Tranh thêu hướng “ngoại”

02:01, 24/01/2013

Suốt từ trung tâm TP Bảo Lộc đến các xã vùng ven Đại Lào, Lộc Thanh, Đam B’ri vắt sang cả Lộc An, Lộc Thành, Lộc Nam (Bảo Lâm), tranh thêu tay hiện hữu với nhiều mẫu mã, chủ đề nghệ thuật sáng tạo, ý nghĩa...

Suốt từ trung tâm TP Bảo Lộc đến các xã vùng ven Đại Lào, Lộc Thanh, Đam B’ri vắt sang cả Lộc An, Lộc Thành, Lộc Nam (Bảo Lâm), tranh thêu tay hiện hữu với nhiều mẫu mã, chủ đề nghệ thuật sáng tạo, ý nghĩa. Bên cạnh phục vụ nhu cầu cho người chơi tranh trong và ngoài tỉnh thì nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng nghệ thuật này còn hướng sản phẩm của mình ra nhiều nước trên thế giới. Một trong số đó chính là cơ sở tranh thêu tay Dương Quốc Tùng (tại thôn 3, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc).

Học thêu tranh tại Cơ sở tranh thêu tay Dương Quốc Tùng
Học thêu tranh tại Cơ sở tranh thêu tay Dương Quốc Tùng


Cơ sở tranh thêu tay Dương Quốc Tùng được thành lập từ năm 2009. Lúc đầu, do nguồn vốn hạn hẹp nên cơ sở hoạt động chỉ mang tính chất sản xuất nhỏ. Anh Dương Quốc Tùng, chủ cơ sở, cho biết: “Cơ sở đi vào hoạt động chỉ có 20 triệu đồng để làm vốn. Để có thêm vốn kinh doanh, chúng tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã Đại Lào mới vay được 15 triệu đồng, từ nguồn vốn giải quyết việc làm”. Anh Tùng kể lại: “Buổi đầu thành lập, chúng tôi phải lang thang, đi hết các con hẻm trên nhiều đường phố ở Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để mong tìm được thị trường tiêu thụ. Nhưng khi gặp được các chủ cửa hàng bán tranh thì hầu hết đều bị họ từ chối”.

Được biết, anh Dương Quốc Tùng là học trò của hoạ sĩ Phượng Hồng - người đang giữ kỷ lục Việt Nam về tranh sơn dầu với chủ đề Phật giáo, với hơn 5.000 tác phẩm. Dù bước đầu chưa tìm được thị trường tiêu thụ, điều này không những không làm nản lòng mà càng tạo cho anh Tùng quyết tâm để gây dựng sự nghiệp và đáp lại lòng tin của người thầy đã cưu mang mình. Trong thời gian 2 năm đầu, anh vừa sáng tác, vừa vẽ mẫu và kiêm luôn cả việc thêu tranh cùng với 2 anh, chị bà con của mình. Để rồi anh cho ra đời nhiều tác phẩm tranh thêu tay nổi tiếng, mang bản quyền của riêng mình như: Hảo phong, hảo thuỷ (chủ đề song tùng bách hạc), Kiều đàm Di Mẫu (chủ đề tranh Phật giáo), quê hương và nguồn cội (chủ đề tranh phong cảnh), 8 con nai (chủ đề phát lộc)…

Hiện nay, tranh thêu tay Dương Quốc Tùng đã có thương hiệu không chỉ tại Lâm Đồng mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Anh Tùng cho biết thêm: “Hiện tại tranh của cơ sở chúng tôi được bày bán tại hệ thống tranh Tâm Châu (từ Đà Lạt, Lộc An, Bảo Lộc và cả thác Đam B’ri). Ngoài ra, tranh thêu Dương Quốc Tùng còn có mặt tại các gallaris (phòng trưng bày tranh) ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Đó là các phòng trưng bày tranh thêu Vân Khánh, Hoàng Huy, Hoàng Khang (ở Quận 5, TP Hồ Chí Minh)…”. Không dừng lại ở đó, tranh của anh còn hướng tới một tầm xa hơn là xuất bán tại một số nước trên thế giới, như tham gia triển lãm tại hội chợ thường niên ở Paris (Pháp) và một số phòng tranh tại Úc. Riêng năm 2011, anh xuất bán được hàng trăm bức tại Pháp và Úc. Dù là tranh thêu tay thủ công nhưng tại những thị trường “khó tính”, tranh của anh rất được ưa chuộng và “ăn khách”. Mỗi bức tranh được bán ra nước ngoài có giá từ 200 đến 2.000 USD.  

Hiện tại, cơ sở tranh thêu Dương Quốc Tùng có hàng chục tổ thêu ở nhiều xã, phường, thị trấn tại Bảo Lộc và Bảo Lâm. Cơ sở đang giải quyết việc làm cho gần 200 lao động. Trong đó có khoảng 60% là lao động thường xuyên, với mức lương từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng. Đồng thời, cơ sở còn nhận đào tạo nghề miễn phí, có phụ cấp học việc cho những ai có nhu cầu. Em Đỗ Như Diễm (17 tuổi), đang theo học việc tại cơ sở, tâm sự: “Em đã học nghề tại đây được gần 5 tháng. Trong quá trình học việc, em luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các anh chị làm tại đây. Đặc biệt, anh Tùng là người rất hiểu, thông cảm và quan tâm tới bọn em. Anh dạy rất tỉ mỉ từ cách xâu chỉ đến cả cách thêu khó nhất như “thêu 3D”, nên bọn em tiếp thu và học rất nhanh. Học nghề ở đây, bọn em còn nhận được mỗi ngày 40 ngàn đồng tiền phụ cấp”.

Mặc dù vừa mới có được thương hiệu từ 2 năm nay và còn gặp nhiều khó khăn về vốn nhưng tranh thêu tay Dương Quốc Tùng vẫn còn nhiều ý định vươn xa hơn nữa. Với những gì mà cơ sở hiện có, trong thời gian tới, cơ sở sẽ mở rộng thị trường ra các tỉnh miền Trung, như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế… để quảng bá thương hiệu với người chơi tranh, yêu tranh nghệ thuật.

KHÁNH PHÚC