Những bức ảnh chân thực về một thời hào hùng của nhà báo Isicaoa Bundo

02:02, 20/02/2013

Những bức ảnh về một thời hào hùng của Thái Bình ra đời cách đây đã gần 30 năm, nhưng có lẽ hầu hết những người con trên chính miền quê giàu truyền thống cách mạng này phải đến bây giờ mới được xem lại quá khứ...

Những bức ảnh về một thời hào hùng của Thái Bình ra đời cách đây đã gần 30 năm, nhưng có lẽ hầu hết những người con trên chính miền quê giàu truyền thống cách mạng này phải đến bây giờ mới được xem lại quá khứ. Ngày 6/12/2012 , nhà báo, nhà phê bình lý luận nhiếp ảnh Vũ Huyến trở thành cầu nối đặc biệt giữa độc giả vùng quê lúa với tác giả của những bức ảnh - nhà báo Nhật Bản Isicaoa Bundo.

Bom cỡ lớn không nổ biến thành cột cổng vào làng, vừa là cách trang trí đặc biệt, vừa là nơi các cháu bé chơi trò chơi đánh giặc Mỹ xâm lược.
Bom cỡ lớn không nổ biến thành cột cổng vào làng, vừa là cách trang trí đặc biệt, vừa là nơi các cháu bé chơi trò chơi đánh giặc Mỹ xâm lược.


Từ cơ duyên…

Tháng 9/2001, khi sang Nhật Bản với tư cách là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia thành viên Ban giám khảo Cuộc thi ảnh Châu Á - Thái Bình Dương, nhà báo và là nhà phê bình lý luận nhiếp ảnh Vũ Huyến có cơ hội đọc thêm được nhiều tài liệu và xem một loạt tác phẩm ảnh của nhà báo Isicaoa Bundo. Năm 2009, nhân chuyến đi Italia tham dự Đại hội các nhà nhiếp ảnh thế giới, ông tiếp tục bỏ nhiều thời gian và công sức tìm kiếm những tư liệu về  Isicaoa Bundo. Và tại thành phố Roma, thông qua Đại sứ quán Việt ở Italia, Vũ Huyến đã sao chụp được những bức ảnh chụp tại Việt Nam nói chung, tại Thái Bình nói riêng của Isicaoa Bundo. Trong số phóng viên nhiếp ảnh thế giới chuyên về Việt Nam hiếm có người hoạt động được lâu dài và chụp được nhiều ảnh chiến tranh ở cả hai miền Nam - Bắc như Isicaoa Bundo.

… đến những sự thật cảm động…

 Phải thực sự kiên nhẫn và giữ trọn niềm đam mê khám phá chúng tôi mới tìm hiểu được một cách ngọn ngành về nhà báo Nhật Bản Isicaoa Bundo và cội nguồn những bức ảnh chụp vào thời điểm xảy ra hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam; đặc biệt là tập 9 bức ảnh chụp ở Thái Bình do nhà báo Vũ Huyến cung cấp. Isicaoa Bundo sinh ngày 10/3/1938 tại Siuri Okinaoa - nơi duy nhất ở Nhật Bản đã diễn ra cuộc đổ bộ tấn công của quân đội Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Ngay từ thời kỳ Mỹ bắt đầu đưa quân can thiệp vào Việt Nam cho đến sau ngày Việt Nam giải phóng năm 1975, Isicaoa Bundo đã liên tiếp tung ra những thiên phóng sự bằng ảnh.  Chỉ là một học sinh tốt nghiệp trường cấp ba ban đêm, sau là nhà báo của một tờ báo ở Nhật Bản, nhưng Isicaoa Bundo đã gây ảnh hưởng vang dội với các tập ảnh “Chiến tranh và dân chúng”, “Miền Bắc Việt Nam”; phóng sự “Tiền tuyến Việt Nam”, “Vượt sông Bến Hải”; phim truyền hình “Phóng sự đi theo đại đội lính thủy đánh bộ miền Nam Việt Nam”; triển lãm ảnh “Chiến tranh với binh lính và dân chúng”. Ảnh phóng sự của anh đã tố cáo mãnh liệt thực trạng cuộc chiến tranh, tạo nên ảnh hưởng to lớn trong dư luận thế giới yêu hòa bình đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược với tính chất tàn bạo, dã man này.  Thế nhưng tập ảnh “Chiến tranh giải phóng Việt Nam” mới là sản phẩm được bạn bè đồng nghiệp và các chuyên gia báo chí coi là “đã nổi bật lên trong hàng loạt tập ảnh của thế giới về cuộc chiến tranh Việt Nam. Có lẽ đấy là tập ảnh hay nhất”. Đem cả sinh mạng của mình vào Việt Nam với nhiều ý nghĩa, Isicaoa Bundo bắt đầu đi theo quân đội của chính quyền Sài Gòn, tiếp đó lần lượt đi đến nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam - nơi có quân đội Mỹ gây tội ác; sang cả mặt trận Lào và Campuchia, Isicaoa Bundo đã chụp được rất nhiều ảnh ở những thời điểm quan trọng.
 
