Xung quanh vấn đề quy hoạch chung mở rộng thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn một số nhà quản lý, chuyên môn liên quan đến lĩnh vực này.
[links()]Xung quanh vấn đề quy hoạch chung mở rộng thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn một số nhà quản lý, chuyên môn liên quan đến lĩnh vực này.
• Xin ông cho biết các bước mà tỉnh đã tiến hành và lộ trình đến khi nào thì đồ án Quy hoạch chung TP. Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được phê duyệt, thực hiện?
• Ông Nguyễn Hữu Tâm - TUV, Giám đốc Sở Xây dựng:
Để thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về việc điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Lạt (Văn bản số 3697 ngày 1/6/2010 của Văn phòng Chính phủ); UBND tỉnh giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư dự án quy hoạch và quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Tiến làm Trưởng ban) và Tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo về Quy hoạch TP.Đà Lạt.
Tháng 7/2010, UBND tỉnh trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về một số nội dung chủ yếu của nhiệm vụ quy hoạch, tiến độ và giải pháp tổ chức thực hiện lập quy hoạch chung TP.Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Từ tháng 4 đến tháng 11/2011, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 2060 ngày 16/11/2011).
Sau khi có nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, Sở Xây dựng cùng các sở, ban, ngành đã tổ chức lập điều khoản tham chiếu, gởi 6 nhóm chuyên gia tư vấn Pháp, mời dự tuyển lập ý tưởng quy hoạch chung TP.Đà Lạt. Sau đó, Hội đồng tuyển chọn chấm điểm và báo cáo trình UBND tỉnh chấp thuận kết quả tuyển chọn nhóm chuyên gia Pháp (do ông Thierry Huau, Giám đốc Công ty Interscène làm trưởng nhóm) cùng với đơn vị tư vấn Việt Nam là Phân viện Quy hoạch đô thị và nông thôn miền Nam thực hiện toàn bộ đồ án.
Trong quá trình nghiên cứu, UBND tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế về ý tưởng quy hoạch chung TP.Đà Lạt qua Hội thảo Quốc tế tại TP.Đà Lạt (ngày 30/7/2012), với sự đồng chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh. Hội thảo đã đạt được kết quả tốt, thu nhận nhiều ý kiến, tham luận chuyên đề có giá trị.
Tháng 9/2012, đơn vị tư vấn Pháp (Công ty Interscène) tổ chức Hội thảo quốc tế về ý tưởng quy hoạch Đà Lạt tại thủ đô Paris - nước Cộng hoà Pháp (ngày 26/9/2012), để có thêm ý kiến từ các chuyên gia quốc tế (Bỉ, Đức, Pháp...) chưa có điều kiện sang Việt Nam dự hội thảo lần I tại TP.Đà Lạt.
Quá trình hình thành ý tưởng quy hoạch chung TP.Đà Lạt được UBND tỉnh thường xuyên báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và tổ chức lấy ý kiến các ban ngành cấp tỉnh, chính quyền các địa phương có liên quan (ngày 12/12/2012), nhằm thống nhất và cho ý kiến kết luận về ý tưởng và nội dung đồ án quy hoạch TP.Đà Lạt.
Giữa tháng 12/2012, Sở Xây dựng đã tổ chức báo cáo khái quát nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại kỳ họp HĐND của 5 địa phương, gồm: TP.Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà; nhằm cung cấp thông tin cơ bản về đồ án, giúp các đại biểu HĐND có điều kiện cùng nghiên cứu, tham gia góp ý kiến cho đồ án. Đồng thời, phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố có liên quan, đồng loạt tổ chức trưng bày đồ án quy hoạch tại 5 địa điểm trong vùng quy hoạch và phát phiếu lấy ý kiến nhân dân, các tổ chức, chính quyền các cấp… với thời hạn tối thiểu 30 ngày theo Luật Quy hoạch đô thị. Ngoài các bản vẽ đồ án quy hoạch, Sở Xây dựng biên tập thành tài liệu dẫn luận về phương pháp nghiên cứu của nhóm chuyên gia Pháp và tư vấn Việt Nam, để công bố tại nơi trưng bày, nhằm giúp người xem tiện theo dõi, đối chiếu và có cơ sở góp ý kiến cho đồ án.
