Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

10:01, 02/01/2013

Gặp và hẹn nhiều lần trong mấy tuần liền, mãi đến hơn 5 giờ chiều ngày 20/12, anh mới tranh thủ ngồi được với tôi. Thế nhưng buổi làm việc vẫn bị ngắt quãng mấy lần bởi anh giải quyết gấp các công việc. Trong không gian hết mực tĩnh lặng đến hệ trọng ấy lại chứa một không khí làm việc vừa cẩn trọng vừa khẩn trương, sôi động của tập thể gần 150 con người...

Gặp và hẹn nhiều lần trong mấy tuần liền, mãi đến hơn 5 giờ chiều ngày 20/12, anh mới tranh thủ ngồi được với tôi. Thế nhưng buổi làm việc vẫn bị ngắt quãng mấy lần bởi anh giải quyết gấp các công việc. Trong không gian hết mực tĩnh lặng đến hệ trọng ấy lại chứa một không khí làm việc vừa cẩn trọng vừa khẩn trương, sôi động của tập thể gần 150 con người. Đó là Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (NCHN ĐL) do anh- PGS, TS Nguyễn Nhị Điền làm Viện trưởng, kiêm Phó Giám đốc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNT VN).

Lãnh đạo Viện giới thiệu hệ thống lò cho các chuyên gia trong nước và quốc tế
Lãnh đạo Viện giới thiệu hệ thống lò cho các chuyên gia trong nước và quốc tế


NHỮNG THÀNH TỰU KHÔNG NHỎ

Cuối năm 2011, tại Viện NCHN ĐL diễn ra sự kiện đặc biệt, đó là ngày 24/11, Viện nhận trách nhiệm nạp tải nhiên liệu vào vùng hoạt. Theo đó, Lò phản ứng (LPƯ) đã đạt tới hạn với 72 bó nhiên liệu độ giàu thấp (LEU) vào lúc 15:35 ngày 30/11/2011. Đến ngày 14/12/2011 đã nạp xong vùng hoạt làm việc với cấu hình 92 bó nhiên liệu LEU, đang tiến hành các thí nghiệm chuẩn các thanh điều khiển, đo dự trữ độ phản ứng, đo phân bố thông lượng nơtron trong vùng hoạt, hệ số nhiệt độ của độ phản ứng,... và khởi động năng lượng LPƯ.

Tháng 1 năm 2012, LPƯ vận hành 11 đợt dài ngày, đợt 1 vận hành không tải 64 giờ ở công suất danh định để vận hành thử nghiệm sau khi chuyển đổi toàn bộ vùng hoạt của LPƯ sang dùng nhiên liệu độ giàu thấp; đợt 2 vận hành để chiếu xạ sản xuất đồng vị phóng xạ (ĐVPX), phân tích kích hoạt và các thí nghiệm nghiên cứu kết hợp khác. Tổng thời gian hoạt động ở công suất là 1.098 giờ (năm 2010 - 1338 giờ, năm 2011 - 516 giờ).

Một hướng nghiên cứu mới của Viện là thử nghiệm hệ xử lý thải lỏng bằng phương pháp bốc hơi do Hoa Kỳ tài trợ…

Nói đến Viện NCHN ĐL, một lĩnh vực vừa có bề dày về thời gian và đặc biệt có hàm lượng tri thức khoa học lớn, đó là nghiên cứu khoa học. Năm 2012, nhiều đề tài tồn đọng những năm trước đã được nghiệm thu: 9 cấp cơ sở, 8 cấp bộ và 1 cấp tỉnh Lâm Đồng. Viện tiếp tục triển khai nhiều đề tài, dự án và nhiệm vụ mới. Ví dụ, đề tài độc lập cấp Nhà nước (2011-2014): “Nghiên cứu điều chế một số đồng vị và dược chất phóng xạ trên lò phản ứng hạt nhân phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh”; 5 đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu điều chế đồng vị phóng xạ Lu-177 đánh dấu với DOTATATE dùng trong chẩn đoán và điều trị khối u thần kinh nội tiết”; “Xây dựng hệ thiết bị đo độ cháy các bó nhiên liệu đã qua sử dụng tại LPƯ hạt nhân Đà Lạt (LPƯHN ĐL) bằng kỹ thuật phổ gamma”; “Nghiên cứu ứng dụng đồng vị phóng xạ môi trường xác định tốc độ xói mòn trên quy mô lưu vực rộng ở vùng Tây Nguyên”; “Xây dựng chương trình đảm bảo chất lượng trong tính toán quản lý vùng hoạt và nhiên liệu LPƯHN ĐL”, “Nghiên cứu, bổ sung cơ sở dữ liệu phóng xạ nhân tạo trong môi trường Việt Nam”. Và các đề tài “Quan trắc và phân tích phóng xạ môi trường tại 3 điểm Quan trắc: Đà Lạt, Ninh Thuận và TP. Hồ Chí Minh, nước sông Tiền tại Bắc Mỹ Thuận”, “Quan trắc và phân tích phóng xạ môi trường biển tại hai địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân thuộc tỉnh Ninh Thuận”…

