Bản “3 không” trên đường đến nông thôn mới

02:02, 20/02/2013

Đã từ lâu thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông được mọi người biết đến với tên gọi bản “3 không”. Không uống rượu, không hút thuốc lá và không cờ bạc…

Đã từ lâu thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông được mọi người biết đến với tên gọi bản “3 không”. Thôn có 100% hộ là đồng bào dân tộc H’Mông, nhưng từ nhiều năm nay bà con nơi đây đã giữ được thói quen không uống rượu, không hút thuốc lá và không cờ bạc. Đặc biệt, hơn một năm trở lại đây – khi Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, bà con lại cùng nhau đóng góp công lao động để tu sửa các công trình công cộng, tích cực thi đua lao động sản xuất, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, từng bước xây dựng quê hương giàu đẹp.
   
Cuối năm 2004, theo quyết định của Chính phủ, xã Rô Men được thành lập, bản làng Mông được quy hoạch nằm trong xã mới. Hiện, thôn có 136 hộ, với 727 nhân khẩu. Đầu năm 2012, xã Rô Men tổ chức Lễ ra quân “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Ban nhân dân thôn đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt thông qua các buổi họp thôn, hay sinh hoạt tôn giáo đều được lồng ghép những nội dung tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Qua công tác tuyên truyền, vận động bà con đã ý thức được trách nhiệm của mình cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Sau một năm triển khai xây dựng nông thôn mới, bà con trong thôn đã đóng góp hàng trăm công lao động tu sửa đường giao thông nông thôn, xây dựng cầu tạm bắc qua suối và hỗ trợ các đơn vị thi công san gạt mặt bằng để bê tông hoá tuyến đường chính dẫn vào thôn; tham gia phát quang bụi rậm và dọn dẹp vệ sinh các nơi công cộng. Bên cạnh đó, thôn còn phát động phong trào giúp nhau xoá đói giảm nghèo, tích cực thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Anh Sùng A Sáng, thôn Trưởng thôn 5, xã Rô Men, cho biết: “Thực hiện xây dựng nông thôn mới thì Ban nhân dân thôn cũng tiến hành họp thôn, để triển khai cho bà con cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, trong đó thực hiện một số công việc như đào kênh mương, tu sửa đường giao thông và vận động nhân dân đóng góp ngày công giúp đỡ những hộ khó khăn tu sửa nhà”.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, mà phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới đã lan toả khắp bản làng Mông, tất cả mọi người dân trong thôn đã biết phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong lao động sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế gia đình; đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cuộc sống cộng đồng, cùng nhau hưởng ứng các phong trào do thôn phát động vì một mục tiêu chung nhất là tạo dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Anh Lý Xuân Vù, thôn 5, xã Rô Men, nói: “Bản thân là một công dân ở thôn khi mà thôn phát động xây dựng nông thôn mới, thì tôi cũng tích cực đóng góp ngày lao động để tu sửa đường giao thông nông thôn, rồi cưa cây làm cầu. Về lao động sản xuất, thì tôi cũng cố gắng học hỏi cách làm ăn để áp dụng vào sản xuất của gia đình sao cho hiệu quả”.

Bên cạnh đó, để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con, Ban nhân dân thôn còn đặc biệt đề cao vai trò của cán bộ ở thôn trong việc gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất, đưa những giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, cũng như điều kiện canh tác của người dân vào gieo trồng trên diện rộng, để người dân trong thôn học tập làm theo như cây khoai mỳ, cà phê, bắp và lúa nước; đồng thời, kết hợp với việc chăn nuôi gia súc và các loại gia cầm, để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình và tận dụng nguồn phân bón cho cây trồng.

Thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình trong giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, trong lao động sản xuất. Điển hình như gia đình anh Mã Seo Sùng - một trong những hộ có nguồn thu nhập cao nhất thôn. Hiện, gia đình anh đang canh tác gần 2 ha cà phê, 2 sào bắp, 4 sào lúa nước, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Anh Mã Seo Sùng, thôn 5, xã Rô Men, cho biết: “Trước đây, khi mới chuyển vào đây thì cuộc sống rất khó khăn, sau này Nhà nước hỗ trợ cho tôi vay tiền để trồng cà phê, mỗi năm cũng thu được hơn 100 triệu, cũng đủ sinh sống cho gia đình, bây giờ cuộc sống cũng khá hơn trước rồi”.

Hiện nay, trong thôn có gần 100 ha cà phê, gần 20 ha bắp, 15 ha lúa nước và hàng trăm con gia súc, gia cầm các loại. Đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên, trong đó có nhiều hộ có mức thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên mỗi năm, 100% hộ có phương tiện xe gắn máy và phương tiện nghe nhìn, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia trong sinh hoạt và sản xuất, trên 70% hộ được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hoá đã được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Có thể nói, từ khi Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, đồng bào Mông ở thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông đã chung sức, chung lòng, cùng nhau phấn đấu vươn lên xây dựng bản làng giàu đẹp.

Lê Tuấn