“Khi đi học chẳng bao giờ nghĩ là sau này mình sẽ dạy ở một trường trẻ em đặc biệt như thế này” - cô giáo Võ Thị Tuyết ở Trường Hoa Phong Lan Đà Lạt bắt đầu câu chuyện.
Cô giáo Võ Thị Tuyết |
“Khi đi học chẳng bao giờ nghĩ là sau này mình sẽ dạy ở một trường trẻ em đặc biệt như thế này” - cô giáo Võ Thị Tuyết ở Trường Hoa Phong Lan Đà Lạt bắt đầu câu chuyện. Sinh năm 1972, quê Phú Yên, tốt nghiệp Cao đẳng Trung ương Nha Trang năm 1994, cô về dạy mầm non tại Tuy Hoà. Khi chồng chuyển công tác lên Học viện Lục quân tại Đà Lạt năm 2000, cô xin chuyển công việc theo chồng. Lên Lâm Đồng cô cũng dạy mầm non ở Đơn Dương, là Phó Hiệu trưởng Trường Sơn Ca, Thạnh Mỹ trước khi chuyển về Trường Hoa Phong Lan Đà Lạt năm 2006.
“Rất mừng khi được về gần nhà Đà Lạt vì khi làm ở Đơn Dương cứ phải đầu tuần đi cuối tuần về, có lúc mang cả con nhỏ theo xuống chỗ làm, cực lắm” - cô kể lại. Ngày nhận quyết định về Trường Hoa Phong Lan cô cũng có chút ngại ngần vì học sinh nơi đây hoàn toàn khác biệt với học sinh bình thường cô từng dạy trước đây. Nhưng rồi càng làm việc nơi đây cô càng hiểu và thương hơn sự thiệt thòi của các em.
“Trong cuộc đời làm giáo viên, ai chẳng muốn học sinh của mình là những đứa trẻ thông minh, xinh đẹp, những đứa trẻ sạch sẽ thơm tho để khi chúng ngoan ngoãn có thể ôm chúng mà không ngần ngại, để sung sướng tự hào khi chúng đạt được thành tích cao trong học tập” - cô tâm sự. Vậy mà trong 120 học sinh của Trường Hoa Phong Lan nơi đây, em thì ngớ ngẩn, nói năng thều thào, trí tuệ u u minh minh; em thì tự kỷ; em bại não, thần kinh phân liệt; em nhiễm chất độc màu da cam… Để các em có một cuộc sống bình thường như mọi bạn bè trang lứa; các cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường, trong đó có cô đã không quản ngại khó khăn, làm tất cả mọi việc, cố gắng dạy dỗ, chăm sóc từng ly từng tí cho từng em, đặc biệt cho các học sinh nội trú (trường có khoảng 80 học sinh nội trú) ăn ở tại trường, tổ chức cho các em ăn ngủ, vui chơi trong môi trường yêu thương như những đứa trẻ bình thường.
Là giáo dục chuyên biệt nên dạy học các em ở đây rất khác xa với học sinh bình thường dạy trước đó nên lúc đầu cô còn bỡ ngỡ nhưng rồi cũng quen dần. Là giáo viên trực tiếp phụ trách những lớp đầu tiên mới nhận vào hằng năm, theo cô Tuyết mỗi học sinh đều khác nhau, không em nào giống em nào. Phải mất thời gian rất lâu mới đưa cả lớp vào khuôn khổ nhất định. Cô phải tìm hiểu kỹ từng trường hợp, đặt ra mục tiêu giáo dục cho từng em, chú ý giúp từng bước mỗi em phát triển các kỹ năng sống mà học sinh bình thường vốn chẳng cần bỏ sức để học. “Có những em chuyển biến rất chậm, chẳng hạn như việc rửa mặt hoặc cầm thìa ăn đơn giản nhưng phải tập rất lâu mới làm được. Là giáo viên mình phải biết vui với những gì các em có và không nên đặt quá nhiều áp lực lên các em”.
Từ giáo dục bình thường khi chuyển sang giáo dục đặc biệt, cô giáo Tuyết đã làm rất tốt công việc của mình nhờ tinh thần tự học. Học hỏi đồng nghiệp, tích cực tham dự các lớp tập huấn, tích cực áp dụng cái mới vào dạy học, nghĩ ra các giải pháp hữu ích, làm những đồ dùng dạy học độc đáo cho trẻ khuyết tật được giải cao của trường... Cô còn tích cực tham gia công tác Công đoàn trường, là Chủ tịch Công đoàn trường trong 3 nhiệm kỳ, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở từ năm 2006 đến nay của Trường Hoa Phong Lan Đà Lạt.
Hoa Phong Lan - một loài hoa đẹp của núi rừng, sống trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng mùa xuân đến vẫn rực rỡ nở hoa. Những thầy cô giáo nơi đây trong đó có cô giáo Võ Thị Tuyết chính là những bông hoa như vậy. Họ đang lặng lẽ toả hương cho cuộc đời này.
Viết Trọng