Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH) ở huyện Đơn Dương đã phát triển sâu rộng, trở thành phong trào thi đua sôi nổi và thực sự đi vào đời sống của mọi tầng lớp nhân dân.
Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH) ở huyện Đơn Dương đã phát triển sâu rộng, trở thành phong trào thi đua sôi nổi và thực sự đi vào đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đặc biệt là nâng cao tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong huyện.
Bộ mặt nông thôn huyện Đơn Dương ngày càng khang trang |
Nhận thức được việc xây dựng gia đình văn hoá (GĐVH) là một trong các nội dung quan trọng của phong trào TDĐKXDĐSVH, nên các cấp chính quyền huyện Đơn Dương đã thực sự vào cuộc và các tầng lớp nhân dân trong huyện hưởng ứng mạnh mẽ. Năm 2012, toàn huyện có 20.282/23.318 hộ đăng ký xây dựng GĐVH, qua bình xét có 17.945 hộ đạt danh hiệu GĐVH, đạt tỷ lệ 77%. Các CLB GĐVH cũng được củng cố kiện toàn để trở thành nơi giao lưu, sinh hoạt giữa các gia đình, nhằm trao đổi, phổ biến khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kiến thức pháp luật, kỹ năng tổ chức đời sống gia đình, giao lưu văn hoá văn nghệ và giúp nhau xoá đói giảm nghèo. Đến nay, toàn huyện có 9/10 xã, thị trấn có 73 CLB GĐVH hoạt động thường xuyên, đạt hiệu quả. Được chọn là đơn vị điểm triển khai mô hình giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, huyện Đơn Dương đã thành lập 5 CLB đầu tiên ở xã Lạc Xuân. Mỗi CLB sinh hoạt theo định kỳ 2 tháng/lần, trong buổi sinh hoạt, các cặp vợ chồng được giao lưu văn hoá văn nghệ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong gia đình, được tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là cách tuyên truyền hiệu quả và sâu rộng Luật đến từng hộ gia đình. Phong trào xây dựng GĐVH phát triển rộng khắp đã huy động sức người, sức của, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong việc vận động nhân dân đóng góp công sức, nguồn vốn xây dựng các thiết chế văn hoá, đường làng ngõ xóm. Tiêu biểu như xã Quảng Lập đã huy động nhân dân đóng góp 335 triệu đồng để xây dựng mới 3 nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Quảng Lợi, Quảng Tân và Quảng Thuận; huy động 1,6 tỷ đồng và 500 công cùng Nhà nước đổ bê tông hoá và tu sửa đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng; vận động nhân dân đóng góp 9/11 tỷ đồng trong tổng vốn xây dựng chợ, hiện đã đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán của nhân dân. Hiện nay, xã Quảng Lập đang xây dựng nhà văn hoá xã, với tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng (trong đó, nhân dân đóng góp 500 triệu đồng) và vận động nhân dân đóng góp xây dựng hệ thống điện đường ở các trục đường trên địa bàn.
Phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hoá cũng được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện, gắn với việc thực hiện các tiêu chí mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm 2012, toàn huyện có 105/105 thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng danh hiệu văn hoá và đã có 93 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá. Hiện nay, toàn huyện có 5 xã đã tổ chức lễ phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá, gắn với xây dựng xã nông thôn mới, trong đó, xã Quảng Lập đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn văn hoá năm 2011. Cùng với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng cơ quan, trường học văn hoá cũng đã góp phần xây dựng cơ quan, trường học trong sạch vững mạnh. Năm 2012, toàn huyện có 102/102 cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký xây dựng danh hiệu văn hoá và đã có 96 cơ quan, trường học đạt danh hiệu văn hoá. Bên cạnh đó, phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại cũng được các cấp, các ngành quan tâm và nhân dân tích cực hưởng ứng. Các hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn huyện được phát triển rộng khắp. Toàn huyện hiện có 8 sân bóng đá, 2 CLB võ thuật, 5 CLB bóng đá và trên 80% số cơ quan, trường học có sân chơi, bãi tập cho CBCC, VC. Đặc biệt, phong trào xã hội hoá TDTT được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Toàn huyện hiện có 10 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo được xây dựng từ nguồn xã hội hoá, do nhân dân và các tổ chức xã hội đứng ra thành lập. Ngoài ra, phong trào thể dục dưỡng sinh, thể dục buổi sáng đã thu hút được mọi lứa tuổi tham gia và các CLB võ thuật cổ truyền, Taekwondo vẫn được duy trì thường xuyên. “Phong trào TDĐKXDĐSVH đã trở thành phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện mang tính rộng lớn với sự gắn kết của chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của công tác xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hoá nông thôn theo hướng tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, ông Lê Hữu Túc - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Đơn Dương cho biết.
Tuấn Hương