Vẫn “nóng” việc giữ rừng

02:01, 24/01/2013

Theo Ban chỉ đạo về kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng Lâm Đồng: Năm 2012, toàn tỉnh phát hiện 2.111 vụ vi phạm pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp (giảm 74 vụ/3,39% so với năm 2011). Tính ra, bình quân mỗi ngày xảy ra gần 6 vụ vi phạm...

Bình quân gần 6 vụ vi phạm/ngày

Theo Ban chỉ đạo về kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng Lâm Đồng: Năm 2012, toàn tỉnh phát hiện 2.111 vụ vi phạm pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp (giảm 74 vụ/3,39% so với năm 2011). Tính ra, bình quân mỗi ngày xảy ra gần 6 vụ vi phạm. Vụ việc chủ yếu là các hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép (927 vụ), phá rừng trái phép (541 vụ), vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản khác (412 vụ). Các ngành chức năng đã tịch thu 685 phương tiện, dụng cụ, trên 3.340m3 gỗ các loại, 1.620 cá thể động vật rừng. Nộp ngân sách nhà nước trên 17 tỷ đồng… Tổng số vụ vi phạm đã xử lý 1.835 (92,5%); trong đó, xử lý hành chính 1.906 vụ, chuyển xử lý hình sự 47 vụ (chuyển về xử lý hành chính 5 vụ, xét xử 11 vụ và các vụ còn lại đang tiếp tục điều tra, xử lý).

Phá rừng trái phép xảy ra nhiều nhất ở các huyện Lạc Dương (159/28,34 ha), Đạ Tẻh (36 vụ/27,7 ha), Bảo Lâm (64 vụ/19,64 ha), Đạ Huoai (49 vụ/15,74 ha), Đà Lạt (95 vụ/9,07 ha). Các đối tượng vi phạm chủ yếu là đồng bào dân tộc tại chỗ, dân di cư tự do, với hình thức tổ chức đông người cùng đi phá rừng, gây áp lực cho lực lượng kiểm tra, truy bắt. Mục đích phá rừng chủ yếu để làm nương rẫy, lấy đất làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp, trồng điều, tiêu… Đáng nói là việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép đã diễn biến phức tạp… Có thể điểm mặt một số vụ: Tháng 12 – 2012, ngành chức năng phát hiện vụ khai thác rừng trái phép xảy ra ở lâm phần tại địa giới hành chính xã Quốc Oai do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý. Tổng số lâm sản thiệt hại trên 172,6m3 gỗ các loại. Ở huyện Di Linh, cuối tháng 11 phát hiện vụ khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép xảy ra trên lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh quản lý. Khám nghiệm hiện trường cho thấy tổng số lâm sản thiệt hại 24 cây; trong đó 12 cây có khối lượng gỗ trên 43,3m3 và đã bị lấy đi chỉ còn trên 6,7m3; 12 cây bị hạ còn trên hiện trường với khối lượng trên 67,5 ha.

Tình hình chống người thi hành công vụ cũng đang “nóng” lên. Năm qua, trong tỉnh xảy ra 14 vụ (tăng 1 vụ so với 2011), làm bị thương 13 cán bộ kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng, hư hại 2 nhà trạm bảo vệ rừng, phương tiện và gây thiệt hại 8 ha mới trồng rừng sau giải toả, chết 13.000 cây thông giống. Các đối tượng vi phạm lâm luật thường hoạt động vào ban đêm, ngày nghỉ; thường xuyên cử người theo dõi, thông báo mọi hoạt động của lực lượng chức năng; sử dụng xe chế độ, xe hết niên hạn sử dụng để vận chuyển lâm sản trái phép. Khi bị phát hiện thường lợi dụng số đông chống lại người thi hành công vụ hoặc bỏ phương tiện, tang vật, chạy trốn gây khó khăn cho công tác bắt giữ, xử lý. Đơn cử: Ở Lâm Hà, tình hình chống người thi hành công vụ đã kéo dài, phức tạp khi BQL Rừng phòng hộ Lán Tranh thực hiện giải toả đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm trái phép và thực hiện trồng rừng sau giải toả… Trước tình hình này, công an các huyện khởi tố 2 vụ, khởi tố bị can 1 vụ với 3 bị can, 2 vụ xử lý hành chính. Hạt kiểm lâm Tân Phú – Đồng Nai xử lý 1 vụ, các ngành chức năng đang điều tra, xử lý tiếp.
 
Vấn đề đặt ra

Từ thực tế khách quan cho thấy: Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm các cấp với 123 người và 113 Ban lâm nghiệp xã (1.295 người) đã phát huy vai trò giám sát, kiểm tra, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong chỉ huy, chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 1685/CT-TTg, trên cơ sở xác định các vùng trọng điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai lực lượng đủ mạnh phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở, các cơ quan chức năng kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm. Năm 2012, tổ chức 7 đợt truy quét lớn tại các khu vực giáp ranh giữa Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và giáp ranh giữa Đức Trọng - Ninh Thuận, bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm…

Tuy nhiên, xét góc độ chủ quan vẫn còn một số vụ vi phạm nghiêm trọng. Đó là rừng giao cho các chủ rừng Nhà nước, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và hộ gia đình vẫn bị phá, lấn chiếm. Một số chủ rừng chưa làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, chưa tổ chức lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm trên lâm phần quản lý. Việc tổ chức các trạm bảo vệ rừng đạt hiệu quả chưa cao, có nơi xảy ra hiện tượng tiêu cực, buông lỏng để lâm tặc hoành hành. Do đó, một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị dân xâm canh, lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép, lâm sản bị khai thác, tiêu thụ trái phép với khối lượng lớn làm suy giảm vốn rừng… Sự phối kết hợp giữa lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các ngành chức năng liên quan, nhất là lực lượng bảo vệ rừng tại cơ sở chưa thường xuyên, đồng bộ, kịp thời và còn mang tính sự vụ. Hành vi chống người thi hành công vụ gia tăng, diễn ra hết sức phức tạp, gay gắt nhưng việc điều tra, xử lý còn rất chậm.

Để năm 2013, phấn đấu giảm 20% số vụ vi phạm Luật BV&PTR so với năm 2012, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài nguyên rừng do cháy rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; giữ vững và nâng cao độ che phủ rừng, sắp tới, các địa phương, các ngành và các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện Luật BV&PTR. Các địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng (Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Lạc Dương…) phải tổ chức hội nghị chuyên đề, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định những khu vực trọng điểm để có biện pháp quyết liệt, giải quyết tận gốc, chặn đứng tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép. Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; theo dõi, truy tìm, phát hiện các đường dây, xoá bỏ các tụ điểm, triệt phá kịp thời các trọng điểm “nóng”. Các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, các tỉnh vùng giáp ranh tăng cường phối hợp đồng bộ ngăn chặn kịp thời nạn khai thác rừng trái phép theo Quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng.

BÌNH NGUYÊN