua số liệu tổng hợp cho thấy, tổng số cung vượt cầu là 1.371 lao động. Trong đó, lao động trình độ bậc đại học cung lại vượt cầu với 3.566 lao động, trong khi nhu cầu tuyển dụng trong năm chỉ có 838 và nhu cầu lại thiếu trầm trọng lao động có tay nghề và công nhân kỹ thuật. Sự chênh lệch cung - cầu lao động ở các bậc trình độ, nhóm ngành trên đã gây ra hiện tượng thiếu hụt lao động ở một số bậc trình độ nhóm ngành này, nhưng lại dư thừa ở một số bậc trình độ, nhóm ngành khác và lao động ở một số bậc trình độ, nhóm ngành này phải sang làm việc ở bậc trình độ, nhóm ngành khác. Điều này đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp luôn gặp khó khăn trong tuyển dụng và thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng như lao động phổ thông. Và nhiều sinh viên vẫn khó tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo, đặc biệt là nguồn cung ở các ngành như kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin…

Để cung - cầu lao động cân bằng

Theo đánh giá của ngành chức năng, nhìn chung, nguồn cung lao động trong quý I/2013 chủ yếu là nguồn cung chưa tìm được việc làm trong quý IV/2012. Theo đó, hiện có khoảng 743 lao động, trong đó, đại học chiếm nhiều nhất với 301 lao động tập trung vào các nhóm ngành kế toán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và nhóm ngành kinh doanh, marketing, bán hàng; lao động chuyên môn kỹ thuật ít nhất với 68 lao động. Trong khi đó, hiện đang gần vào dịp Tết cổ truyền dân tộc, nên nhiều lao động có xu hướng trở về quê ăn Tết và đây cũng là dịp nghỉ ngơi, đi du lịch và tham gia các lễ hội cổ truyền. Vì vậy, nhu cầu lao động của nhóm ngành dịch vụ thương mại, maketing cũng sẽ tăng do trong dịp này các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, khuyến mãi, bán hàng. Dự báo trong quý I/2013, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp khoảng 782 nhu cầu. Xu hướng nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn cũng không có sự chuyển biến lớn, khi nhu cầu lao động kỹ thuật có tay nghề, lao động có trình độ trung cấp và lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ lệ lớn, sau đó mới là lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Do đó, để cung và cầu lao động luôn ở thế cân bằng, cần nhiều giải pháp và nhiều ngành vào cuộc. Trong đó, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cần tập trung vào đào tạo những nhóm ngành liên quan đến kỹ thuật, hạn chế những ngành đang thừa lao động như kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh…, và cần phải có sự liên kết với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng và có việc làm theo đúng chuyên môn. Mặt khác, các bậc phụ huynh cần có định hướng cho con em theo học những ngành xã hội đang cần, tránh tình trạng cho theo học những ngành đang thừa lao động. Đặc biệt, Lâm Đồng đang hướng đến nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đang thiếu trầm trọng những lao động có tay nghề phục vụ cho ngành này. Vì vậy, các ngành chức năng cũng cần có sự quan tâm và ưu tiên để đào tạo những công nhân kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của việc hiện đại hoá ngành nông nghiệp đang là thế mạnh của địa phương.

Tuấn Hương