Ngày 21.2, tỉnh Lâm Đồng cùng tham dự Hội nghị trực tuyến do Chính phủ tổ chức về tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 157/2007/ QĐ-TTg của Thủ tướng về tín dụng đối với học sinh sinh viên (HSSV)...
* Lâm Đồng đến cuối năm 2012 có 28.071 hộ gia đình đang vay vốn
Ngày 21.2, tỉnh Lâm Đồng cùng tham dự Hội nghị trực tuyến do Chính phủ tổ chức về tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 157/2007/ QĐ-TTg của Thủ tướng về tín dụng đối với học sinh sinh viên (HSSV). Sau 5 năm thực hiện, với nhiều giải pháp quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, đến 31.12.2012, tổng nguồn vốn của chương trình là 36.125 tỷ đồng, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo quy định. Trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp là 1.495 tỷ đồng (chiếm 4,1%), vốn đi vay và phát hành Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 34.630 tỷ đồng (chiếm 95,9% tổng nguồn vốn).
Tính đến cuối năm 2012, tổng doanh số cho vay đạt 43.362 tỷ đồng, doanh số cho vay bình quân mỗi năm đạt 7.227 tỷ đồng. Tổng doanh số thu nợ đạt 7.776 tỷ đồng. Dư nợ đến 31.12.2012 là 35.802 tỷ đồng, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,47% tương đương 167 tỷ đồng. Chương trình đã cho hơn 3 triệu HSSV vay vốn, đến nay còn 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HSSV đi học. Tính theo đối tượng thụ hưởng thì đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo có dư nợ lớn nhất (chiếm 35,9%). Tính trên cơ cấu cho vay theo trình độ đào tạo: sinh viên học đại học chiếm tỷ lệ lớn nhất với 39,9% số HSSV đang dư nợ. Tại Lâm Đồng, doanh số cho vay trong 5 năm là 690,1 tỷ đồng, tổng dư nợ đến hết năm 2012 còn 590,7 tỷ đồng với 28.071 hộ gia đình vay vốn, tương ứng 36.055 HSSV đang thụ hưởng chính sách, dư nợ tăng 55 lần, số HSSV được hưởng chế độ tăng 23,5 lần so với thời điểm chưa thực hiện Quyết định 157/ 2007/QĐ-TTg.
Trong giai đoạn 2013-2017, dự kiến tổng nguồn vốn chương trình trên toàn quốc là 45.000 tỷ đồng với mục tiêu “không để một học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì thiếu tiền đi học”. Chính phủ đã nhận được đề xuất của 63 tỉnh thành và các bộ về các nội dung: nâng mức cho vay phù hợp với điều kiện giá cả thị trường, bổ sung đối tượng gia đình có 2 HSSV trở lên đi học được vay vốn, tiếp tục gia hạn thêm nợ với những HSSV chưa tìm được việc làm sau khi ra trường, tháo gỡ các khó khăn để tạo lập nguồn vốn theo hướng ổn định và bền vững hơn… Các đề xuất này đang được xem xét để có giải pháp trong thời gian tới.
Hải Yến