Như vậy, sau gần 1 năm tổ chức thực hiện, đồ án quy hoạch chung TP.Đà Lạt mở rộng đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và tuân thủ Luật Quy hoạch đô thị. Việc tổ chức báo cáo, lấy ý kiến về ý tưởng và đồ án quy hoạch đối với các cấp, các ngành, các địa phương, đại diện các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế, cộng đồng dân cư trong vùng quy hoạch… được thực hiện rộng rãi, nghiêm túc, đảm bảo cho quy hoạch TP.Đà Lạt tương lai đạt được tính khoa học và thực tiễn cao; phù hợp chủ trương của Nhà nước, đáp ứng định hướng phát triển của tỉnh, các địa phương và nguyện vọng của nhân dân.
Hiện đồ án đang trong giai đoạn hoàn chỉnh để trình lấy ý kiến HĐND tỉnh, trước khi hoàn tất hồ sơ trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt (dự kiến trong quý II/2013), nhằm tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch chung TP. Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, đúng dịp kỷ niệm chào mừng 120 năm TP. Đà Lạt hình thành và phát triển.
Sau khi đồ án quy hoạch chung TP. Đà Lạt được phê duyệt (năm 2013), Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo TP.Đà Lạt tổ chức lập kế hoạch tuyên truyền; triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị; nhằm nhanh chóng hội đủ điều kiện kêu gọi thu hút đầu tư các dự án công trình, hạ tầng đô thị; tuân thủ đúng định hướng quy hoạch chung được duyệt…
Một góc Đà Lạt - Ảnh: HT |
• Xin ông cho biết đánh giá của ông đối với đồ án quy hoạch chung mở rộng TP. Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của các tư vấn đang được triển lãm lấy ý kiến người dân?
• KTS.Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng:
Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng TP. Đà Lạt có một vị trí địa lý và lịch sử hình thành đô thị rất đặc biệt trong hệ thống đô thị của cả nước, nên dù là một thành phố tỉnh lỵ (đô thị loại 3, loại 2 và nay là loại 1 thuộc tỉnh) nhưng đều do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung. Từ năm 1975 đến nay, Thủ tướng Chính phủ 2 lần phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung (năm 1994 và 2002); đều có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương là “kế thừa các đồ án quy hoạch có giá trị từ thời Pháp”. Vì sao?. Có thể nói, trong định hướng phát triển đô thị cho TP. Đà Lạt, các cấp chính quyền cũng đều nhìn nhận giá trị đặc thù vốn có của TP.Đà Lạt, gắn liền với giá trị nền văn hoá quy hoạch kiến trúc Pháp. Việc “đặt hàng” chuyên gia tư vấn Pháp lập ý tưởng quy hoạch chung TP.Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là một chủ trương đúng và kịp thời, theo tôi là vừa tầm với khả năng tài chính vốn còn nhiều khó khăn của tỉnh. Tôi tin, các kiến trúc sư Pháp sẽ khám phá và phát huy được nhiều bài học quý giá từ ý tưởng của các bản đồ án quy hoạch Đà Lạt xưa của người Pháp để biến hoá vào đồ án quy hoạch chung TP. Đà Lạt tương lai.
