Một ngàn tỷ đồng và 2 kế hoạch ưu tiên đầu tư y tế đến năm 2015

03:02, 26/02/2013

Kế hoạch của Sở Y tế Lâm Đồng ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị (giai đoạn 2013-2017) cho các tuyến (tỉnh, huyện, xã), các hệ dự phòng, điều trị, dược và y tế cơ sở; đồng thời phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2012-2015 dự kiến đào tạo mới 1.447 cán bộ đại học và sau đại học. Tổng mức đầu tư ước tính 1.000 tỷ đồng.

Kế hoạch của Sở Y tế Lâm Đồng ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị (giai đoạn 2013-2017) cho các tuyến (tỉnh, huyện, xã), các hệ dự phòng, điều trị, dược và y tế cơ sở; đồng thời phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2012-2015 dự kiến đào tạo mới 1.447 cán bộ đại học và sau đại học. Tổng mức đầu tư ước tính 1.000 tỷ đồng.

BSCKII Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Y tế trao quyết định công tác cho 19 tân bác sĩ được đào tạo theo hệ cử tuyển năm 2012
BSCKII Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Y tế trao quyết định công tác cho 19 tân bác sĩ được đào tạo theo hệ cử tuyển năm 2012


Các chỉ số nguồn nhân lực của y tế Lâm Đồng thấp hơn so với toàn quốc, đó là: Tỉ lệ bác sĩ/10.000 dân quá thấp (cả nước năm 2011 đạt 7,2 BS/vạn dân thì năm 2012 Lâm Đồng mới đạt 5,8 BS/vạn dân); phấn đấu đến năm 2015 Lâm Đồng đạt 7 BS/vạn dân thì chỉ tiêu cả nước đề ra đạt 8 BS/vạn dân. Báo động đỏ là tỉ lệ dược sĩ đại học/10.000 dân (năm 2012 Lâm Đồng có 0,34 DSĐH/vạn dân, trong khi toàn quốc đạt 1,3 DSĐH/vạn dân từ năm 2011), Lâm Đồng phấn đấu đạt 0,8 DSĐH/vạn dân vào năm 2015 thì chỉ tiêu của toàn quốc đạt 1,8 DSĐH/vạn dân.

Giải quyết vấn đề ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch đầu tư của Sở Y tế là phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2012-2015 đào tạo 1.447 người, trong đó cán bộ y tế có trình độ đại học, sau đại học là 414 người. Theo tính toán nhu cầu nhân lực của hệ dự phòng, sẽ đào tạo thêm 551 cán bộ thuộc các lĩnh vực: 45 người có trình độ sau đại học (Tiến sĩ, thạc sĩ, BS chuyên khoa I, chuyên khoa II chuyên ngành y học dự phòng, y tế công cộng); 120 người trình độ đại học (bác sĩ, cử nhân y tế công cộng, y học dự phòng), 36 người trình độ cao đẳng (cử nhân điều dưỡng, xét nghiệm).

Hệ điều trị với nhu cầu đào tạo 896 cán bộ y tế, bao gồm: 56 người đạt trình độ sau đại học (TS, Ths, BSCKI, II, DS chuyên khoa I), 193 người có trình độ đại học (BS đa khoa, DSĐH, cử nhân điều dưỡng, cử nhân hộ sinh), bồi dưỡng chuyên môn 647 người về kỹ năng thực hành các chuyên khoa, vận hành sử dụng trang thiết bị.

Ưu tiên thứ 2 trong kế hoạch đầu tư của ngành y tế là phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy theo đề án quy hoạch và phát triển ngành Y tế Lâm Đồng giai đoạn 2015 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, một số đơn vị y tế được thành lập mới như: Bệnh viện tâm thần, Trung tâm chuyên khoa mắt, Trung tâm lao và bệnh phổi, Trung tâm can thiệp tim mạch… Hệ thống tuyến xã cần xây mới 49 trạm y tế, sửa chữa nâng cấp 34 trạm y tế, đầu tư trang thiết bị y tế cho 115 trạm y tế, 10 phòng khám đa khoa khu vực cần được xây mới, 16 PKĐKKV chưa được đầu tư trang thiết bị theo danh mục quy định của Bộ Y tế.

Riêng đề án 930 từ nguồn Trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư cho y tế Lâm Đồng được phê duyệt hơn 740 tỷ đồng, đến năm 2011 đã bố trí vốn 85 tỷ đồng, giai đoạn 2012-2015 Trung ương hỗ trợ nguồn vốn này gần 92 tỷ đồng, vẫn còn thiếu hơn 563 tỷ đồng để triển khai và hoàn thiện các hạng mục công trình. Đặc biệt, 2 công trình đang khát vốn và bế tắc về vốn là Bệnh viện Nhi và Bệnh viện II Lâm Đồng (theo quyết định phê duyệt sẽ hoàn thành vào năm 2013 nhưng đến nay giẫm chân tại chỗ).

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai và xây dựng được hệ thống xử lý nước thải và 8 lò đốt rác thải y tế tại các Bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện với tổng vốn đầu tư là gần 26 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn 3 đơn vị chưa có hệ thống xử lý rác thải y tế là: TTYT huyện Đam Rông, Đạ Tẻh, Lạc Dương; còn 23 đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước thải (bao gồm: Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch, BV YHCT Bảo Lộc; các TTYT huyện Đam Rông, Đạ Tẻh, Lạc Dương, Đà Lạt và 17 Phòng khám đa khoa khu vực). Đây là vấn đề cấp bách trong đầu tư y tế, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết một cách đồng bộ, triệt để.

DIỆU HIỀN