Hàng chục nghìn sinh viên có cơ hội tiếp tục học tập

02:02, 19/02/2013

Với mục đích hoạt động không vì lợi nhuận, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên là một trong những chương trình lớn nhằm đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo, học sinh, sinh viên nghèo...

Để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên giao cho NHCSXH thực hiện.

Giải quyết vốn vay cho HSSV tại điểm giao dịch xã huyện Đức Trọng
Giải quyết vốn vay cho HSSV tại điểm giao dịch xã huyện Đức Trọng


Tại Lâm Đồng, từ năm 2007 chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên được Chi nhánh NHCSXH tiếp tục triển khai cho vay theo phương thức uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.Các trường hợp vay vốn được bình xét từ cơ sở bảo đảm công bằng, đúng đối tượng thụ hưởng. Sau hơn 5 năm thực hiện, đến 31/1/2013, dư nợ chương trình đạt 586 tỷ đồng với 27.872 hộ gia đình vay vốn cho 35.776 em học sinh, sinh viên đi học. Bình quân mỗi học sinh, sinh viên được vay 16,4 triệu đồng. Với mức vay 10 triệu đồng cho một năm học, các em có thể sử dụng để đóng học phí, mua sắm dụng cụ học tập như máy vi tính và đồ dùng học tập cần thiết khác. Lãi suất cho vay hiện nay là 0,65%/tháng nên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có đông con, có hoàn cảnh khó khăn... đã có thêm sự trợ giúp cho con tham gia học tập, nhờ đó nhiều học sinh, sinh viên không phải bỏ học giữa chừng vì lý do kinh tế.

Với mạng lưới điểm giao dịch đến tận xã, phường, Chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng đã triển khai công tác giải ngân và thu nợ tại xã. Nhằm tạo thuận lợi cho gia đình và HSSV vay vốn và sử dụng tiền vay, chi nhánh còn phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng TMCP Công thương phát hành 10.640 thẻ ATM "Sinh viên lập nghiệp" cho hơn 30% số HSSV đang vay vốn. Thủ tục vay được tiến hành đơn giản, các hộ chỉ cần có giấy báo nhập học với con em đi học năm đầu; với đối tượng đã học thì hàng năm lấy giấy chứng nhận của nhà trường gửi đến ngân hàng. Khi nhận món vay lần cuối, ngân hàng cùng hộ vay thoả thuận kế hoạch trả lãi, trả gốc. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện công tác tuyên truyền ngay tại điểm giao dịch, công khai thông tin về khách hàng, thường xuyên thông báo cho người dân biết trước thời hạn các khoản nợ phải trả để họ có thời gian chuẩn bị và trả nợ đúng hạn; chủ động phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội cùng chính quyền, đoàn thể tại địa phương tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc xác nhận gia đình HSSV thuộc đối tượng vay vốn, kịp thời thống kê số lượng HSSV có nhu cầu vay vốn để xét duyệt, bổ sung kế hoạch cho vay. Các đối tượng vay vốn đều có ý thức trả nợ cho ngân hàng để người khác có hoàn cảnh khó khăn cũng được hưởng chính sách này. Đối với những hộ trả nợ trước thời hạn thì được giảm lãi suất nên nhiều gia đình khi có điều kiện đã trả nợ trước thời hạn các khoản vay. Dư nợ quá hạn của các khoản vay của HSSV tại chi nhánh chỉ chiếm 0,7% dư nợ cho vay học sinh, sinh viên.

Với mục đích hoạt động không vì lợi nhuận, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên là một trong những chương trình lớn nhằm đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo, học sinh, sinh viên nghèo trong cả nước. Tuy thời gian triển khai chưa dài nhưng tính nhân văn và hiệu quả thiết thực của chương trình tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên đã được thể hiện rõ ràng. Sau hơn năm năm thực hiện, chương trình đã đạt được những thành quả rõ rệt, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình đã có sức lan toả rộng lớn, giúp cho một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp được hưởng sự bình đẳng về đào tạo; được hỗ trợ kinh phí để con em họ có thể theo học các bậc học khác nhau, kể cả đào tạo nghề. Hiệu quả lớn nhất của chương trình và đặc biệt có ý nghĩa trong những năm qua là hàng chục nghìn sinh viên có cơ hội học tập để trở thành những người có kiến thức, tay nghề cao; khi ra trường có việc làm, thu nhập ổn định giúp đỡ bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội.  

Để thực hiện tốt chương trình tín dụng học sinh, sinh viên trong thời gian tới, NHCSXH phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo và các địa phương để triển khai hiệu quả việc cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến đúng đối tượng được thụ hưởng, bảo toàn nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền cũng cần tăng cường để các đối tượng thụ hưởng hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và những ưu đãi của chương trình tín dụng có tính nhân văn, ý nghĩa xã hội cao cả này.

Nguyễn Thị Huệ