Hội liên hiệp Phụ nữ Di Linh: Giúp hội viên có vốn làm ăn

04:02, 15/02/2013

Trong các hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế, thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững và từng bước vươn lên làm giàu, giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực là giúp hội viên có vốn để làm ăn...

Trong các hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế, thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững và từng bước vươn lên làm giàu, giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực là giúp hội viên có vốn để làm ăn. Trong giải pháp này, cách làm có hiệu quả nhất là Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Di Linh thực hiện việc “uỷ thác” cho hội viên vay vốn.

Hội LHPN thị trấn Di Linh giúp hội viên học và phát triển nghề may
Hội LHPN thị trấn Di Linh giúp hội viên học và phát triển nghề may


Đơn vị mà Hội LHPN huyện Di Linh nhận thực hiện việc uỷ thác cho hội viên vay vốn là Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện. Đầu năm 2007, Hội LHPN và Ngân hàng CSXH huyện đã ký kết văn bản thoả thuận về việc cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Theo đó, trong những năm qua, các cấp của Hội LHPN từ huyện đến cơ sở thực hiện có hiệu quả hoạt động nhận uỷ thác cho vay vốn. Các cấp Hội đã tổ chức triển khai tốt 6 nội dung trong quy trình cho vay: Vận động, tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hội viên; giải quyết cho vay; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác; thực hiện việc thu nộp lãi hàng tháng, đôn đốc thu lãi tồn đọng, thu nợ gốc khi đến hạn, thu nợ quá hạn tại điểm giao dịch định kỳ hàng tháng; huy động tiền gởi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV).

Hội LHPN huyện đã tổ chức được 127 tổ TK và VV. Trên cơ sở đó, Hội đã quản lý tốt 9 chương trình cho vay (Hộ nghèo, hộ sản xuất vùng khó khăn, học sinh - sinh viên, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn và thương nhân vùng khó khăn). Theo Hội LHPN huyện Di Linh, chỉ tính riêng trong năm 2012: “Hội đã quản lý tốt nguồn vốn vay uỷ thác từ Ngân hàng CSXH huyện, với tổng dư nợ đến cuối kỳ 2012 là 61 tỷ đồng. Hội đã hoàn thành kế hoạch kiểm tra hoạt động quản lý và sử dụng vốn uỷ thác của tất cả 19 tổ chức Hội cơ sở…”. Nhờ vậy, nợ quá hạn và nợ “rủi ro” giảm đáng kể. Đến nay, toàn huyện chỉ có 28 hộ vay còn có số nợ quá hạn gần 120 triệu đồng, chiếm 0,19% (thấp hơn mức nợ quá hạn cho phép).

Để vốn vay đến đúng đối tượng được thụ hưởng, việc bình xét cho vay được Hội tổ chức công khai, dân chủ, có sự tham gia chứng kiến của các đoàn thể, ban nhân dân thôn, chi bộ thôn và các hộ được thụ hưởng. Theo quy trình, sau khi giải ngân 1 tháng, tổ trưởng tiến hành kiểm tra, đối chiếu dư nợ của hộ vay; hàng tháng, thu nộp lãi cho ngân hàng (đúng vào ngày giao dịch). Công tác đối chiếu dư nợ được các tổ TK và VV thực hiện thường xuyên hàng tháng. Hội PN các xã, thị trấn và các tổ TK và VV cùng với ngân hàng tiến hành gia hạn nợ cho hộ vay, khi đến hạn trả nợ, nếu có nhu cầu xin gia hạn nợ; vận động thu lãi tồn đọng, thu nợ quá hạn…

Bên cạnh việc nhận thực hiện uỷ thác với Ngân hàng CSXH huyện, để tạo thêm nguồn vốn cho hội viên làm ăn, Hội LHPN huyện Di Linh còn “tín chấp” thoả thuận với 2 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Di Linh và Hoà Ninh (theo Nghị định 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ) giúp hội viên vay 2,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn vận động trên 7.000 hội viên duy trì 447 tổ tiết kiệm hùn vốn trên 3,4 tỷ đồng để giúp 1.423 hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất; duy trì phong trào hội viên giúp nhau cho mượn vốn (không tính lãi), với 80 hội viên tham gia cho 30 hội viên nghèo mượn 118 triệu đồng để tạo vốn làm ăn…

Với cách làm nói trên, Hội LHPN huyện Di Linh đã góp phần tích cực ổn định an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho nhiều hội viên, giúp 321 gia đình hội viên phụ nữ thoát được nghèo; góp phần giảm 3,47% tỷ lệ hộ nghèo của huyện trong năm 2012 và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện xuống, hiện nay chỉ còn 7,73%.

BÙI TRƯỞNG