Trước “cột mốc” 120 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt có thêm cơ hội lớn lao khi đề án quy hoạch chung mở rộng thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 được phê duyệt sẽ nâng tầm thành phố và “định khung” vóc dáng cho trăm năm sau.
[links()]Trên lộ trình thám hiểm vùng đất La Ngư Thượng, Bác sĩ Yersin đã khám phá ra Cao nguyên Lang Biang và vùng đất bình sơn nguyên dạng thung lũng vào năm 1893. Việc tìm ra vùng bình sơn nguyên có độ tuổi cổ nhất, nơi dòng suối Lạch chảy qua đánh dấu sự khởi đầu thành hình thành phố du lịch, nghỉ dưỡng đầu tiên ở xứ Đông Dương mang tên Đà Lạt. Trước “cột mốc” 120 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt có thêm cơ hội lớn lao khi đề án quy hoạch chung mở rộng thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 được phê duyệt sẽ nâng tầm thành phố và “định khung” vóc dáng cho trăm năm sau.
Quyết định hình thành thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt sau khi Bác sĩ Yersin tìm ra vùng bình sơn nguyên được bao bọc bởi các dãy đồi đỉnh tròn hướng về hồ Xuân Hương - mà xưa kia là dòng suối của người Lạch có lẽ chính là Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Bởi trong lá thư gửi cho các khâm sứ ở Đông Dương đề ngày 23/7/1897, Toàn quyền Paul Doumer đưa ra những điều kiện cần thiết đối với nơi dự kiến làm trạm nghỉ dưỡng cho công chức và binh lính Pháp có nêu: “Độ cao tối thiểu 1.200 m so với mặt nước biển, có nguồn nước dồi dào, có đất đai trồng trọt được, khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng”. Và Đà Lạt được chọn lựa để trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng “cho người này niềm vui, kẻ khác sức khỏe” nổi tiếng hàng thế kỷ qua.
Sơ đồ không gian Đà Lạt mở rộng |
Từ trạm nghỉ dưỡng
Đà Lạt chỉ thực sự thành hình sau khi chương trình xây dựng thành phố được Toàn quyền Paul Doumer thiết lập với các cơ sở hoạt động hành chính, giáo dục trung học, doanh trại quân đội, có nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho 10 ngàn dân và có thể đáp ứng cho 40 ngàn dân trong tương lai. Đến năm 1906, Thị trưởng Đà Lạt Champoudry đề nghị xây dựng thành phố tương lai Đà Lạt tại vùng đất tả ngạn suối Cam Ly, thiết lập khu công chánh và hành chánh, trung tâm thương mại, chợ, khách sạn, khu giải trí, nhà ga, bưu điện... và trung tâm thành phố. Nhưng phải đến năm 1923, bản đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đầu tiên của Kiến trúc sư Ernest Hébrad mới chính thức hoàn chỉnh đưa Đà Lạt trở thành trạm nghỉ dưỡng và là thủ đô mùa hè trong cõi Đông Dương với quy mô diện tích 30 ngàn ha, dân số khoảng 50 ngàn người. Một trong những ý tưởng bao trùm đồ án này tạo lập một thành phố đặc trưng “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, trong đó hình thành chuỗi hồ nhân tạo trên dòng suối Cam Ly. Chỉ trong 10 năm sau, kiến trúc sư Pineau trình bày công trình nghiên cứu chỉnh trang, mở rộng Đà Lạt lấy tâm điểm Đà Lạt mở rộng theo hai hướng Đông - Bắc tạo thành khu bất kiến tạo theo hình vòng cung quạt xoè và thành lập vườn quốc gia. Tiếp theo đó là các bản quy hoạch của Mondet (vào năm 1940) và Jacque Lagisquet (vào năm 1942) với nhận định rằng: “Không ai có thể phủ nhận Đà Lạt chiếm một vị trí đặc biệt thuận lợi ở Viễn Đông. Khí hậu, danh lam thắng cảnh, tiềm năng phát triển làm cho Đà Lạt thành nơi chốn được