Tháng 9/1970, anh quay trở lại miền Bắc Việt Nam, bởi với anh - “một phóng viên đã đi lấy tin lâu năm ở Việt Nam, việc sang miền Bắc Việt Nam là một nguyện vọng tha thiết”. Và chính trong thời gian tác nghiệp ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng… đã rất nhiều lần anh xúc động cho rằng “mình đã chọn con đường làm phóng viên thật là đúng quá”. Vậy là sau 12 năm đặt chân đến đủ mọi miền của đất nước Việt Nam, cả trước và sau chiến tranh, nhà báo nước ngoài này đã khắc họa nên những nét căn bản và sâu sắc về một giai đoạn bi hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam. Đối với Isicaoa Bundo: “Trường học của tôi chính là những năm tháng đi hoạt động lấy tin ở Việt Nam. Qua cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi đã học tập và lớn lên được rất nhiều”.

Khi trở về Nhật Bản, Isicaoa Bundo nảy ra ý tưởng muốn chuyển tặng tập ảnh về cuộc chiến tranh đã làm thay đổi lịch sử thế giới đến với người chủ chính của chúng - nhân dân Việt Nam, những con người kiên cường trong đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc mà bấy lâu anh vẫn thầm yêu thương và kính phục. Để ý tưởng này trở thành hiện thực là cả một thách thức lớn trong điều kiện đất nước Nhật Bản còn rất nhiều khó khăn. Dựa vào chính sức dân Nhật Bản, Ủy ban Nhật Bản ủng hộ nhân dân Việt Nam quyết định xuất bản tập ảnh bằng tiếng Nhật, kêu gọi nhân dân Nhật Bản mua tập sách này để ủng hộ tiền xuất bản tập ảnh bằng tiếng Việt tặng nhân dân Việt Nam. Ngay lập tức, Ủy ban phát động phong trào gửi tập ảnh tặng nhân dân Việt Nam được thành lập. Thắng lợi vượt xa mọi dự kiến ban đầu (1.500 tập ảnh), hơn 4.000 tập được đặt mua với giá bán 13.000 yên (nếu thông qua nhà xuất bản kinh doanh phải mất trên dưới 30.000 yên) - số tiền khá cao đối với người dân Nhật Bản lúc bấy giờ.

Thật cảm động khi biết những người đặt mua tập ảnh không có người giàu, mà đa phần là thanh niên lao động, nữ y tá, chủ tiệm hiệu nhỏ, nông dân, nhân viên các công ty, viên chức cấp thấp, những bà nội trợ, giáo viên trường tiểu học, học sinh các lớp học ban đêm…; những người không đủ tiền mua sách thì góp tiền dành dụm để ủng hộ phong trào. Chiến tranh Việt Nam quả thực đã đi vào lòng dân Nhật Bản sâu rộng biết nhường nào. Thay đổi quyết định không xuất bản tập ảnh, mà đầu tư xuất bản thành hẳn cuốn sách ảnh, những người bạn Nhật Bản đầy tình hữu nghị ngày 30/12/1977 đã phát hành 2.000 cuốn chất đầy 3 ô tô tải loại 4 tấn gửi tặng nhân dân Việt Nam bằng tàu thủy.

