Dọc con đường Hai Tháng Tư, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương rộn ràng chợ hoa ngày tết. Đào Nhật Tân thắm sắc, cúc đại đoá vàng rực, những cành đào phai phơn phớt ửng hồng trong trong độ xuân về.
Dọc con đường Hai Tháng Tư, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương rộn ràng chợ hoa ngày tết. Đào Nhật Tân thắm sắc, cúc đại đoá vàng rực, những cành đào phai phơn phớt ửng hồng trong trong độ xuân về. Dạo chợ ngày cuối năm, anh Hoàng Đức, người dân thị trấn này tự hào rằng chợ ở vùng quê nhưng hoa gì cũng có, chỉ có điều sẽ không tấp nập, sôi động được như chợ hoa tại thành phố mà thôi! Nhận xét của công dân xứ rau này như phác thảo những đường nét chân thực nhất về bức tranh chợ hoa quê mình.
Đi chợ hoa chọn cúc đại đoá |
Đây là năm thứ hai mà anh Lê Văn Hảo (đến từ Nha Trang, Khánh Hoà) bày bán hoa cúc đại đoá tại thị trấn Thạnh Mỹ. Những mùa tết trước, anh từng buôn chuyến ở Vũng Tàu, Đồng Nai rồi về với Lạc Nghiệp (Đơn Dương). Anh cho biết, các chậu hoa màu sắc rực rỡ với giá cả phải chăng có thể dễ dàng được người dân xứ rau ưng ý chọn lựa. Đáp ứng nhu cầu đó, góc bày hàng của anh Hảo xếp ngăn nắp những chậu cúc đại đoá, mỗi chậu gồm vài chục cành đang hé nở; không quá cầu kỳ, sang trọng nhưng hoa tươi tắn và sẽ bền bỉ qua kỳ chơi tết. Chỉ với từ 150 ngàn đến 200 ngàn đồng, khách dạo chợ đã có thể hân hoan đem về nhà chút không khí mùa xuân.
Bên cạnh không ít nhà nông tranh thủ đi dạo chợ, ngày tết cũng là thời điểm mà một số nông dân vùng rau làm thêm mưu sinh. Đứng bên những cành đào phai, chàng trai trẻ Nguyễn Phi Long (nông dân xã Lạc Xuân) vui vẻ chào mời giới thiệu về những cành đào được đưa về từ Cầu Đất, Đà Lạt. Ngày thường anh canh tác la-ghim cùng gia đình, khi vụ rau đã hoàn tất, việc nhà nông vãn dần, chàng thanh niên nhanh nhạy đi “tầm” đào về bán. Năm đầu tiên làm quen với hoa, loay hoay cùng bảy mươi cành đào đã chuẩn bị sẵn, trong lời mời của anh có cả sự chân chất, mộc mạc lẫn hồi hộp cho những ngày thử sức mình cùng những nụ đào mong manh!
Không đưa hoa ra chợ, chủ nhân của vườn hoa Phong Phú (tổ dân phố Nghĩa Lập 5, thị trấn Thạnh Mỹ) có sẵn một trang trại rộng 5 ha để vui với trại rau giống và vườn hoa. Nối nghiệp gia đình canh tác rau đã trên 20 năm nay, cách đây 4 năm, anh Nguyễn Phong Phú bắt đầu làm đẹp với các thế bonsai. Đến nay, khu vườn hội tụ hàng trăm chậu tùng, dâu, si, cây đa, mai xanh, đỗ quyên… Với anh Phú, làm rau là nghiệp, còn hoa lại đem đến cái thú để thư giãn, “làm mà chơi”. Khách hàng đến với khu vườn này có thể được chủ nhân tận tình dẫn lối dạo quanh trang trại, vui thú điền viên khép kín từ hoa, rau đến… trang trại chăn nuôi bò sữa. Tản bộ nhẩn nha ngày xuân, chậu hoa như món quà tinh thần mà khách tự dành tặng cho chính mình, nhẹ nhõm đón một năm mới bình yên. Chính vì thế, dân địa phương đến Phong Phú để tìm kiếm các loại cây độc đáo, còn khách từ Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà… đến đây để tầm cây và tìm chút không gian thoáng đãng, thanh nhàn giữa nhịp thời gian và hối hả, gấp gáp của một năm mới vừa chạm cửa.
Bên cạnh chợ hoa, ngày xuân, những chuyến hàng rau không ngớt xuôi ngược từ nơi đây đi khắp các miền. Lão nông Nguyễn Văn Hùng (xã Đạ Ròn) đi chợ tết mà tiếng điện thoại vẫn liên tục reo để đặt cây cho vụ mùa mới. Người xứ rau chơi hoa mỗi nhà một vẻ nhưng đa phần khá giản dị bởi vụ mùa tiếp nối hối thúc và từ bản tính cần cù, chắt chiu của nhà nông một nắng hai sương…
Hải Yến