Chuyện ghi ở bản Mường

10:02, 06/02/2013

Vào một ngày giáp Xuân Quý Tỵ (2013), chúng tôi có dịp về với bản Mường. Ở đây, mọi người đang nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân. Lúc này, gần như không ai còn lo toan đến chuyện tiền nong để ăn Tết...

Vào một ngày giáp Xuân Quý Tỵ (2013), chúng tôi có dịp về với bản Mường. Ở đây, mọi người đang nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân. Lúc này, gần như không ai còn lo toan đến chuyện tiền nong để ăn Tết. Bởi cuộc sống vào dịp xuân này đã khác hẳn với 20 năm trước - khi bà con mới đặt chân đến đây, còn phải tính toán đong từng cân gạo để cuốc từng nhát đất, chờ mong đến ngày cây trái cho “lộc”.

Bà con ở bản Mường (xã Tân Lâm, Di Linh) hát múa trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc
Bà con ở bản Mường (xã Tân Lâm, Di Linh) hát múa trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc


Vào tới thôn 6, xã Tân Lâm (huyện Di Linh), rồi rẽ trái và men theo con đường đất chừng vài cây số, chúng tôi mới đến được bản Mường. Đây là thôn 7, một thôn (bản) Mường duy nhất ở xã Tân Thượng (nay là xã Tân Lâm). Ngày trước, một số gia đình ở Hoà Bình nghèo lắm mới chọn, cử một vài người vào Nam làm “tiền trạm” để “mở đất”. Và, khi đến vùng đất này, họ tìm được một thung lũng, xung quanh là một triền đất thoai thoải, chỗ thì trồng lúa, trồng cà phê; chỗ thì bỏ hoang hoặc còn lau sậy… của người dân địa phương. Năm 1990, họ mua một ít diện tích chỉ đủ để “cắm dùi”; rồi đến năm 1992 - 1993, bắt đầu chuyển cả gia đình vào vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp.

Chúng tôi chăm chú nghe già làng Bùi Văn Xòn (72 tuổi) xúc động kể lại mà thương: “Ngày ấy, người dân ở bản Mường này nghèo lắm. Chúng tôi chẳng có gì cả, chỉ còn hai bàn tay trắng. Từ Bắc vào đây, chúng tôi chỉ mong làm sao đủ ăn và đủ lo cho con cháu mai sau. Người dân ở bản Mường này ai ai cũng chịu khó, cần cù và biết lao động, cộng với “trời cho” đã gặp được mảnh “đất lành” này, nên giờ đây, cuộc sống của bà con trong bản đã no đủ rồi!”. Nói xong, nghĩ đến điều gì đó, già làng ngậm ngùi và đôi mắt của già làng gần như đang ngấn lệ: “Rất tiếc, là bây giờ đã già rồi, giá như tôi còn trẻ!...”.

Quả thật là thời gian không chờ đợi! Ngần ấy 20 năm, những người lớn tuổi như già làng Bùi Văn Xòn hôm nay, đã một thời vất vả để lo cho các con, các cháu. Thế hệ trẻ ở bản Mường này đã biết trân trọng, biết kế tục để dựng xây bản làng ngày một thêm giàu, thêm đẹp. Từ chỗ chỉ có một vài chục, nay cả bản Mường này đã có 135 hộ với 684 nhân khẩu và diện tích cây trồng đã có 143 ha, mà phần lớn là trồng cà phê. Tất cả đều là “xa phương, cầu thực”, nhưng họ biết nghe theo lời Đảng; biết quí trọng sức lao động; biết đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, nên cuộc sống của bà con đã nhanh chóng thoát được cái nghèo và ngày càng nhiều gia đình trở nên khá giả, có “của ăn, của để”.

Xuất phát điểm cũng chỉ là một người dân vào vùng đất mới làm ăn, anh Hoàng Công Trọng vừa sản xuất giỏi, lại vừa tích cực với mọi công việc trong bản và may mắn hơn là học hết THPT, nên anh được bà con tín nhiệm và xã tin tưởng giao cho trọng trách làm phó thôn, rồi trưởng thôn từ năm 1993. Đến năm 2009, anh được cử đi học trung cấp chính trị trong thời gian 1 năm. Sau khi Chi bộ thôn 7 thành lập (năm 2010), anh được giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ. Cùng với các già làng, cán bộ thôn bản có vai trò hết sức quan trọng. Với trách nhiệm là Bí thư Chi bộ, anh Hoàng Công Trọng “miệng nói, tay làm” và luôn gương mẫu đi đầu trong việc vận động người dân làm ăn, chung tay xây dựng nông thôn mới và các phong trào khác trong thôn bản… Anh Hoàng Công Trọng trao đổi với chúng tôi: “Ngày mới vào đây, bà con ở bản Mường nghèo lắm, nên phải trồng lúa để lo cái ăn trước mắt. Dần dần, bà con đã chuyển sang trồng và thâm canh cà phê. Cho đến bây giờ, trong bản chỉ còn 16 hộ nghèo (phần lớn do mới tách hộ); số hộ khá và giàu ngày càng nhiều hơn. Mức thu nhập bình quân của bà con trong bản cũng đã lên tới 18 triệu đồng/ người/ năm. Trong bản hiện không còn nhà tạm bợ, nhà xây chiếm tỷ lệ khoảng 70%…”.

