Thực hiện Quyết định số 1816/2008/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” sau 4 năm, các hoạt động của Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của các cơ sở KCB trong tỉnh.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) là vấn đề rất cần thiết và phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa. Thực hiện Quyết định số 1816/2008/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” sau 4 năm, các hoạt động của Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của các cơ sở KCB trong tỉnh.
Từ 2009 - 2012, các cơ sở KCB trong tỉnh đã được tiếp nhận trên 40 lượt cán bộ hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Thống Nhất Tp.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng II, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhiệt đới Tp.HCM, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch Tp.HCM, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II hỗ trợ về các lĩnh vực chuyên môn: Hồi sức cấp cứu, phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, khám chữa bệnh YHCT, tâm thần… Qua đó, các bệnh viện tuyến tỉnh đã tiếp nhận và triển khai được 18 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới, trên 1.200 lượt cán bộ của tỉnh đã được tập huấn, nâng cao trình độ, trên 2.500 bệnh nhân được các bác sĩ tuyến trên trực tiếp KCB, 250 bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên. Riêng Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng được tiếp nhận hỗ trợ từ 6 bệnh viện tuyến trên, đặc biệt sự hỗ trợ liên tục, hàng năm từ Bệnh viện Thống Nhất Tp.Hồ Chí Minh.
Song song với việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, các cơ sở KCB tuyến tỉnh đã cử trên 300 lượt cán bộ hỗ trợ 107 nội dung chuyên môn thuộc các lĩnh vực chuyên khoa cho 12 Trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện. Nhờ hỗ trợ của tuyến tỉnh, tuyến huyện đã triển khai được 23 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới, các cán bộ hỗ trợ đã trực tiếp khám chữa bệnh cho 3.400 bệnh nhân tại huyện, trên 1.200 trường hợp không phải chuyển tuyến trên và 1.300 lượt cán bộ tuyến huyện được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn.
Rút kinh nghiệm của năm 2009 - 2010, khi các bệnh viện tuyến tỉnh chưa đủ lực lượng cán bộ chuyên khoa để trực tiếp luân phiên tại tuyến dưới, năm 2011 và 2012, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN đã tiếp nhận 135 lượt cán bộ do TTYT các huyện, thành phố gửi lên để hướng dẫn, đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc về các lĩnh vực: Hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, ngoại khoa, sản phụ khoa, tai mũi họng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, điều dưỡng – phục hồi chức năng. Hình thức này kết hợp với việc bố trí cán bộ xuống hỗ trợ trực tiếp tại đơn vị cơ sở giúp nâng cao chất lượng công tác chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.
TTYT các huyện, thành phố đã cử trên 800 lượt cán bộ hỗ trợ chuyên môn hàng tuần cho các trạm y tế (TYT) xã, phường thị trấn, các TYT vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, đã thực hiện KCB cho 84.000 lượt bệnh nhân tại xã và tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn cho trên 500 lượt cán bộ y tế tuyến xã. Hỗ trợ KCB từ tuyến huyện cho tuyến xã góp phần giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật tốt hơn ngay tại y tế cơ sở, nâng cao chất lượng KCB tại các TYT đặc biệt là các TYT chưa có bác sĩ.
Bên cạnh hỗ trợ cán bộ luân phiên từ tuyến trên xuống tuyến dưới, hỗ trợ ngang tuyến cũng được thực hiện: BVĐK Lâm Đồng đã hỗ trợ BV II Lâm Đồng về phẫu thuật nội soi, kỹ thuật chạy thận nhân tạo… TTYT Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng hỗ trợ TTYT các huyện Di Linh, Lạc Dương, Đam Rông.
Năm 2013, tiếp tục thực hiện Đề án theo nguyên tắc tổ chức chuyển giao gói kỹ thuật theo nhu cầu của bệnh viện tuyến dưới và phù hợp với khả năng đáp ứng của bệnh viện tuyến trên. Hình thức chuyển giao kỹ thuật được mở rộng, bệnh viện tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới hoặc bệnh viện tuyến dưới cử cán bộ hoặc kíp cán bộ chuyên môn phù hợp tiếp nhận kỹ thuật tại bệnh viện tuyến trên, hoặc kết hợp 2 hình thức trên.
Ths.Trần Mạnh Hạ