 … và mong muốn nhân văn

“Nếu cuốn sách trở thành báu vật của dân tộc, được chuyển đến các thư viện cấp huyện, tốt hơn nữa đến các phòng đọc sách ở xã, thôn, trường học thì sẽ là điều quý giá biết bao nhiêu”. Dầy gần 500 trang với hơn 300 ảnh màu và 200 trang ảnh đen trắng ghi lại những khoảnh khắc chân thực sống động và chứa đựng nhiều ý nghĩa, cuốn sách ảnh “Chiến tranh giải phóng Việt Nam” (The war of the liberation of Vietnam) của Isicaoa Bundo nói chung, những bức ảnh chụp tại Thái Bình nói riêng không chỉ giúp những người đã từng đi qua năm tháng chiến tranh hồi tưởng lại một thời hào hùng, mà điều quan trọng hơn cả là giúp cho thế hệ trẻ có cái nhìn đúng đắn về quá khứ, hiểu thêm về dũng khí, sức bền bỉ, trí sáng tạo đến kinh ngạc của ông cha mình trong cuộc kháng chiến bất khuất, cuộc đấu tranh đầy hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì danh dự của một dân tộc và nhân phẩm của loài người. Lần đầu công bố những bức ảnh của Isicaoa Bundo tại Thái Bình, nhà báo Vũ Huyến muốn khẳng định một lần nữa “Vẻ đẹp nông thôn Thái Bình, vựa thóc của miền Bắc Việt Nam những năm chống Mỹ cứu nước, sự lạc quan trong sản xuất và phục vụ tiền tuyến là nguồn sức mạnh để chúng ta chiến thắng…”.

Thời chiến tranh, miền Bắc thường tổ chức đi sơ tán, không tập trung đông người vào một chỗ. Các em bé từ thành phố về nông thôn sinh sống và học tập. Đây là cảnh ở một nhà trẻ sơ tán.
Thời chiến tranh, miền Bắc thường tổ chức đi sơ tán, không tập trung đông người vào một chỗ. Các em bé từ thành phố về nông thôn sinh sống và học tập. Đây là cảnh ở một nhà trẻ sơ tán.

 

Trong đạn bom ác liệt, việc vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực cho bộ đội bằng nhiều cách. Thồ bằng xe đạp rất độc đáo. Mỗi chiếc có thể chở hơn 200kg, đường nào cũng đi được, lại không phải sử dụng xăng dầu là thứ vật tư khan hiếm.
Trong đạn bom ác liệt, việc vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực cho bộ đội bằng nhiều cách. Thồ bằng xe đạp rất độc đáo. Mỗi chiếc có thể chở hơn 200kg, đường nào cũng đi được, lại không phải sử dụng xăng dầu là thứ vật tư khan hiếm.

 

Phơi thóc ở sân đình. Cảnh vật sao mà yên tĩnh đến thế, khó có thể hình dung là ở nơi đó không xa vẫn đang có tiếng nổ vọng lại và ở miền Nam, chiến sự vẫn đang tiếp diễn.
Phơi thóc ở sân đình. Cảnh vật sao mà yên tĩnh đến thế, khó có thể hình dung là ở nơi đó không xa vẫn đang có tiếng nổ vọng lại và ở miền Nam, chiến sự vẫn đang tiếp diễn.

 

Xã viên HTX nông nghiệp Quang Sơn đang thu hoạch lúa.
Xã viên HTX nông nghiệp Quang Sơn đang thu hoạch lúa.

 

Em bé vui chơi với con trâu là hình ảnh chung ở cả hai miền Nam - Bắc. Nhìn em bé với nét mặt trong sáng, tươi cười giữa lúc còn bom đạn, tôi như bỗng quên đi chiến tranh. Ảnh chụp vào một buổi trưa ở Thái Bình.
Em bé vui chơi với con trâu là hình ảnh chung ở cả hai miền Nam - Bắc. Nhìn em bé với nét mặt trong sáng, tươi cười giữa lúc còn bom đạn, tôi như bỗng quên đi chiến tranh. Ảnh chụp vào một buổi trưa ở Thái Bình.

TS (Theo Báo Thái Bình)