Đến với bản Mường, chúng tôi ghi nhận là cán bộ trong bản đều miệng nói, tay làm. Rất giản đơn, họ chỉ nghĩ một điều “cán bộ là đầu của một con tàu” như câu nói mà dân dã đã từng ví von. Do vậy, cũng như Bí thư Chi bộ Hoàng Công Trọng, Trưởng thôn Bùi Duy Hùng cũng là một nông dân sản xuất giỏi. Gia đình anh chỉ có 2 ha cà phê mà mỗi năm thu hoạch tới 12 tấn nhân. Ngoài ra, anh còn hình thành mô hình VAC. Riêng 800 m2 ao hồ, anh nuôi thả 300 cá lăng và 700 con ba ba. Mùa Tết năm nay, anh Hùng bắt đầu xuất bán lứa cá lăng và ba ba đầu tiên. Còn các anh Bùi Tùng Dương, Bùi Văn Vương, Quách Anh Kỳ… tích cực tham gia làm cán bộ ở địa phương và cũng là những nông dân sản xuất giỏi ở bản Mường này.

Đến mùa Xuân Quý Tỵ, bản Mường (thôn 7) cũng đúng vào độ tuổi đôi mươi. Cả bản giờ đây, có lẽ không còn ai lo nghĩ đến cái đói, cái nghèo như trước nữa. Và, có lẽ họ chỉ lo nghĩ đến việc làm sao cho mọi người cùng giàu, con cái đều được học hành và bản làng ngày càng đẹp đẽ hơn. Anh Quách Văn Mỉnh – Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn 7, bảo rằng ở bản Mường này, hiện có 14 cháu đang học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; nhiều phong trào đã được phát huy với sự đồng thuận của cả thôn, tất cả các xóm và từng gia đình. Đường điện lưới vào bản, bà con tự kéo. Trường mẫu giáo nuôi dạy con em, bà con cũng tự xây… Và, mới đây, trong bản có 65 hộ hiến đất và bà con đóng góp 300 triệu đồng để nâng cấp, mở rộng 1,5 km tuyến đường chính vào tới bản. Các xóm cũng đã vận động 230 ngày công lao động và đóng góp chi phí nâng cấp các tuyến đường liên xóm để những lúc mưa gió, bà con đi lại bớt trơn trợt và lầy lội.

Cũng với phương thức 30 - 70 (nhân dân đóng góp 30% - Nhà nước hỗ trợ 70%), bản Mường đang vận động làm một tuyến đường chung quanh thôn dài 2 km với tổng chi phí 1,05 tỷ đồng. Ngoài ra, bà con trong bản đã góp tiền mua 1 sào đất và hiện đang xúc tiến mỗi gia đình góp thêm 400 triệu đồng nữa để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng… Và, điều vui mừng nhất, bản Mường này là “khu dân cư an toàn”, “khu dân cư không có tội phạm”.

Đã định canh, định cư trên “đất khách, quê người”, giờ này, cả bản Mường đều vui mừng và xem đây thực sự là quê hương thứ hai. Họ đã bỏ dần những tập tục lạc hậu và bắt đầu khôi phục, gìn giữ nét văn hoá riêng có của dân tộc Mường. Ngoài những đội bóng chuyền, ở bản đã hình thành và duy trì hoạt động của đội văn nghệ và thường tổ chức các trò chơi dân gian, như ném còn, nhảy sạp, đánh mảng… trong những dịp lễ, tết hoặc những dịp đón khách phương xa.

Lần này, chúng tôi đến bản Mường đã “bị” già làng Bùi Văn Xòn một mực “níu” chân giữ lại. Hơi vội, già làng không kịp tiếp chúng tôi bằng rượu cần Mường. Chỉ sau tiếng gọi đàn của già làng, cả bầy gà chuẩn bị cho Tết năm nay vây đầy sân nhà. Già làng bảo con dâu Hoàng Thị Mừng: “Con giúp bố chọn bắt vài con gà ngon nhất làm thịt để tiếp các chú!”. Và, chỉ trong chốc lát, nồi cháo gà thơm phức và giản đơn mấy chai rượu đế bày giữa gian nhà chính. Cả nhà đều quây quần, hết già làng đến các con, các cháu thân tình mời nâng chén, nâng ly và đã làm tôi ngất ngây lúc nào cũng chẳng nhớ nữa!

Ghi chép BÙI TRƯỞNG