ưu đãi, không một nơi nào so sánh được. Đà Lạt có thể trở thành một đô thị nghỉ mát lớn ở Viễn Đông”. Có nghĩa là Đà Lạt từ trạm nghỉ dưỡng đã được nâng tầm, phát triển thành điểm đến du lịch, trung tâm du lịch và định hình nên một Đà Lạt với không gian đô thị và kiến trúc hết sức độc đáo ngay từ khi ấy. Sau khi đất nước thống nhất, việc quy hoạch Đà Lạt được bắt tay vào thực hiện nhưng phải gần 20 năm sau đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1994. Đặc biệt, năm 2002, một lần nữa đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận được điều chỉnh theo hướng mở rộng có tầm nhìn đến năm 2020 và những năm tiếp theo với quy mô dân số 432.700 người, có tổng diện tích tự nhiên gần 97 ngàn ha và nhiều lần điều chỉnh quy hoạch cục bộ khác. Nhìn xuyên suốt quá trình kiến tạo, tạo lập và phát triển Đà Lạt, cho thấy hiếm có đô thị nào trong nước có “ngày sinh tháng đẻ” và được chăm chút nghiên cứu quy hoạch qua từng thời kỳ khác nhau để thành phố trở lên đặc biệt, đặc thù và không kém phần đặc sắc. Quan trọng hơn yếu tố cốt lõi nghỉ dưỡng được minh định từ thuở khai phá, kiến tạo đô thị và sau đó là trung tâm du lịch ngay từ buổi đầu luôn là “sợi chỉ” xâu chuỗi, xuyên suốt quá trình hình thành phát triển của Đà Lạt.
Người dân Đà Lạt đến xem triển lãm ý tưởng mở rộng thành phố |
Và Đà Lạt tương lai
Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá IX) đề ra mục tiêu chủ yếu: “Phát triển thành phố Đà Lạt nhanh, bền vững giai đoạn 2011 - 2015 hướng đến thành phố Đà Lạt văn minh, thân thiện. Trong đó chú trọng “đẩy mạnh đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị, quy hoạch mở rộng và xây dựng thành phố Đà Lạt đủ điều kiện để trở thành đô thị loại 1 trực thuộc trung ươngþ. Theo đó, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mở ra cơ hội lớn nâng tầm đô thị Đà Lạt. Phạm vi nghiên cứu của đồ án bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Đà Lạt hiện hữu và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng cùng với một phần huyện Lâm Hà gồm các xã, thị trấn Nam Ban, Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà. Báo cáo tổng hợp của Sở Xây dựng từ phương án của nhóm chuyên gia tư vấn Pháp do Ths. kiến trúc sư Thierry Huau - làm Trưởng nhóm và Phân viện Quy hoạch đô thị - nông thôn miền Nam cho thấy, không gian kiến trúc đô thị cảnh quan của Đà Lạt tương lai dựa trên cơ sở phát huy đặc trưng địa hình, điạ mạo, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng thông tự nhiên, mặt nước, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị. Đồng thời đề xuất các nguyên tắc, giải pháp không gian cho các khu vực trung tâm, quảng trường lớn, cửa ngõ đô thị, các trục không gian chính, không gian cây xanh, mặt nước và điểm nhấn trong đô thị. Đưa ra mô hình phát triển và cấu trúc đô thị đảm bảo phù hợp với quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, nhất là đặc thù sinh thái tự nhiên, không gian đặc trưng kiến trúc cảnh quan đô thị du lịch trên cao nguyên. Hạn chế mở rộng khu vực nội thành hiện hữu, phát triển khu đô thị mới gắn với khu vực động lực phát triển kinh tế như: Làng đại học, khu du lịch, khu công nghiệp chất lượng cao, khu thể thao, sân bay… tại ngoại thành và các huyện. Hạn chế phát triển khu dân cư đô thị dọc tuyến giao thông hướng vào trung tâm. Tổ các vùng đệm trên cơ sở giữ khu vực nội thành với các khu vực đô thị bằng các không gian xanh của rừng thông, vùng trồng hoa, các khu du lịch sinh thái, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng thông và hồ trong thành phố. Định hướng phát triển khu vực nông thôn trên nguyên tắc phù hợp với mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp và môi trường cảnh quan thiên nhiên. Xác định khu vực cần chỉnh trang, cải tạo để đảm bảo hài hoà với định hướng phát triển không gian của thành phố. