Như mọi năm, cứ vào đêm 30 tết, tôi lại “lao ra khỏi nhà” để được hoà vào đất trời đang chuyển mình đón chào một mùa xuân mới...
Như mọi năm, cứ vào đêm 30 tết, tôi lại “lao ra khỏi nhà” để được hoà vào đất trời đang chuyển mình đón chào một mùa xuân mới. Đêm cuối Tết Dương lịch năm nay, tôi lại ra khỏi nhà, chạy vòng vèo một số tuyến đường Đà Lạt để nghe hơi thở của một năm mới đang đến gần và bắt gặp cảnh các chị công nhân quét rác, lại liên tưởng đến bài thơ “Ơn chị lao công” của nhà thơ Tố Hữu và tôi đưa máy ảnh định chụp một kiểu về hình ảnh chị lao công giữa đêm khuya, trong tiết trời lạnh giá vẫn miệt mài gom rác, quét đường, nhưng chị ngăn lại và nói “Thôi anh ạ! Còn có nhiều người vất vả hơn em...”!
Công nhân vệ sinh không quản khó nhọc, vất vả ngày đêm góp phần tạo nên những mùa xuân xanh - sạch - đẹp |
Không thực hiện được ý đồ, nhưng không đành lòng bỏ đi, tôi bắt chuyện và được biết chị có tên Phạm Thị Huệ, 40 tuổi, nhà ở Đống Đa, P.3, TP Đà Lạt, chồng làm nghề phụ hồ, có 2 con, con gái lớn vì thương bố mẹ vất vả nghỉ học giữa chừng xin làm công nhân ở Công ty Rừng Hoa, con trai thứ đang học lớp 11. Chị kể, với thu nhập của chị 3 triệu đồng/tháng và thu nhập nghề phụ hồ thất thường của chồng, cuộc sống gia đình những năm trước đây phải nuôi hai con đi học thật chật vật, vất vả. Nhưng với với trách nhiệm của người ăn lương nhà nước và tình yêu cuộc sống, chị vẫn dồn hết công sức để dọn dẹp vệ sinh trên cung đường được giao từ bờ hồ Xuân Hương đến dốc Ga - phường 10. Ngày thường, cứ 4 giờ chiều đến 11 giờ đêm chị phải bám mặt đường, ngày tết tăng 3 ca: sáng - chiều - tối, đặc biệt vào đêm giao thừa, các chị phải thu gom, quét rác đến lúc đất trời bừng sáng pháo hoa đón chào năm mới và Chủ tịch Nước kết thúc lời chúc tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân cả nước, các chị mới ra về. Cá biệt, có những thời khắc giao thừa đã qua, nhưng tuyến đường chưa sạch rác, chị lại phải miệt mài công việc, để sáng ra mọi cung đường, mọi ngõ nhà, khu phố đều sạch đẹp đón chào năm mới. Về nhà, thì ánh nắng ban mai đã bắt đầu ló dạng, hừng đông đã toả sáng, một ngày mới đầu năm đã bắt đầu. Không được cùng gia đình đón phút giây giao thừa ấm cúng, nhưng cũng như bao người lao công khác, chị vẫn cảm thấy vui, vì mùa xuân luôn ở trong lòng và cũng đã gõ cửa gia đình.
Không chỉ có ở môi trường nào, ngành nghề nào, địa bàn nào, mà ở hầu khắp mọi nơi, mọi ngành nghề khác nhau đều có những con người cần cù, trách nhiệm để góp phần tạo nên những mùa xuân đẹp đẽ và mùa xuân cũng không từ chối gõ cửa nhà nào. Gia đình anh chị Sơn Hoà - Quách Thị Hồng Lệ, dân tộc Khơ me, quê ở Trà Vinh, thuộc diện hộ nghèo lên thôn Phi Yuot, xã Đạ R’Sal, huyện Đam Rông lập nghiệp trên vùng đất mới từ năm 2000. Sau 12 năm cần cù chịu khó, đến nay hạnh phúc đã mỉm cười với anh chị, khi 6,5 ha cà phê, dâu tằm, khoai môn, hoa màu, đậu đỗ đã cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Và hạnh phúc hơn, khi chính trong cuộc mưu sinh đầy khó khăn, vất vả ban đầu nhưng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đã đơm hoa kết trái bằng đứa con gái kháu khỉnh chào đời và nay đang là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Đạ R’Sal. Không chỉ biết vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân, anh Sơn Hoà còn tích cực tham gia công tác xã hội và cưu mang, giúp đỡ nhiều hộ gia đình còn khó khăn trong thôn, trong xã, xem đó là trách nhiệm với cộng đồng, là niềm vui mang lại mùa xuân cho bản thân, cho mọi người.
Cũng như vợ chồng anh chị Sơn Hoà - Quách Thị Hồng Lệ, các nông dân “một nắng hai sương” ở gia đình các anh Phan Tấn Dũng, Lê Quốc Viễn, Võ Văn Quốc ở xã nông thôn mới Tân Hội, huyện Đức Trọng, hoặc như gia đình anh Đinh Văn Thông ở tận vùng sâu, xa B’Lá, huyện Bảo Lâm do biết cách làm ăn, hàng năm thu về hàng trăm triệu đồng, đời sống vật chất, tinh thần sung túc, nên mùa xuân nào cũng rộn ràng niềm vui, đầy ắp hạnh phúc. Dù chưa trở thành “triệu phú, tỉ phú nhà nông”, như bao người khác, thậm chí vẫn còn thuộc diện hộ nghèo như vợ chồng ông Bùi Đức Tính ở thôn 3, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc; vợ chồng ông Trần Trung Thực ở thôn 18, xã Hoà Bắc, huyện Di Linh, hay như vợ chồng ông Nguyễn Văn Luật ở xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm và vợ chồng ông Kơ Să Ha En ở xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương cùng nhiều gia đình hiếu học khác, nhưng họ vẫn có niềm vui khi con cái học hành đỗ đạt, mang vinh danh về cho gia đình, dòng họ, quê hương. Với họ, mùa xuân gõ cửa mang niềm vui kiến thức, con chữ “xông đất” là niềm vui, niềm tự hào vô cùng lớn lao, hạnh phúc.
“Mùa xuân, mùa xuân/ Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời…” - Lời ca ấy chính là niềm vui, hạnh phúc, là niềm tin của mọi người, mọi gia đình khi mùa xuân gõ cửa. Trong niềm vui, niềm tin, hy vọng đón chào mùa xuân, mọi người bày tỏ lòng biết ơn mùa xuân, nhưng chính mùa xuân cũng biết ơn mọi người, bởi chính sự cần cù, chịu khó, có trách nhiệm với cộng đồng, với cuộc sống của những công nhân, nông dân, cán bộ, trí thức, công an, bộ đội trên những vị trí, những môi trường, những địa bàn công tác khác nhau đã là “những cánh én” dệt nên những mùa xuân bất tận!
HOÀNG VƯƠNG MỸ