Theo Viện trưởng Nguyễn Nhị Điền, các hướng nghiên cứu đạt kết quả nổi bật trong năm 2012 là: Thiết kế, chế tạo các thiết bị đo đạc hạt nhân; Nghiên cứu điều chế các đồng vị phóng xạ và các loại kit đánh dấu mới; Ứng dụng kỹ thuật phân tích hạt nhân; Nghiên cứu môi trường. Đánh giá theo Bản giao nhiệm vụ của Viện trưởng Viện NLNTVN, 81% đề tài, nhiệm vụ nghiệm thu đúng tiến độ; trong đó 45% đạt khá trở lên (giao 50%); khoảng 50% công trình đăng tải (riêng đăng ở Tạp chí quốc tế đạt khoảng 70%)...

Trong năm 2012, các lĩnh vực truyền thống áp dụng tiến bộ của KH-CN vào phục vụ sản xuất và đời sống của Viện NCHN vẫn được duy trì và mở rộng. Cụ thể, Điều chế và cung cấp các chất phóng xạ và kit đánh dấu cho 23 khoa Y học hạt nhân trong nước 2 tuần 1 lần. Tổng cộng 430 Ci (năm 2011 là 401 Ci) các loại ĐVPX đã được sản xuất và cung cấp, trong đó 230 Ci (năm 2011 là 328 Ci) nhập khẩu và 200 Ci sản xuất trên LPƯHN ĐL (năm 2011 là 73 Ci); sản xuất và cung cấp 2.970 lọ kit các loại (năm 2011 là 3.152 lọ). Viện đã cung cấp 33.984 lượt liều kế cho khoảng 8.000 nhân viên bức xạ của khoảng 1.200 cơ sở bức xạ trong nước (năm 2011 – khoảng 35.000 lượt liều kế, 8.100 nhân viên bức xạ). Dịch vụ phân tích mẫu gồm các mẫu môi trường, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả xuất khẩu… Tư vấn đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tại tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Kiên Giang; Khảo sát đánh giá bồi lắng các hồ chứa nước tại các nhà máy thủy điện Hàm Thuận, Đa Mi, Trị An, Thác Mơ; Quan trắc phóng xạ môi trường và phân tích hàm lượng phóng xạ trong các mẫu lương thực, thực phẩm...Cung cấp các chế phẩm phục vụ nông nghiệp như T&D, OLICIDE, polyme giữ ẩm, phân bón vi sinh, chất trồng nông nghiệp, ...Cung cấp tiêu bản sai hình NST phục vụ giảng dạy môn Sinh học trong các trường PTTH; sản xuất và cung cấp chế phẩm vi sinh nông nghiệp; cung cấp giống cây trồng... Tổ chức 22 lớp bồi dưỡng kiến thức về an toàn bức xạ cho khoảng 600 nhân viên bức xạ làm việc tại các cơ sở công nghiệp, y tế, nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, Viện tiếp tục thực hiện các dự án trong quan hệ quốc tế và tích cực đào tạo đội ngũ... Từ những hoạt động triển khai kỹ thuật và dịch vụ doanh thu của Viện năm 2012 đạt gần 22 tỷ đồng như chỉ tiêu đặt ra.

Trong những thành tựu trên, đặc biệt nổi bật là thực hiện thành công khởi động năng lượng LPƯ với nhiên liệu độ giàu thấp và vận hành an toàn 10 đợt dài ngày để chiếu xạ sản xuất ĐVPX, phân tích kích hoạt và các thí nghiệm nghiên cứu kết hợp khác; tổng thời gian hoạt động ở công suất là 1.034 giờ (không kể 1 đợt vận hành thử). Đây là cơ sở Viện hoàn thiện bản SAR và một số hồ sơ liên quan để cấp giấy phép vận hành chính thức cho LPƯ. Lần đầu tiên, Viện có được các thông tin về cả 4 kênh ngang của LPƯ được soi kiểm tra và vệ sinh bên trong, kể từ ngày tiếp quản LPƯHN ĐL…

Thành tựu của Viện NCHN ĐL đã được ghi nhận bằng giải thưởng Nhà nước về KHCN về cụm công trình “Nghiên cứu đảm bảo vận hành an toàn và khai thác hiệu quả LPƯHN ĐL” giai đoạn 1984-2007; nhiều tập thể, cá nhân được xét thưởng ở các cấp trung ương và cơ sở.

Đạt được nhiều thành tích trên trong năm 2012 của Viện NCHN ĐL, PGS, TS Nguyễn Nhị Điền cho rằng: Các đơn vị, tổ chức đoàn thể, hội đồng tư vấn đều phát huy được vai trò của mình, từ ý thức trách nhiệm, tinh thần phấn đấu của từng cá nhân đến sự triển khai đồng bộ, dân chủ trong các tập thể.

