Làng trẻ S.O.S Đà Lạt, một trong những làng trẻ được mở sớm nhất tại Việt Nam đã bước sang tuổi 24. Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được nuôi dưỡng tại làng với tình mẹ cao cả. Các con đã được sống, trưởng thành trong tình yêu thương và sự chăm sóc tha thiết. Lại một mùa xuân nữa, những lứa trẻ lớn dần lên dù còn nhiều khó khăn vất vả.
Làng trẻ S.O.S Đà Lạt, một trong những làng trẻ được mở sớm nhất tại Việt Nam đã bước sang tuổi 24. Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được nuôi dưỡng tại làng với tình mẹ cao cả. Các con đã được sống, trưởng thành trong tình yêu thương và sự chăm sóc tha thiết. Lại một mùa xuân nữa, những lứa trẻ lớn dần lên dù còn nhiều khó khăn vất vả.
Gặp chị Nguyễn Thị Đào, một người mẹ trong làng với gương mặt hớn hở, chị khoe nhà chị sắp gả con gái, chị sắp sửa “ngồi sui” thêm một lần nữa. Nhiều con trai, con gái do chị nuôi dưỡng nay cũng đã kết hôn, trở thành cha, thành mẹ. Niềm hạnh phúc của các con cũng là hạnh phúc của chị, thành công của chị sau nhiều năm dài chăm sóc và yêu thương, dạy dỗ. Không riêng chị, 14 ngôi nhà trong làng có 14 bà mẹ, mỗi mẹ đã nuôi dạy hàng chục em bé. Trong mỗi nhà thường xuyên chăm sóc từ 7-10 đứa con, lớp anh chị trưởng thành vươn cánh bay đi thì nhà lại tiếp tục đón các em nhỏ vào nuôi dưỡng. Có bé vào làng từ khi còn ẵm ngửa, có bé vào làng khi đã lớn hơn nhưng tất cả các bé đều được chăm sóc, yêu thương với tình mẹ ấm áp.
24 năm hoạt động, Làng trẻ em S.O.S Đà Lạt đã nuôi dạy gần 300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ông Trần Văn Cơ, Giám đốc làng, người đã gắn bó với làng từ khi tái lập tự hào khoe: “Hiện đã có 108 trẻ từ làng lớn lên và sống tự lập, hầu hết đều học đại học, cao đẳng hay trung cấp. Có 58 trẻ làng đã kết hôn và sống hạnh phúc. Chúng tôi rất tự hào vì nhiều con em của làng SOS đã thành người có ích cho xã hội, nhiều cháu làm nghề giáo, có cháu học xuất sắc được học bổng du học. Hiện làng còn nuôi dưỡng 121 trẻ và năm 2012 vừa qua làng có thêm trẻ 5 ra nhập vào các nhà”.
Những con số thật đáng tự hào với một làng trẻ nuôi dưỡng những em bé thiệt thòi. Tuy nhiên, như ông Cơ tâm sự, không ai có thể nghĩ Làng trẻ S.O.S Đà Lạt hiện gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tiền ăn cho mỗi trẻ trong làng chỉ có 400 ngàn đồng/tháng, đó là mới được tăng thêm. Trong giai đoạn “bão giá” như hôm nay, đó là một số tiền ít ỏi cho 3 bữa ăn/ngày. “Chúng tôi đành trông vào khả năng quán xuyến của các bà mẹ, chi tiêu chắt bóp để các bé đủ no, chưa nói đến ngon. Do khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh phí quyên góp từ các ân nhân nước ngoài cũng hạn chế đi nhiều, chúng tôi đang tính tới hướng vận động từ các ân nhân trong nước”. Ông Cơ bày tỏ lòng hy vọng các ân nhân trong nước có thể nhận đỡ đầu một trẻ trong làng bằng cách tuỳ lòng hảo tâm có thể gửi vào tài khoản của tổ chức S.O.S Việt Nam một số tiền bất kỳ. Điều này là không bắt buộc và không định kỳ, gửi khi nào và gửi bao nhiêu đều được. Sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước sẽ góp rất nhiều vào bữa ăn của các cháu.
Và một điều khó khăn nữa với Làng SOS Đà Lạt ngoài chuyện kinh tế, đó là các mẹ trong làng cũng đã tới tuổi nghỉ hưu nhưng lớp kế tục còn rất thiếu. Trong làng, sau 24 năm làm việc hầu hết các mẹ đều xấp xỉ 60, có mẹ đã 66 tuổi nhưng số lượng người xin vào làng làm mẹ, làm dì rất ít. Bởi đây là một “công việc” rất đặc biệt, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm mà còn đòi hỏi tình yêu, tình thương dành cho trẻ. Làng đang tuyển rộng rãi những người mẹ, người dì độc thân tiếp tục công việc yêu thương, chăm sóc bầy trẻ.
Một mùa xuân mới nữa đang tới. Dù còn rất nhiều khó khăn, làng cũng cố gắng tạo điều kiện để mỗi nhà được đón một xuân vui với bánh chưng, mứt kẹo và tấm áo mới cho các con. Nhiều tổ chức thiện nguyện đã tới tổ chức văn nghệ, vui chơi cho trẻ trong làng, nhóm lên trong các bé niềm vui đón xuân sang. Và mẹ con Làng trẻ SOS Đà Lạt cùng hy vọng, mùa xuân sẽ mang tới niềm vui, tốt lành, hy vọng mới sẽ đến trên mỗi mái ấm của những em bé thiệt thòi và những người mẹ tận tâm.
Diệp Quỳnh