Gặp “Vua heo” ở Trường Sa

04:02, 19/02/2013

Là thanh niên thành phố chính gốc, vậy mà khi được phân công nhiệm vụ ra đảo Sinh Tồn (thuộc quần đảo Trường Sa) để… nuôi heo, Trang vẫn hồ hởi làm mà không một lời phàn nàn. Không chỉ vậy, đàn heo do Trang chăm sóc trong một năm đã không ngừng sinh sôi. Anh em trên đảo thấy tài nuôi heo nên thân thương gọi anh là “Vua heo”. Trang vui vẻ đón nhận và mang cả biệt danh này khi về đất liền.

Là thanh niên thành phố chính gốc, vậy mà khi được phân công nhiệm vụ ra đảo Sinh Tồn (thuộc quần đảo Trường Sa) để… nuôi heo, Trang vẫn hồ hởi làm mà không một lời phàn nàn. Không chỉ vậy, đàn heo do Trang chăm sóc trong một năm đã không ngừng sinh sôi. Anh em trên đảo thấy tài nuôi heo nên thân thương gọi anh là “Vua heo”. Trang vui vẻ đón nhận và mang cả biệt danh này khi về đất liền.

Huỳnh Văn Trang với công việc hàng ngày
Huỳnh Văn Trang với công việc hàng ngày


Gặp Huỳnh Văn Trang (20 tuổi, nhà ở quận 4, TP Hồ Chí Minh) vào một ngày cuối năm trên đảo Sinh Tồn, khi đó, Trang đang bàn giao công việc và truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc đàn heo cho một chiến sỹ mới ra đảo để Trang chuẩn bị vào đất liền. Trang dặn dò kỹ lưỡng với anh chàng tân binh: “Phải cho chúng ăn đủ bữa. Khi heo mang thai sắp đẻ thì phải nhốt riêng để tránh đi lại nhiều hư thai. Heo đẻ thì phải cắt cỏ “lót ổ” cho chúng. Trời mưa thì phải lùa vào chuồng nếu không chúng sẽ dễ mắc bệnh”. Bao nhiêu kinh nghiệm như vậy được truyền đạt lại, vậy mà khi lên tàu rời đảo với chúng tôi, Trang vẫn bày tỏ lo lắng: “Heo trên đảo chủ yếu là heo đen, thả đi ăn rông. Sợ người mới không quen chăm sóc, đàn heo lại tụt giảm số lượng, anh em trên đảo lại phải giảm khẩu phần thịt tươi trong bữa ăn!”.

Ngày đầu mới đặt chân lên đảo Sinh Tồn, Trang được giao ngay nhiệm vụ làm thủ kho để xuất gạo, thức ăn hàng ngày cho chiến sỹ và kiêm luôn nhiệm vụ nuôi đàn heo tập trung. Trang kể: “Em là người Sài Gòn ra, ban đầu thấy công việc dơ bẩn nên cũng không thích lắm nhưng làm riết rồi cũng quen. Lần đầu thấy heo đẻ, em cũng không biết làm sao nên vội vàng chạy về hỏi mấy chú, mấy anh. Sau này mới biết heo đẻ thì phải cắt cỏ bỏ vào lót ổ và canh lấy nhau heo bỏ ra ngoài”. Có lẽ do trời phú nên Trang khá “mát tay”, nhờ đó đàn heo cứ sinh sôi liên tục. Từ khoảng 20 con khi mới bắt đầu tiếp nhận, có lúc đàn heo do Trang chăm sóc lên đến cả trăm con. Heo đẻ được mấy lứa thì Trang “chết tên” với biệt danh “Trang heo”. Nghe anh em gọi thế Trang cảm thấy rất vui vì dù gì mình cũng làm tốt việc mà trước đây chưa từng nghĩ đến, chứ đừng nói là làm. Với đàn heo khoảng 60 con như hiện tại, mỗi ngày Trang thức dậy từ 5 giờ sáng để gom thức ăn thừa và nấu cám cho chúng ăn. Chỉ một tay Trang đảm trách việc chăm lo cho đàn heo nên lắm lúc làm không kịp, nhiều khi mang cám đến chúng đói quá ủi ngã cả người lẫn cám. Những lúc như thế tức không chịu được, chỉ biết mắng chửi chúng chứ cũng không biết chia sẻ với ai – Trang tâm sự.  

Khi đang tất bật chăm sóc đàn heo ngoài đảo Sinh Tồn thì Trang bất ngờ nhận được tin vui từ đất liền. Trang được UBND thành phố Hồ Chí Minh công nhận là “Công dân tiêu biểu năm 2012”. Từ đó, Trang được cả người ở đất liền lẫn trên đảo biết đến nhiều hơn và khâm phục nhiều hơn. Trong niềm vui bất ngờ khi được biểu dương, Trang không quên hình ảnh người mẹ vẫn đang tảo tần làm công nhân may trong Sài Gòn. Trang chia sẻ: “Khi bố mất được 3 tháng thì em xung phong ra đảo làm nhiệm vụ. Lúc đó, em chỉ nghĩ đơn giản là đến tuổi nghĩa vụ thì phải đi. Nhưng, mẹ lại chính là người động viện và ký vào đơn tự nguyện đăng kí cho em ra đảo. Ra đảo được một tháng thì tết, đón giao thừa em rất nhớ nhà. Lúc đó, mẹ lại gọi điện thoại động viên, dặn dò ăn uống đầy đủ để giữ gìn sức khoẻ. Nghĩ lại những phút bồng bột của tuổi trẻ mà em cảm thấy ân hận và càng thương mẹ nhiều hơn”. Khi 15 - 16 tuổi, Trang là “game thủ” có hạng và thường chơi game “thâu đêm suốt sáng”. Mẹ có la rầy thì Trang cũng bỏ ngoài tai. Lớn hơn một chút, Trang bắt đầu công việc làm bảo vệ. Tiền lương hàng tháng cũng chỉ để cà phê, thuốc lá và tự lo cho bản thân chứ không nghĩ gì đến gia đình. “Vậy mà, khi ra đảo làm công việc chăn nuôi heo, em học được rất nhiều thứ, trưởng thành và biết quý trọng giá trị cuộc sống hơn. Đợt này về, em sẽ đi học nấu ăn và mong tiếp tục được phục vụ trong quân ngũ” - Trang cho biết.

Giữa điều kiện khắc nghiệt của biển đảo, trồng được một ngọn rau, nuôi được một con heo, con gà đều là điều đáng trân quý. Chia tay đồng đội, Trang bảo: Về đất liền, em sẽ nhớ công việc, nhớ anh em đồng đội và nhớ cả đàn heo trên đảo Sinh Tồn lắm đây!

Hữu Sang - Văn Báu