Sau những ngày mùa tất bật, người dân K’Ho ở xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, lại bước vào một “mùa” thu hoạch mới - mùa hái đót.
Ông K’Bướt mang đót về buôn |
Sau những ngày mùa tất bật, người dân K’Ho ở xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, lại bước vào một “mùa” thu hoạch mới - mùa hái đót. Khi những bông “lộc” rừng đua nhau nở rộ trên khắp các sườn đồi, mỏm đá, khe núi… cũng là lúc đồng bào K’Ho nơi đây có thêm được nguồn thu nhập để đón Tết.
Xã Lộc Thành hiện có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) người K’Ho, sinh sống bằng nghề trồng trọt, nương rẫy. Như một lời nhắn nhủ “đến hẹn lại lên”, khoảng một tháng lại nay, khi mùa thu hoạch mì (sắn), cà phê đã hết, đồng bào K’Ho lại tiếp tục lên đường hái đót. Mùa đót thường diễn ra trong vòng 3 tháng (bắt đầu từ tháng 11 âm lịch năm nay đến hết tháng giêng năm sau). Để có được nguồn thu nhập trang trải trong ngày Tết, đồng bào K’Ho phải men theo các sườn đồi, leo những mỏm đá cao, trơn và nhọn hoắt. Thậm chí, họ còn phải đi xa hàng chục cây số để hái đót mang về bán.
Dù vất vả, cực nhọc, nhưng chính họ lại đang phấn khởi với một mùa đót bội thu và được giá. Đã bước sang tuổi thất tuần, nhưng với nét mặt vui tươi, ông K’Bướt cho biết: “Không nhiều bằng năm ngoái, nhưng đót năm nay giá cao, nên bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, bà con K’Ho chúng tôi cùng nhau đi hái đót. Năm nay, đót có giá từ 7 đến 8,5 ngàn đồng/ 1 kg đót tươi, tăng 2,5 đến 3 ngàn đồng so với năm 2011. Già rồi, nên tôi không đi xa, mà chỉ hái đót quanh núi Tà Ngào, Đại Bình là chính. Đầu mùa, mỗi ngày tôi cũng kiếm được chừng 200 đến 250 ngàn đồng. Bằng số tiền kiếm được nhờ hái đót, cũng đủ để hai vợ chồng già đong gạo và sắm sửa cho ngày Tết…”. Với người K’Ho ở Lộc Thành, cứ trước và sau mùa thu hoạch, họ lại rủ nhau vào rừng để kiếm thêm thu nhập. Tuỳ theo mùa, rừng lại cho bà con nhiều “lộc” khác nhau. Anh K’Hiu (thôn 15, xã Lộc Thành), một trong những người hái đót xuất sắc nhất, cho biết: “Có lúc tôi vào rừng để hái măng; lúc thì hái mây; lúc thì tìm nấm linh chi... Tất cả đều theo mùa. Nhưng đót là cho khoản thu nhập cao nhất. Tuổi trẻ, sức còn khoẻ, tôi thường đi những vùng xa để lấy đót. Ở những vùng, như: Gia Bắc, Núi Chúa, Đại Lào… đót nhiều lắm. Khoảng nửa tháng đầu, với sức của tôi mỗi ngày hái được 1 tạ đót. Như vậy, tôi cũng kiếm được chừng từ 700 đến 800 ngàn đồng; ngày ít thì 300 đến 400 ngàn đồng”.
Bắt đầu từ trung tâm xã Lộc Thành trải dài khoảng 1,5 km, theo hướng Quốc lộ 55 đi Bình Thuận, có trên 20 cơ sở thu mua đót. Các thương lái thu mua đót ở đây hầu hết là người kinh. Thương lái Trần Thị Duyên chuyên mua “lộc” rừng (52 tuổi, ngụ TP Bảo Lộc), cho biết: “Tôi mở cơ sở thu mua đót tại đây đã gần được 20 năm. Tôi thấy cứ đến mùa đót, sáng nào hàng trăm người K’Ho cũng dậy từ rất sớm, khoảng 4 giờ, í ới gọi nhau vào rừng lấy đót. Bắt đầu khoảng 4 giờ chiều, thì họ lại mang đót về bán cho chúng tôi. Bình quân, mỗi ngày tôi thu mua được từ 1 đến 1,5 tấn đót tươi. Cơ sở nhỏ thì họ cũng thu mua được từ 400 đến 500 kg. Khoảng 3 kg đót tươi, chúng tôi đem phơi 3 nắng, được 1 kg đót khô. Bình quân 1 kg đót khô có giá từ 28 đến 32 ngàn đồng. Vào mùa đót, ngày nào cũng có xe ô tô tới thu gom đót khô. Có bao nhiêu họ lấy hết bấy nhiêu. Đót khô được xe thu mua đưa đi Bảo Lộc, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phan Thiết… để dùng làm chổi quét”.
Được mùa đót |
Mặc dù mùa đót cho người K’Ho có được thu nhập cao, tuy nhiên, công việc đi hái đót của họ cũng không đơn giản chút nào! Người dân nơi đây phải trèo đèo, men theo những sườn núi dựng đứng, bất chấp hiểm nguy mới có thể hái được đót mang về. Sau khi hái, chở về nhà, đót sẽ được phân loại thành đót dài, ngắn, đót già, non rồi mới đen bán. Đót được các thương lái thu mua, rồi tiếp tục bán lại cho các cơ sở ở nơi khác để họ làm chổi đót. Tuy vất vả, nhưng bà con nơi đây đã biết tận dụng lợi thế được rừng núi ban tặng để hái “lộc” và không làm suy suyển đến rừng.
Ở huyện Bảo Lâm, không chỉ xã Lộc Thành mà còn nhiều địa phương khác như: Lộc Nam, Lộc Tân, Lộc Bắc, Lộc Bảo… cứ sau vụ mùa thu hoạch nông sản, bà con DTTS lại rủ nhau vào rừng hái “lộc”. Hái “lộc” rừng, tuy không phải là nghề chính, song đã giúp bà con kiếm thêm thu nhập và giải quyết việc làm lúc nông nhà. Nhờ chịu khó đi hái “lộc”, mùa đót năm nay đã góp phần giúp bà con DTTS ở Lộc Thành đón Tết vui và đầy đủ hơn.
KHÁNH PHÚC - ĐÌNH THI