VQG Cát Tiên: Không chỉ là sự đa dạng sinh học

03:01, 03/01/2013

Ở hai con sông nối những vùng đất giữa rừng già Cát Tiên đều có đò để qua chứ không đáng lo ngại như suy nghĩ ban đầu của tôi. Có đi xuyên rừng như thế tôi mới cảm nhận rõ hơn về sự giàu có của rừng nơi này.

Lần này đến với Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên (Văn phòng Vườn đóng ở tỉnh Đồng Nai), tôi thử đi theo đường tắt từ huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) trên chiếc xe máy xuyên qua những vùng rừng nguyên sinh ngút ngát. Ở hai con sông nối những vùng đất giữa rừng già Cát Tiên đều có đò để qua chứ không đáng lo ngại như suy nghĩ ban đầu của tôi. Có đi xuyên rừng như thế tôi mới cảm nhận rõ hơn về sự giàu có của rừng nơi này.

Du khách nước ngoài tham quan VQG Cát Tiên
Du khách nước ngoài tham quan VQG Cát Tiên


DẢI KẾT NỐI GIỮA HAI LOẠI ĐỊA HÌNH

Ông Nguyễn Văn Diện, GĐ VQG Cát Tiên, cung cấp cho tôi những thông tin chung nhất về Vườn: Theo Quyết định số 1090/QĐ-TTg ngày 5/12/1998 thì VQG Cát Tiên rộng những 73.878ha, thuộc địa phận ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. VQG Cát Tiên là dải kết nối giữa hai loại địa hình từ cao nguyên Nam Trường Sơn xuống vùng đồng bằng Nam Bộ với địa hình và khí hậu rất đặc trưng; điều đặc biệt nữa, bởi là nơi dung chứa đến 5 kiểu rừng nên VQG Cát Tiên chính là nơi tập trung của rất nhiều loài động vật và thực vật, trong đó có rất nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ của thế giới và sách đỏ của Việt Nam.

Từ một số tài liệu do VQG Cát Tiên cung cấp, tôi thử lọc ra đây một vài số liệu: Hệ động vật rừng Cát Tiên khá phong phú với nhiều loài quý hiếm như tê giác một sừng (rất tiếc là con tê giác cuối cùng của VQG Cát Tiên đã bị sát hại vào năm 2010), voi châu Á, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, báo gấm… Tương tự, hệ thực vật của Vườn cũng phong phú không kém: 1.362 loài thực vật bậc cao, hơn 440 loài cây gỗ quý, 60 loài lan… Đặc biệt, trong thời gian gần đây, một đoàn khảo sát của Trung tâm Đa dạng sinh học (thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới Việt Nam) đã có chuyến khảo sát tại một khu vực hẹp của Vườn (có liên quan đến vấn đề thủy điện) đã công bố các số liệu đáng lưu ý: Trong khu vực khảo sát, đoàn đã ghi nhận sự hiện hữu một số loài chim quý hiếm cần đặc biệt quan tâm bảo tồn như gà so cổ hung, gà lôi hông tía, gà tiền mặt đỏ, hồng hoàng, diều cá đầu xám… Riêng về các loài cá, đoàn khảo sát còn ghi nhận: “Cá rồng (Scleropages formosus) đang có cấp độ EN (đang bị đe dọa tiệt chủng), tình trạng nguy cấp trong danh lục đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế -Intemational Union of Conservation of Nature and Natural resources), là loài đặc hữu của khu vực Đông Nam Á và số lượng ngoài tự nhiên ngày càng ít dần”. Về nhóm thực vật, các nhà khoa học ghi nhận sự đa dạng sinh học về loài: Trong khu vực khảo sát đã quan sát được những loài thực vật đặc hữu hẹp đặc trưng ở hệ thực vật Cát Lộc - loài Orchidantha vietnamima (hùng lan Việt)… xen lẫn với cây gỗ đặc hữu của Cát Lộc như xoài Đồng Nai (Mangiferae dongnaiense), lọ nồi Sài Gòn (Hydnocarpus saigonnensis), sến Nam (Madhuca cochinchinensis), trà hoa Pike (camellia piquetiana)…

NHỮNG ĐIỀU “THÚ VỊ” Ở VQG CÁT TIÊN

Với VQG Cát Tiên quả là có nhiều điều “thú vị”. Tôi kể cho anh Phạm Ngọc Thanh về con đường đi tắt từ huyện Đạ Tẻh sang Vườn (đóng trên địa phận tỉnh Đồng Nai): “Hóa ra, con đường tắt này khá gần - thay vì trải qua hơn 20km từ quốc lộ 20 theo đường nhựa vào văn phòng của Vườn thì đường tắt xuyên rừng chỉ không đến 10 cây số. Nhưng, điều đáng lo ngại là “cửa” của rừng cứ… thênh thang nhường kia thì kiểm lâm quản sao cho xuể?”. Anh Thanh nói thêm: “Đó mới chỉ là một “cửa” mà thôi! Từ Vườn này hướng ra bên ngoài còn có hàng chục “cánh cửa mở” như thế! Hôm vừa rồi, một con bò tót của Vườn đã bị người dân huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) sát hại. Người ta bảo đó là con bò tót đi theo bò nhà về gần khu vực dân cư nên mới xảy ra chuyện nhiều người dân vây chém”.

