Con số gần 50% trong tổng số 1.630 hộ dân xã Xuân Trường có mức thu nhập mỗi năm trên 400 triệu đồng mà cán bộ xã đưa ra khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi có tới 85% số hộ dân nơi đây sống bằng nghề nông. Đáng nói hơn kiểm đếm diện tích cây trồng của xã cho thấy đất nông nghiệp chỉ có 570 ha trong tổng số diện tích đất tự nhiên là 3.564,3 ha...
Nông dân Xuân Trường thu hoạch cà phê |
Con số gần 50% trong tổng số 1.630 hộ dân xã Xuân Trường có mức thu nhập mỗi năm trên 400 triệu đồng mà cán bộ xã đưa ra khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi có tới 85% số hộ dân nơi đây sống bằng nghề nông. Đáng nói hơn kiểm đếm diện tích cây trồng của xã cho thấy đất nông nghiệp chỉ có 570 ha trong tổng số diện tích đất tự nhiên là 3.564,3 ha. Muốn làm giàu bằng con đường sản xuất nông nghiệp, nông dân phải tích tụ ruộng nương trong tay, đằng này với diện tích ấy “móc” đâu ra thu nhập cao vậy? Chủ tịch UBND xã Xuân Trường Trần Như Dũng cho biết, bên cạnh một số diện tích trồng chè Olong chất lượng cao và trồng rau, hoa thì cây cà phê là cây trồng chủ lực trong nền nông nghiệp của xã lâu nay. Ngoài diện tích cà phê trong xã ra người dân còn xâm canh những vùng lân cận, nhất là ở xã Trạm Hành - trước đây thuộc xã Xuân Trường khi chưa chia tách, nâng tổng diện tích cà phê mà dân trong xã đang canh tác lên tới 1.100 ha. Điều kiện đất đai, khí hậu dường như “biệt đãi” đối với đất đai Xuân Trường, cũng cây cà phê, nhưng các nơi khác phải tốn công, tiền của bơm tưới khiến cho chi phí đầu vào cao thì cà phê Xuân Trường quanh năm “uống” nước sương trời không tốn một đồng đầu tư tưới tắm. Vì sự ưu đãi đó mà cây cà phê đã có mặt ở đây từ những năm 30 của thế kỷ trước và thuộc loại cà phê nguyên liệu quý hiếm cho ngành công nghiệp sản xuất cà phê mang tên Arabica.
Dân Xuân Trường bảo rằng, từ thời Pháp thuộc vùng đất này đã trồng toàn cà phê Môca có chất lượng tốt hơn nhưng sản lượng chỉ đạt 50% so với cà phê Arabica. Qua thời gian giống Môca bị thoái hoá, lại thường xuyên sâu bệnh nên xã làm cuộc chuyển đổi sang trồng toàn bộ cà phê Arabica giống mới từ 20 năm nay, trở thành “thủ phủ” cà phê Arabica hàng đầu trong nước. “Hầu hết diện tích cà phê của người dân Xuân Trường được canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao, trong đó gần nửa diện tích chăm sóc theo tiêu chuẩn 4C. Qua đó, có trên 400 hộ tham gia liên kết với các công ty ứng dụng tiêu chuẩn này vào sản xuất trên diện tích 500 ha” - Chủ tịch Trần Như Dũng cho hay. Khi người dân tham gia chăm sóc theo tiêu chuẩn 4C buộc phải tuân thủ quy trình canh tác đúng kỹ thuật dưới sự hướng dẫn, giám sát của nhân viên kỹ thuật các công ty. Bộ quy tắc 4C bao gồm các tiêu chuẩn về môi trường canh tác, môi trường cho người lao động, sử dụng phân, thuốc đúng quy định, tăng cường trồng cây che bóng cho cà phê và nâng cao môi trường sinh thái nông nghiệp, không sử dụng thuốc diệt cỏ và phải cam kết không lấn chiếm đất rừng, săn bắn động vật hoang dã… Và mỗi nông hộ đều mở sổ theo dõi, ghi chép nhật ký xịt thuốc, bón phân, làm cỏ theo hướng dẫn của kỹ thuật viên. Qua đó, cuối vụ tính ra được mức độ hiệu quả kinh tế từ việc chăm sóc theo tiêu chuẩn 4C.
Theo UBND xã Xuân Trường, bình quân mỗi năm sản lượng cà phê của xã đạt 17 - 18 ngàn tấn tươi (tương đương 4.500 tấn nhân), với mức giá năm nay dao động từ 8 - 10 ngàn/kg cà phê tươi (năm ngoái là 13 ngàn) nhưng nông dân vẫn đạt lợi nhuận 90 - 100 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Các hộ tham gia ký kết trồng chăm sóc cà phê 4C, ngoài việc được các công ty thu mua bao tiêu sản phẩm với giá bằng thị trường ra, các công ty còn trả thêm nông dân 500 đồng/kg cà tươi. Từ việc định hình cà phê Arabica là cây trồng chủ lực trong nền nông nghiệp xã đến ứng dụng tiêu chuẩn 4C vào chăm sóc mang lại hiệu quả kinh tế, định hình hướng đi sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Chưa dừng lại ở đó, theo Chủ tịch UBND xã Xuân Trường Trần Như Dũng, mục tiêu của xã duy trì ổn định diện tích cà phê nêu trên, đồng thời áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất, mở rộng hộ dân tham gia liên kết 4C. Và sau tiêu chuẩn 4C sẽ nâng lên tiêu chuẩn UTZ với đòi hỏi cao hơn, bởi đấy chính là nền nông nghiệp bền vững thân thiện môi trường và bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn, đồng thời cho ra sản phẩm cà phê sạch có giá trị thương mại, giàu tính cạnh tranh cao, đáp ứng đòi hỏi của thị trường tương lai.
Khải Nhiên