Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thuỷ lợi Lâm Đồng (Sở NN-PTNT) là đơn vị sự nghiệp có thu của ngành nông nghiệp được UBND tỉnh và Sở NN-PTNT giao nhiệm vụ quản lý, khai thác 31 công trình thuỷ lợi có kỹ thuật vận hành phức tạp và có khu tưới rộng...
Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thuỷ lợi Lâm Đồng (Sở NN-PTNT) là đơn vị sự nghiệp có thu của ngành nông nghiệp được UBND tỉnh và Sở NN-PTNT giao nhiệm vụ quản lý, khai thác 31 công trình thuỷ lợi có kỹ thuật vận hành phức tạp và có khu tưới rộng. Từ trước tới nay, việc cung cấp nước tưới cho cây trồng thường được thực hiện thông qua các hợp đồng dùng nước ký kết giữa đơn vị với hộ nông dân nên đã và đang dẫn tới những bất cập lớn là lãng phí nguồn nước, công trình bị chính người dùng nước xâm hại bằng các hành vi như đào đục kênh mương để lấy nước, canh tác hoặc xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ công trình, làm bồi lắng kênh mương, trốn tránh ký hợp đồng dùng nước… và tại một số vùng tình trạng mất đoàn kết đã xảy ra do tranh chấp dùng nước giữa các hộ hoặc các thôn với nhau… Để từng bước hạn chế những bất cập này, việc thử nghiệm và triển khai những mô hình hợp đồng dùng nước mới đang được Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thuỷ lợi và chính quyền các địa phương quan tâm. Và một trong những mô hình đã được triển khai có kết quả là mô hình Tổ hợp tác dùng nước tại huyện Lâm Hà và huyện Đơn Dương.
Ông Trịnh Quang Ứng - Giám đốc Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thuỷ lợi Lâm Đồng cho biết, xuất phát từ thực tế này, được sự phối hợp của UBND huyện Đơn Dương và UBND huyện Lâm Hà, vào cuối năm 2011, Trung tâm đã thí điểm thành lập ở mỗi huyện 7 tổ hợp tác dùng nước (tất cả là 14 tổ) do các trạm quản lý khai thác công trình thuỷ lợi huyện (trực thuộc Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thuỷ lợi Lâm Đồng) quản lý. Các tổ hợp tác này gồm những hộ nông dân cùng hưởng nước tưới từ một công trình đã tự giác, tự nguyện liên kết với nhau để ký kết hợp đồng cung cấp nước và sử dụng nước với trạm quản lý khai thác công trình thuỷ lợi huyện. Tổ còn đồng thời tiến hành việc rà soát thống kê diện tích thực tưới theo từng tuyến kênh, từng công trình, phối hợp với cán bộ của trạm điều tiết phân phối nước từ kênh mương tới mặt ruộng của từng hộ theo đúng kế hoạch tưới (kế hoạch này được xây dựng dựa trên kế hoạch sản xuất của địa phương cũng như tuổi sinh trường của cây trồng vào từng thời điểm), ngăn chặn các hành vi xâm hại công trình, huy động nhân lực của các hộ dùng nước trong tổ để nạo vét kênh mương khi có yêu cầu.
Sau hơn một năm triển khai mô hình tổ hợp tác dùng nước đã thu hái được nhiều thành công khi những bất cập trên đã được tháo gỡ và quan hệ giữa trạm quản lý khai thác thuỷ lợi với UBND các xã trong vùng hưởng lợi cũng gắn bó hơn, công tác tuyên truyền với nông dân về các chủ trương chính sách của Đảng có liên quan tới công tác quản lý thuỷ nông như Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ công trình thuỷ lợi và chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí cũng thuận lợi hơn. Vấn đề dễ nhận thấy nhất sau một năm triển khai các tổ hợp tác dùng nước là các hợp đồng dùng nước được ký kết đã có số lô, số thửa ruộng, diện tích hợp đồng đã gần sát với diện tích thực tưới: Tại Lâm Hà, diện tích ký hợp đồng dùng nước năm 2012 đã tăng và bằng 145% so với năm 2011 và tại Đơn Dương là 141%; năng suất cây trồng trong vùng tưới do các tổ hợp tác dùng nước quản lý tăng từ 15% tới 20% do được tưới nước hợp lý.
Hiện tại, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thuỷ lợi Lâm Đồng đang đề nghị Sở NN-PTNT cho phép đơn vị nhân rộng mô hình tổ hợp tác dùng nước tại tất các huyện, thành phố có công trình do đơn vị quản lý khai thác. Mô hình này cũng nên được các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi khác trên địa bàn tỉnh trực thuộc UBND cấp huyện như Trung tâm Khai thác công trình thuỷ lợi Đà Lạt và các trung tâm quản lý khai thác công trình công cộng các huyện nghiên cứu áp dụng.
ĐỨC HƯNG