Tự nguyện giao nộp vượn đen má vàng

02:01, 24/01/2013

Ông Nguyễn Văn Diện, GĐ VQG Cát Tiên, cho biết: Hồi giữa tháng 1.2013, VQG Cát Tiên đã tiến hành tiếp nhận một cá thể vượn đen má vàng do một người nông dân sống trong vùng tự nguyện mang đến giao nộp cho Vườn...

Ông Nguyễn Văn Diện, GĐ VQG Cát Tiên, cho biết: Hồi giữa tháng 1.2013, VQG Cát Tiên đã tiến hành tiếp nhận một cá thể vượn đen má vàng do một người nông dân sống trong vùng tự nguyện mang đến giao nộp cho Vườn. “Người dân này không muốn cung cấp cụ thể thông tin cho báo chí (như tên tuổi, địa chỉ…), vì bản thân họ cho rằng việc làm đó là quá nhỏ bé nên không cần phải “ầm ĩ”. Tuy nhiên, theo chỗ tôi biết thì từ trước đến nay không có nhiều người tự nguyện giao nộp động vật rừng quý hiếm như người nông dân ấy!” – ông Diện nói.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Cá thể vượn đen má vàng này được người dân nọ mua lại của một người khác với giá 8 triệu đồng vào thời điểm năm 2008. Thời gian gần đây, một số “đại gia” ở TP HCM đã “gạ” người nông dân nọ để mua lại con vượn với giá từ 30 triệu đồng, rồi sau đó tăng lên 50 triệu đồng. “Sau mấy năm nuôi con vượn, tôi thấy nó thân thuộc lắm. Tuy nhiên, rừng vẫn là môi trường lý tưởng nhất của nó. Đành rằng bán lại cho mấy người ở Sài Gòn thì được tiền nhiều đấy, nhưng rồi cuối cùng, con vượn cũng phải bị nuôi nhốt, nên tôi không đành lòng!” – người nông dân tâm sự với các cán bộ VQG Cát Tiên. Ông Nguyễn Văn Diện cho biết thêm: “Vượn đen má vàng có tên khoa học là Nomascus gabriellae, thuộc nhóm IB. Trong sách đỏ IUCN, nó là loài “sẽ nguy cấp” (VU); còn trong sách đỏ Việt Nam, vượn đen má vàng là loài nguy cấp (EN). Ở VQG Cát Tiên và cả VQG Bidoup Núi Bà, quần thể vượn đen má vàng không còn nhiều”. Được biết, năm 2010, VQG Bidoup Núi Bà đã được Quỹ quốc tế về Bảo vệ động vật và thiên nhiên hoang dã (WWF) triển khai một dự án nhằm bảo tồn loài vượn đen má vàng này. Một trong những mục tiêu mà dự án đặt ra là xác định cho bằng được vùng phân bố loài vượn đen má vàng tại VQG Bidoup Núi Bà, nâng cao năng lực cho cán bộ kiểm lâm địa phương thực hiện điều tra khảo sát và gắn kết với cộng đồng trong việc bảo tồn loài vượn, lồng ghép hệ thống quản lý bền vững cho loài vượn đen má vàng và các loài ưu tiên khác trong hệ thống rừng đặc dụng, nâng cao nhận thức của người dân xung quanh VQG và vùng ưu tiên cho loài vượn đen má vàng…

Chắc chắn người dân tự nguyện giao nộp con vật quý nói trên không nằm trong vùng “phủ sóng” của dự án bảo tồn loài vượn đen má vàng. Tuy nhiên, cách nghĩ của người nông dân đó trước khi tự nguyện giao nộp con vượn đen má vàng của mình cho VQG Cát Tiên thật đáng trân trọng!

Thi Hoàng