“Hoạt động Hội phải theo hướng thiết thực, sáng tạo, phát triển bền vững”

02:02, 26/02/2013

Nhân Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII, Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biếu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng về vấn đề “Tam nông” hiện nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với lãnh đạo tỉnh thăm quan HTX rau sạch Xuân Hương, Tp. Đà Lạt
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với lãnh đạo tỉnh thăm quan HTX rau sạch Xuân Hương, Tp. Đà Lạt


Nhân Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII, Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biếu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng về vấn đề “Tam nông” hiện nay.

PV: Kính thưa đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được nêu cụ thể trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, xin đồng chí đánh giá về kết quả thực hiện vấn đề này trong thời gian qua?

Đồng chí Vũ Công Tiến
Đồng chí Vũ Công Tiến

Đ/c Vũ Công Tiến: Đây là vấn đề lớn nằm trong tổng thể định hướng phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề cập. Tôi chỉ nêu một số điểm, mang tính khái quát về những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua.

Là một tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp chiếm gần 45% trong GDP và hơn 63% dân số sống ở khu vực nông thôn, do đó vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn chiếm vị trí hết sức quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, nông nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, sản xuất nông nghiệp được đầu tư phát triển theo hướng công nghệ cao, tập trung chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Đến nay toàn tỉnh có trên 26 ngàn ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mang lại thu nhập đạt mức cao hơn nhiều lần so với diện tích sản xuất bình thường. Tính đến cuối năm 2012, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 89 triệu đồng. Tỉnh đã có sự đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, nông thôn như các công trình đường giao thông, kiên cố kênh mương, phát triển thuỷ lợi, hệ thống thông tin liên lạc, điện, trường học, trạm y tế… Kinh tế làng nghề, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác phát triển mạnh, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn đã có những phát triển tích cực; số hộ nông dân khá và giàu ngày càng tăng lên, số hộ nghèo giảm mạnh. Tính đến cuối năm 2012 toàn tỉnh còn 6,31% hộ nghèo, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số còn 16,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng.

Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, bưu điện, chợ, cơ quan, công sở, trường học, trạm xá, phục vụ tích cực cho đời sống và sản xuất kinh doanh của nhân dân địa phương. Trong giai đoạn 2009-2012, Lâm Đồng huy động khoảng 5.195 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 12 xã đạt từ 14-18 tiêu chí; đạt 9-13 tiêu chí có 34 xã; đạt từ 5-8 tiêu chí có 47 xã.

PV: Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của tổ chức Hội Nông dân tỉnh nhà trong thời gian qua?

Đ/c Vũ Công Tiến: Đối với tổ chức Hội Nông dân, trong những năm qua, các cấp Hội thực sự là điểm tựa, là tổ chức đáng tin cậy của nông dân. Hội đã có nhiều phong trào thiết thực nhằm góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội. Công tác Hội và phong trào nông dân trong tỉnh có nhiều chuyển biến tiến bộ, các cấp Hội đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình công tác trọng tâm của Hội và các phong trào thi đua của nông dân mà trọng tâm là các phong trào: Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh. Từ những phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình, nhiều khu dân cư, văn hoá. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được các cấp Hội quan tâm thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú góp phần đưa nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến hội viên nông dân. Các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư phân bón, máy móc nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên xây dựng mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, được tổ chức khá rộng khắp. Qua các phong trào thi đua yêu nước và hoạt động của các cấp Hội, trình độ và kinh nghiệm công tác của cán bộ Hội được nâng lên, chất lượng hoạt động của các cấp Hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Công tác tập hợp, đoàn kết nông dân trong tỉnh được mở rộng, tỷ lệ hộ nông dân vào tổ chức Hội tăng so với nhiệm kỳ trước.

PV: Theo đồng chí, vấn đề quan tâm lớn nhất của tỉnh hiện nay về nông nghiệp và nông dân là gì?

Đ/c Vũ Công Tiến: Theo tôi, có nhiều vấn đề cần quan tâm chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, để thực hiện được cần phải nhìn rõ những yếu kém, hạn chế trong thời gian qua trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh để có những giải pháp tích cực, phù hợp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế. Trước hết là sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp mặc dù tăng nhưng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển chưa rộng trên các địa bàn; Sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định do chạy theo sự biến động tự phát của thị trường, chất lượng nông sản hàng hoá chưa cao, tính cạnh tranh thấp, thiên tai, dịch bệnh và còn nhiều rủi ro; nạn đầu cơ và hàng giả, hàng kém chất lượng; tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến ngày càng phức tạp; việc tiếp cận chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo cũng như mức sống và chất lượng sống của cư dân nông thôn còn thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn còn nhiều yếu kém, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng; thực hiện dân chủ ở cơ sở còn hạn chế. Kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình có phát triển nhưng hiệu quả sản xuất còn hạn chế, chưa khai thác đúng mức tiềm năng; lợi thế về nông nghiệp của tỉnh, còn bị động, khó khăn trong cơ chế thị trường.

Đối với tổ chức Hội Nông dân, tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Công tác Hội và phong trào nông dân phát triển chưa đều, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ Hội Nông dân chưa đáp ứng và theo yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của một số tổ chức Hội cơ sở chưa cao. Việc nắm bắt tư tưởng của hội viên nông dân, nhất là những vấn đề nổi cộm, phát sinh trong thu hồi, giải toả, đền bù, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai chưa kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương giải quyết, tháo gỡ khó khăn, từ đó dẫn đến tình trạng nông dân khiếu kiện đông người, vượt cấp vẫn còn xảy ra.

Những khó khăn, yếu kém trên đây cần phải được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh nhìn thấy rõ để đưa ra giải pháp thích hợp, hiệu quả nhằm kịp thời khắc phục và sửa chữa những hạn chế, yếu kém trong công tác Hội, đồng thời góp phần cùng địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong nông nghiệp, nông thôn. Phải làm cho người nông dân thấy rằng tổ chức Hội là điểm tựa tin cậy.

PV: Để thúc đẩy và phát triển phong trào nông dân, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn trong tỉnh, nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?

Đ/c Vũ Công Tiến: Nhiệm vụ thì rất nhiều, tôi đề nghị Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII (nhiệm kỳ 2013 - 2018) các đồng chí phải tập trung trí tuệ tập thể, bàn bạc dân chủ để đưa ra định hướng và biện pháp khả thi nhất. Riêng đối với tổ chức Hội, các cấp Hội phải thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có tâm huyết với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có khả năng tập hợp, chăm lo quyền lợi chính đáng cho nông dân. Hội phải nắm vững tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân để đề xuất, hiến kế những giải pháp tích cực với các cấp uỷ và chính quyền địa phương, phát triển hoạt động của Hội Nông dân theo hướng “Thiết thực, sáng tạo, phát triển bền vững”. Xây dựng các cấp Hội vững mạnh để làm chỗ dựa vững chắc cho nông dân, tuyên truyền, vận động, tổ chức lực lượng nông dân nêu cao vai trò chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội phải có kế hoạch xây dựng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực này, xây dựng gương điển hình trong đồng bào dân tộc thiểu số để nhân rộng và phát triển bền vững trong nông dân.

Trước thềm Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII (nhiệm kỳ 2013 - 2018), tôi gởi lời chúc tốt đẹp đến toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh nhà, chúc Đại hội thành công và thể hiện được ý chí, nguyện vọng chính đáng của bà con nông dân với tinh thần “ý Đảng - lòng dân”

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Cao Diên (Thực hiện)