Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), cần tập trung đẩy mạnh xây dựng những mô hình điểm, những cách làm hay để nhân rộng; tránh đầu tư dàn trải, không thiết thực với điều kiện cho phép của địa phương. Từ đó, ưu tiên những hạng mục có tính khả thi cao...
Trong chuyến công tác mới đây tại 3 huyện phía Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã chỉ đạo: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), cần tập trung đẩy mạnh xây dựng những mô hình điểm, những cách làm hay để nhân rộng; tránh đầu tư dàn trải, không thiết thực với điều kiện cho phép của địa phương. Từ đó, ưu tiên những hạng mục có tính khả thi cao. Và, trước khi triển khai công trình, cần phải được đưa ra để dân bàn bạc, quyết định hạng mục đầu tư. Khi triển khai công trình, người dân sẽ là người vừa làm vừa giám sát. Như vậy, kỹ thuật và chất lượng công trình sẽ được đảm bảo.
Một tuyến đường ở thôn 2, xã Đoàn Kết (Đạ Huoai) được “nhựa hóa” bằng sức dân - Ảnh: BÙI TRƯỞNG |
Ba năm qua, ở Cát Tiên, Chương trình xây dựng NTM được triển khai khá đồng bộ và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ tính riêng lĩnh vực giao thông nông thôn (GTNT), trong năm 2012, huyện Cát Tiên đã hoàn thành hơn 23 km đường bê tông. Theo lộ trình, đến năm 2015, đường GTNT của huyện Cát Tiên sẽ là 125 km, tương ứng với vốn đầu tư là 125 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 87,5 tỷ đồng; số còn lại, do người dân đóng góp. Bên cạnh lĩnh vực GTNT, các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm cũng được huyện Cát Tiên triển khai có hiệu quả, như: Trồng cây diệp hạ châu trên diện tích 2,4 ha theo quy trình VietGAP; tiến hành khai hoang, phục hóa gần 11 ha đất nông nghiệp ở xã Đồng Nai Thượng để cấp đất cho 58 hộ đồng bào DTTS Châu Mạ trồng lúa nước; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao trong các khâu chọn giống, kỹ thuật canh tác và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tiến tới hình thành vùng chuyên canh, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đạt từ 55 - 60 triệu đồng/ ha. Và, đến nay, huyện Cát Tiên đã có 8,46% diện tích canh tác được ứng dụng công nghệ cao. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người đạt 21,3 triệu đồng/ năm. Đời sống nông dân ở Cát Tiên được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 giảm còn 13,12%. 100% gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống trường học, nhà trẻ cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu học tập của con em địa phương… Hiện, xã Phù Mỹ đạt 11/19 tiêu chí; các xã Phước Cát I, Gia Viễn, Quảng Ngãi đạt 9/19 tiêu chí; Tiên Hoàng đạt 7/19 tiêu chí; xã Phước Cát II đạt 6/19 tiêu chí; Đức Phổ, Nam Ninh, Tư Nghĩa đạt 5/19 tiêu chí; xã Đồng Nai Thượng và Mỹ Lâm đạt 4/19 tiêu chí về NTM.
Trong số 10 xã xây dựng NTM của huyện Đạ Tẻh, có 1 xã là xã điểm của tỉnh (An Nhơn) và 1 xã ưu tiên (Đạ Kho). Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình NTM, tại Đạ Tẻh, đã xuất hiện một số mô hình tiêu biểu. Đó là mô hình “Nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư” ở xã Hương Lâm. Mô hình “Chuyển dịch cơ cấu sản xuất vật nuôi, cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng thôn, xã sạch đẹp” ở xã Quảng Trị và xã An Nhơn. Trong năm 2012, huyện Đạ Tẻh duy trì sản xuất 1.600 ha lúa chất lượng cao và chuyển đổi được 550 ha vườn điều, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cao su tiểu điền. Cuối tháng 7/2012, Đạ Tẻh đã triển khai trồng mới được 64 ha cao su cho 60 hộ đồng bào DTTS tại Đồi Đất đỏ (xã Mỹ Đức). Huyện Đạ Tẻh đã hoàn thành 14 tuyến đường GTNT theo phương châm “Nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư”, với tổng chiều dài là 4,9 km. Tổng mức đầu tư là 5 tỷ 349 triệu đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 2 tỷ 658 triệu đồng. Hiện, Đạ Tẻh đang tiếp tục triển khai 23 tuyến đường GTNT với tổng chiều dài 6,2 km. Về tiêu chí NTM, đến nay, huyện Đạ Tẻh đã có 1 xã đạt 8/19 tiêu chí, 1 xã đạt 7/19 tiêu chí, 2 xã đạt 5/19 tiêu chí, 3 xã đạt 4/19 tiêu chí và 3 xã đạt 3/19 tiêu chí.
Tại huyện Đạ Huoai, trong 3 năm qua, các xã trên địa bàn huyện tập trung tổ chức thực hiện chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, bước đầu đã cho hiệu quả đáng khích lệ. Hiện tại, huyện Đạ Huoai có 14 trang trại, 1 hợp tác xã và 7 tổ kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Về tiêu chí NTM, xã điểm Đạ Oai đạt 9/19 tiêu chí; xã ưu tiên Hà Lâm đạt 8/19 tiêu chí; các xã Đạ Tồn, Mađaguôi đạt 5/19 tiêu chí; những xã còn lại đạt 4/19 tiêu chí. Huyện đang phấn đấu đến năm 2015 có 2 xã (Đạ Oai, Hà Lâm) cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM và đến năm 2020 có thêm 6 xã (Mađaguôi, Đạ Tồn, Đạ M’ri, Đạ P’Loa, Đoàn Kết, Phước Lộc) đạt 19 tiêu chí về xây dựng NTM.
Khó khăn chung của 3 huyện phía Nam khi triển khai Chương trình xây dựng NTM là vận động vốn đối ứng. Vì là những huyện nghèo của tỉnh, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất còn nhiều hạn chế, nên chưa tạo được bước “đột phá” trong sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM còn thiếu kinh nghiệm, lúng túng khi triển khai; người dân còn ỷ lại, trông chờ Nhà nước, chưa thật sự tích cực tham gia vào các hoạt động của chương trình…
Tuy vậy, Huyện ủy và UBND của 3 huyện phía Nam xác định: Xây dựng NTM là nhiệm vụ lâu dài, không thể làm “cấp tập” trong một sớm, một chiều. Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai đang tập trung vận động “nội lực” từ sức dân để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân, tạo nguồn tích lũy để vận động xây dựng NTM. Mỗi huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu trong mỗi năm, một xã đạt thêm từ 3 đến 4 tiêu chí xây dựng NTM.
TRỊNH CHU