Tôi được mời dự họp 3 lần, để nghe chuyên gia tư vấn Pháp báo cáo ý tưởng quy hoạch chung TP.Đà Lạt. Tôi đánh giá cao phương pháp tư duy của họ, hoàn toàn có cơ sở lý luận khoa học, khả năng diễn đạt chuyên môn của họ mạch lạc và có sức thuyết phục. Tất nhiên, vẫn có một khoảng cách và sự khác biệt nhất định giữa ý tưởng quy hoạch của người Pháp và thực tế điều kiện của Việt Nam; nhưng qua mỗi lần góp ý, trong đó có ý kiến tham gia của Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng, tôi nhìn nhận họ có sự lắng nghe, chọn lọc và điều chỉnh hợp lý, hài hoà giữa khoa học và thực tiễn. So với lần báo cáo ý tưởng quy hoạch đầu tiên tại Hội thảo khoa học (ngày 30/7/2012) tại TP.Đà Lạt, đến lần báo cáo gần đây nhất trước UBND tỉnh (ngày 12/12/2012), để thống nhất ý tưởng trước khi triển khai hồ sơ kỹ thuật đồ án; và hiện nay đang tổ chức trưng bày quy hoạch lấy ý kiến nhân dân (tại Nhà triển lãm Khu Trung tâm Hoà Bình, TP.Đà Lạt) là một bước tiến bộ rất xa. Đồ án ngày càng gần gũi và khả thi hơn, phù hợp với điều kiện riêng của một tỉnh miền núi như Lâm Đồng và những yếu tố đặc thù, rất riêng, của TP.Đà Lạt.
Đồ án quy hoạch lần này là đồ án được mở rộng lớn so với Đà Lạt hiện hữu, có tính đến trong tương lai gần sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó tôi đề nghị nên nghiên cứu thêm đồ án “Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng” để bổ sung cho quy hoạch Đà Lạt mở rộng tốt hơn.
Cuối cùng, Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng với trách nhiệm nghề nghiệp của mình sẽ tiếp tục tham gia góp ý cho đồ án đến khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như quá trình xây dựng diện mạo kiến trúc đô thị của TP. Đà Lạt mới (giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050), đảm bảo tuân thủ định hướng quy hoạch chung được duyệt.
* Cảm nhận của ông khi Đà Lạt được mở rộng địa giới ra các huyện lân cận và dưới cái nhìn của người yêu Đà Lạt, ông có điều gì gửi gắm đối với Đà Lạt trong tương lai?
• Ông Nguyễn Hữu Tranh: Theo một số tài liệu còn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại thành phố Hồ Chí Minh, trước năm 1975, trên vùng đất thành phố Đà Lạt và vùng lân cận hiện nay đã hình thành 4 đơn vị hành chánh với địa giới khác nhau:
Năm 1916, tỉnh Lang Bian được thành lập bao gồm vùng đất thuộc tỉnh Lâm Đồng và phần đất rừng thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước ngày nay.
Năm 1920, thị xã Đà Lạt là thị xã loại hai, gồm có vùng nội ô và ngoại ô. Vùng ngoại ô gồm làng mạc và đất đai nằm trên cao nguyên Lang Bian. Vùng đất xung quanh thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Djiring.
Năm 1941, tỉnh Lang Bian (Lâm Viên) được tái lập.
Năm 1958, thành lập tỉnh Tuyên Đức. Về phía bắc, đường địa giới hành chính đi ngang qua phía nam núi Chư Yang Sin (nay thuộc tỉnh Đắc Lắc); về phía đông gần núi Bi Đúp (nay thuộc huyện Lạc Dương); về phía đông nam, đầu đèo Ngoạn Mục (nay thuộc huyện Đơn Dương); về phía tây, sông Đa Nhim, Đạ K'Nàng, Đạ Trong (nay thuộc huyện Đức Trọng, Lâm Hà).
Do đó, địa giới hành chính Đà Lạt được mở rộng ra các huyện lân cận là điều tất yếu trong quá trình phát triển đô thị.
Tôi hy vọng, trong tương lai, nếu Đà Lạt được mở rộng, công tác triển khai sẽ được tổ chức tốt, tiết kiệm, để đời sống người dân Đà Lạt và vùng lân cận được ổn định, mọi người yên tâm góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Xuân Trung - Hồ Lan