Các nhà khoa học của Viện và nước ngoài làm việc trong Lò phản ứng.
Các nhà khoa học của Viện và nước ngoài làm việc trong Lò phản ứng.


TIẾP TỤC KHÔNG NGỪNG VƯƠN LÊN

Năm 2013, Viện NCHN ĐL thực hiện dự án xây dựng Trung tâm KHCN hạt nhân với LPƯ nghiên cứu mới, tham gia vào dự án nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Ngay trong tháng 1/2013, Viện phải hoàn thiện Báo cáo phân tích an toàn phiên bản SAR-2012 và các hồ sơ liên quan để làm thủ tục xin cấp giấy phép vận hành chính thức LPƯ với vùng hoạt sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp.

Mặt khác, duy trì hoạt động an toàn của LPƯ với vùng hoạt nhiên liệu độ giàu thấp tối thiểu 1.300 giờ tại công suất 500 kW; đổi mới cách thức quản lý chiếu mẫu, thời gian đợt chạy lò dài ngày và lịch chạy lò sao cho khai thác hiệu quả LPƯ cho các mục đích nghiên cứu vật lý và công nghệ lò, nghiên cứu cơ bản và phục vụ đào tạo, nghiên cứu ứng dụng để sản xuất đồng vị phóng xạ và phân tích kích hoạt...

Tiếp tục các hướng nghiên cứu như: kỹ thuật lò và các vấn đề liên quan đến an toàn LPƯ; vật lý hạt nhân và vật lý nơtron; điều chế các ĐVPX và tổng hợp các dược chất đánh dấu; phát triển các kỹ thuật phân tích hạt nhân và liên quan; phóng xạ môi trường, ô nhiễm môi trường, đánh giá tác động môi trường sử dụng các kỹ thuật hạt nhân và liên quan; chế tạo các chế phẩm mới dùng kỹ thuật bức xạ. Các nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học nông nghiệp và sinh học môi trường; áp dụng các kỹ thuật định liều bức xạ; thiết kế và chế tạo các thiết bị điện tử hạt nhân, v.v...

Theo đó, các nội dung cụ thể được Viện NCHN ĐL đặt ra là nghiệm thu 1 nhiệm vụ cơ sở tồn đọng, 2 đề tài cấp Bộ, 1 nhiệm vụ cấp Bộ, 6 nhiệm vụ thường xuyên cấp Bộ và 8 đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề tài, dự án, nhiệm vụ: 1 đề tài cấp Nhà nước 2011-2014, 2 đề tài thuộc KC-05 giai đoạn 2013-2015, 3 đề tài cấp Bộ 2012-2013, 4 đề tài cấp Bộ 2013-2014, 6 nhiệm vụ thường xuyên cấp Bộ 2013, 10 đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở năm 2013 sau khi được phê duyệt. Tiếp tục thực hiện 2 hợp đồng nghiên cứu với IAEA (Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế) và 1 với Công ty AQP (giai đoạn 2)...

Chỉ tiêu phấn đấu năm 2013 của Viện NCHN ĐL là: 100% đề tài, nhiệm vụ kết thúc đúng tiến độ theo hợp đồng hoặc văn bản cho phép của cấp quản lý; trong đó 50% đề tài nghiệm thu đạt loại khá trở lên. Công bố ít nhất 30 công trình khoa học, gồm: 3 công trình trên Tạp chí quốc tế; 3 công trình trong các Kỷ yếu Hội nghị quốc tế; 3 công trình trên Tạp chí trong nước; trên 20 công trình trong các Kỷ yếu Hội nghị trong nước.

Mặt khác, trong năm 2013, phấn đấu sản xuất và cung cấp trên 500 Ci ĐVPX, trong đó 50% được sản xuất trên LPƯHN ĐL; phân tích trên 5.000 mẫu/năm; dịch vụ kiểm soát liều cá nhân 8.000 người/năm và các dịch vụ truyền thống khác như kiểm chuẩn thiết bị máy X-quang y tế; sản xuất các thiết bị và dụng cụ phục vụ giảng dạy trong các trường phổ thông, tư vấn đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư,…. Tổng doanh thu tiền hàng đạt 22 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 2 tỷ đồng.

Một năm hoạt động của Viện NCHN ĐL đã góp phần tạo tiềm lực cho ngành NLNTVN thực hiện dự án Trung tâm khoa học-công nghệ (KHCN) hạt nhân với LPƯ đa mục tiêu sắp tới; đội ngũ cán bộ của Viện có thể tham gia vào các nội dung liên quan của dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Đó là những bước phấn đấu không ngừng của tập thể Viện trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

MINH ĐẠO