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 có khoảng 700 - 750 ngàn dân, tỷ lệ đô thị hoá 60 - 70% và có khoảng 9 - 10 triệu lượt khách/năm. “Mục tiêu xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị loại 1 trực thuộc trung ương, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng vai trò, chức năng của đô thị có tính đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của quốc gia và mang tầm quốc tế” trong lời đề dẫn về ý tưởng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, kiến trúc sư Ngô Quang Hùng - Giám đốc Phân viện Quy hoạch đô thị - nông thôn miền Nam nêu ra. Còn Ths. kiến trúc sư Thierry Huau cho rằng: Xuyên suốt 120 năm, từ đồ án quy hoạch đầu tiên đến nay Đà Lạt liên tục được kế thừa, phát triển quy hoạch. Và với khí hậu đặc trưng tạo nên đô thị đặc biệt - một trong yếu tố trọng yếu mà không bản quy hoạch nào bỏ qua đấy là tính dễ vỡ về môi trường sinh thái, cảnh quan của Đà Lạt. Mấu chốt quy hoạch mở rộng Đà Lạt cần thiết kế dải công viên được cấu trúc bởi các giá trị di sản kiến trúc, bảo vệ tính thiên văn và hoạt động nông nghiệp thân thiện với môi trường. Lựa chọn hình thức kiến trúc là việc lớn cho ngày mai sao cho phải cân bằng, hài hoà với môi trường. “Tương lai Đà Lạt hiện đang đứng trước viễn cảnh phát triển tươi sáng, nếu như các nhà lãnh đạo hôm nay có thể dẫn dắt thành phố vượt qua các thử thách to lớn trong việc phát triển song song với việc bảo tồn môi trường và bảo tồn di sản. Các thử thách chính hiện nay bao gồm việc ứng xử với tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển tự phát thiếu quy hoạch, biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển bản sắc kiến trúc… Cần có định hướng phát triển bền vững khi muốn trở thành đô thị loại 1 với những giải pháp phù hợp cho vấn đề mật độ xây dựng cao và nhà cao tầngþ - TSKH.KTS Ngô Viết Sơn Nam cho hay. Việc lựa chọn hướng phát triển đô thị cho thành phố Đà Lạt mở rộng lần này đúng vào thời điểm Đà Lạt chạm cột mốc 120 năm hình thành và phát triển được xem như vừa là vận hội mới, nhưng cũng đầy thách thức đan xen nhau. Bởi vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững luôn là bài toán không đơn giản đặt ra đối với nhiệm vụ quy hoạch cũng như sự dẫn dắt đô thị Đà Lạt thực sự trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng quốc gia và có tầm quốc tế, đô thị sinh thái, cảnh quan và đa dạng sinh học - một trong những tính chất cốt lõi đề ra. Chính vì vậy, Lâm Đồng đã đặt ra lộ trình với các bước đi cụ thể trước khi đưa ra bản đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 cuối cùng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là từ việc mở hội thảo khoa học, mời tư vấn nước ngoài đến tham khảo ý kiến chuyên gia đầu ngành, trưng bày triển lãm trong và ngoài nước, lấy ý kiến người dân… với mong mỏi có được bản quy hoạch hoàn chỉnh nhất.
Xuân Trung - Hồ Lan