Nhắc đến chuyện con bò tót, tôi bỗng nhớ đến đoạn video do một anh cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho xem cách nay cũng đã khá lâu (sau đó, đoạn video này được công khai trên một trang web): Đoạn video dài 1 phút 42 giây, được ông Vũ Ngọc Duyến quay tại khu vực Núi Tượng của Vườn vào chiều ngày 18/7/2012. Trong đoạn phim này, chỉ có một cá thể bò tót trưởng thành xuất hiện. Đó là một con bò tót đực trưởng thành, một sừng có khả năng bị khuyết tật (đã gãy và mọc lại, sừng bên trái của con vật). Xem xong đoạn phim “một con bò tót”, tôi ngay lập tức nhớ đến một đoạn video khác cũng quay về bò tót Cát Tiên nhưng là “một đàn” chứ không phải một con. Đặc biệt, trong đàn bò tót ấy cũng có một con bị khuyết một sừng giống hệt con bò tót một sừng trong đoạn video mới. Đoạn phim “đàn bò tót” có cả thảy 13 con (trong đó có con bị khuyết một sừng) do cộng tác viên của Vườn là Tằng A Pẩu ghi lại. Hiện vẫn chưa có kết luận gì về con bò tót bị khuyết một sừng trong hai đoạn phim nhưng dẫu sao thì thông tin về quần thể bò tót cũng khiến tôi không thể không nghĩ đến thông tin do ông Trần Văn Thành (nguyên GĐ của Vườn) cung cấp: Vườn có đến 19 hoặc 22 đàn bò tót với tổng đàn lên đến 110 - 120 con. Với “quy mô” như vậy, các nhà khoa học đã xếp quần thể bò tót Cát Tiên hiện là quần thể bò tót lớn nhất Việt Nam.

Tôi “khoe” với ông GĐ Nguyễn Văn Diện rằng khi đi xuyên qua những cánh rừng già để đến đây, tôi đã cố tình dừng lại ở một vài điểm để hy vọng tận mắt nhìn thấy vài loài nấm vừa phát hiện ở Vườn nhưng không thấy đâu cả. Ông Diện bảo rằng: “Hiện chúng tôi đang cố gắng nuôi trồng thử nghiệm hai giống nấm vừa mới phát hiện này!”. Theo đó, vừa mới đây thôi, VQG Cát Tiên chính thức công bố thông tin vừa phát hiện hai loài nấm quý hiếm tại Vườn là nấm hoàng bạch và nấm César đại đế (nấm trứng gà). Điều thú vị là, theo các tài liệu khoa học thì hai loài nấm này hầu như không được phổ biến ở Việt Nam, nhất là phía nam, nhưng ở Cát Tiên từ trước đến nay, người dân trong vùng vẫn thường xuyên cứ đến mùa là vào rừng lấy về làm thực phẩm một cách rất bình thường.

HỘI ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH DI SẢN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI

Hiện tại, VQG Cát Tiên đang trong quá trình được tổ chức UNESCO thẩm định hồ sơ để công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đây hẳn là một thông tin vui. Trong khuôn khổ thẩm định hồ sơ, hồi cuối tháng 9.2012, một đoàn chuyên gia của IUCN đã có chuyến khảo sát gần 10 ngày tại Vườn và họ đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp về sự đa dạng sinh học ở đây. Một chuyên gia của IUCN cho biết là qua khảo sát, ngoài những động và thực vật được thể hiện trong hồ sơ đề cử, họ còn ghi nhận tại thực địa một số loài động thực vật mới; trong đó đáng kể là loài tắc kè rừng. Tắc kè rừng là một loài bò sát quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Việc tìm thấy loài mới này càng chứng minh cho sự đa dạng của Vườn. Còn ông Nguyễn Văn Diện, GĐ VQG Cát Tiên, thì cho biết: “Hồ sơ đề cử của Vườn đã cơ bản thể hiện được ba nội dung chính là giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và kế hoạch quản lý khu di sản VQG Cát Tiên”.

Ghi chép: Khắc Dũng