Hoa biển

03:02, 15/02/2013

Những ngày tết đi giữa phố núi sương mù Đà Lạt trong tiết trời se se lạnh, ven hồ Xuân Hương rực hồng sắc Mai anh đào, tôi chợt nhớ lời trung tá Cấn Văn Hướng - Chính trị viên đảo Trường Sa Đông hôm chúng tôi ra thăm: Mỗi độ xuân về, trên các đảo ở Trường Sa nở rất nhiều hoa…

Những ngày tết đi giữa phố núi sương mù Đà Lạt trong tiết trời se se lạnh, ven hồ Xuân Hương rực hồng sắc Mai anh đào, tôi chợt nhớ lời trung tá Cấn Văn Hướng - Chính trị viên đảo Trường Sa Đông hôm chúng tôi ra thăm: Mỗi độ xuân về, trên các đảo ở Trường Sa nở rất nhiều hoa…

Loài hoa báo hiệu mùa xuân

Hoa bàng vuông
Hoa bàng vuông

Dù công dân “thành phố hoa” sống gần gũi với hàng trăm ngàn loài hoa đẹp, hoa quý… nhưng tôi phải ngẩn ngơ trước những loài hoa biển! Giữa sóng gió, khắc nghiệt của thiên nhiên nơi trùng dương xa thẳm, chạm tay vào một cành hoa lòng cứ thấy bâng khuâng. Hoa ở Trường Sa chỉ nở vào mùa xuân như biểu tượng tình yêu của người lính đơn sơ mà đẹp vô ngần!

Hôm tôi về Trường Sa giữa tháng năm, khi ấy bàng quả vuông đã kết thành quả, họa hoằn lắm sót lại vài bông nở muộn nhưng rất nhiều người trong đoàn công tác chen nhau… hái để làm quà. Bàng quả vuông là loài cây đặc trưng ở Trường Sa, trên tất cả các đảo nổi (trên hành lang đảo chìm) vẫn hiện hữu loài cây này. Bàng quả vuông rất hợp với khí hậu khắc nghiệt vùng sóng gió, nở hoa rất đẹp, rất hoang sơ và lâu tàn. Nếu hoa Dã quỳ báo hiệu hết mùa mưa, chuyển sang mùa nắng của Đà Lạt; hoa đào (miền Bắc); mai vàng (miền Nam) báo hiệu mùa xuân, thì hoa bàng quả vuông là loài hoa báo hiệu mùa xuân về trên miền đất đảo!

Điểm đặc biệt đối với loài hoa này là cuối mùa xuân, hoa tàn để kết thành quả. Quả bàng vuông có hình thù vuông vức trông rất lạ mắt, là món quà đơn sơ nhưng mang nhiều ý nghĩa của lính đảo tặng khách quý từ đất liền ra thăm Trường Sa trở về. Những ai được tặng quả bàng vuông là người được yêu mến và may mắn nhất. (Bởi quà tặng không có nhiều mà người muốn được tặng thì quá đông!). Dù là “đồng hương” nhau, nhưng vợ chồng anh Trường, chị Hạnh (một trong những hộ dân ở Trường Sa Lớn) cũng đành “khất”, hẹn cuối mùa xuân năm sau sẽ gởi về đất liền tặng tôi mấy quả bàng vuông làm kỷ niệm!

Đến đảo Trường Sa Đông, chúng tôi đi dưới bóng cây bàng quả vuông mát rượi. So với đảo Trường Sa Lớn, dù diện tích nhỏ hơn, nhưng ở đảo Trường Sa Đông được trồng loại cây này nhiều nhất. Ngoài toả bóng mát trong những tháng hè nắng cháy và che chắn bão giông mỗi mùa giông tố tràn về, mỗi mùa xuân sang hoa bàng quả vuông nở rực cả đảo, tô điểm thêm cuộc sống thi vị cho người lính đảo xa nhà. Bởi vậy, chẳng biết tự bao giờ, hoa bàng quả vuông trở thành tín hiệu báo mùa xuân về làm người lính hải quân bâng khuâng khi nhận thêm một tuổi, vững vàng chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng!

Lãng mạn hoa muống biển

Dọc theo chân kè chắn sóng, ven bờ cát trắng chạy dài sát mép nước trên các đảo nổi ở Trường Sa, muống biển mọc xanh tươi. Đây là loài hoa dại có sức sống rất mãnh liệt chịu được sóng, gió, thời tiết mưa nắng, bão giông thất thường. Từ lâu, loài hoa dại này như đã hẹn ước, cứ mỗi dịp mùa xuân về hoa muống biển nở tím ngát trên các hòn đảo thân thương. Cùng với các loài hoa dại khác, hoa muống biển nở rộ vào mùa xuân đã góp phần làm cho đời sống tình cảm của công dân đảo thêm hào phóng, thi vị. Dù  màu hoa tím buồn nhưng không uỷ mị mà gợi nhớ chút gì “rất Huế” của tà áo dài thiếu nữ đất cố đô. Màu hoa tím thẫm rất giống màu hoa lưu li, Forgetmenot, thạch thảo của Đà Lạt. Các chàng chiến sĩ trẻ đảo Trường Sa Đông nói vui “màu tím đợi chờ”! Sống giữa vùng sóng gió trùng dương tháng ngày đối diện với bao nhiêu khó khăn, thử thách… ngắm cành hoa tím với hàm chứa bao nhiêu ý tưởng kể cũng rất lãng mạn!
 

 Hoa bàng vuông
Hoa muống biển

Muống biển bám rễ chặt vào lòng đất, phát triển rất nhanh và xanh tốt trải dài trên mặt cát đã góp phần chống sự xâm thực của sóng biển đối với ven bờ các đảo. Chiến sĩ đảo Trường Sa Đông cho biết: Trước đây, hoa muống biển mọc tự nhiên và rất nhiều ở hầu hết các đảo nổi ở Trường Sa; những năm gần đây, bộ đội hải quân phát hiện trong cây muống biển có chứa một hàm lượng chất bổ, tính mát (không có độc tố) rất phù hợp chế biến thức ăn trong chăn nuôi. Hiện nay, trên các đảo như Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh A, An Bang… đã trồng thêm nhiều loài cây thân leo này trên các bãi cát hoang, quanh các bờ kè để vừa giữ đất vừa làm rau chế biến thức ăn cho lợn, vịt, ngan, ngỗng… được chăn nuôi trên hầu hết các đảo ở Trường Sa - nguồn thực phẩm phong phú cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ.

Trên các đảo nổi ở Trường Sa, mỗi mùa xuân về, ngoài hoa bàng quả vuông, hoa muống biển nở thắm đất trời, các loài cỏ lau thân mềm, cỏ lá kim… trên các vùng đất đảo cũng đua nhau xanh tốt và nở hoa. Hoà trong hương vị mặn mà của biển, hương hoa lan toả ngọt ngào và ong, bướm say sưa rủ nhau đi tìm mật ngọt… Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động, lãng mạn cho cuộc sống tinh thần của công dân giữa trùng dương khơi xa mỗi độ xuân về!

Thơ thẩn trên đồi thông Đà Lạt trong chiều tết se lạnh, thoáng thấy những cụm hoa lưu li nở tím ven đường, tôi chợt nhớ Trường Sa da diết! Ở ngoài đó, những người lính biển, các hộ dân trẻ - những người bạn tôi mới quen chắc đang bâng khuâng đón một mùa xuân mới. Chắc bây giờ, Trường Sa nở thắm hoa bàng quả vuông và tím trời hoa muống biển!...

Tuỳ Bút: Thanh Dương Hồng