Nhờ sự cần cù, chịu khó và năng động trong cách nghĩ, cách làm mà nhiều nông dân trong tỉnh không chỉ đưa gia đình thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Với những thành tích đáng ghi nhận đó, 2 gương tiêu biểu nhất được Trung ương Hội tôn vinh là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi toàn quốc.
Nhờ sự cần cù, chịu khó và năng động trong cách nghĩ, cách làm mà nhiều nông dân trong tỉnh không chỉ đưa gia đình thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Với những thành tích đáng ghi nhận đó, 2 gương tiêu biểu nhất được Trung ương Hội tôn vinh là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi toàn quốc.
Trần Văn Mùi: Cán bộ hội làm kinh tế giỏi
Không chỉ là một Chủ tịch Hội năng động, nhiệt tình, ông Trần Văn Mùi ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà còn là một điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Với diện tích canh tác của gia đình là 8,5ha; trong đó 7ha cà phê trồng xen với 300 cây bơ cao sản, số còn lại làm chuồng trại chăn nuôi 0,5 ha, ao cá 0,2 ha, trồng cây ngắn ngày khoảng 0,6ha. Hàng năm, năng suất cà phê của gia đình ông đạt khoảng 4.5 tấn/ha, sản lượng khoảng 80 tấn cà phê nhân. Chỉ riêng cà phê đã đem lại cho gia đình nông dân Trần Văn Mùi nguồn thu nhập bình quân khoảng 900 triệu/năm sau khi đã trừ chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, ông còn có thu từ 80-100 con heo/lứa, 500 con gà mỗi lứa, tính bình quân thu nhập từ heo gà khoảng 130 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn tận dụng phân của gà, heo để làm phân bón cho cây cà phê, bơ, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của sản phẩm. Hiện gia đình có khoảng 2.000m2 ao dùng để nuôi thả cá các loại, sản lượng bình quân đạt khoảng 2 tấn/năm cho thu nhập bình quân khoảng 20 triệu/năm. Gia đình ông Mùi còn trồng một số loại cây như: gừng, chanh dây, khoai môn, đậu, lạc… mỗi năm cho thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng. Cộng gộp các nguồn thu nhập của gia đình ông Mùi đạt trên 1 tỷ đồng. Với mô hình sản xuất khép kín vườn - ao - chuồng đó, hàng năm gia đình đã tạo công ăn, việc làm cho khoảng 15-20 lao động/năm, đồng thời hỗ trợ giống, vốn với hình thức cho vay không lãi với số tiền khoảng 100 triệu đồng.
Tham gia công tác tại Hội Nông dân xã Đông Thanh năm 1996 đến năm 2005, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân của xã cho đến nay. Với vai trò Chủ tịch Hội, ông luôn nêu cao trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không ngại khó, ông thường đến dự các buổi sinh hoạt với các chi hội hoặc phối hợp giải quyết các vấn đề tại địa phương. Ông tâm sự: “Nếu không sâu sát với cơ sở, không kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh thì sẽ làm cho phong trào đi xuống và làm mất đi vị thế của Hội”. Người cán bộ giỏi việc Hội, giỏi việc nhà này nhiều năm được tôn vinh Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh và cấp Trung ương.
Trần Thanh Phong: Làm giàu bằng nghề chăn nuôi
Đến với khu phố 9, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh hỏi về mô hình chăn nuôi kết hợp của gia đình anh Trần Thanh Phong có lẽ ai cũng biết. Bởi nhờ biết cách làm ăn, hàng năm anh đã thu nhập một khoản tiền không nhỏ từ vùng đất nghèo này.
Không giống như nhiều hộ nông dân khác, gần 10 năm trở lại đây, anh Phong đã chọn nghề nuôi vịt đẻ để phát triển kinh tế cho gia đình mình. Lúc đầu chỉ là vài trăm con, sau đó hàng năm anh tiếp tục đầu tư mở rộng. Đến nay, trang trại vịt của anh Phong đã lên tới 3.000 con vịt đẻ. Trung bình 1 ngày trại vịt của anh Phong cho thu hoạch 2.500 quả trứng, trừ chi phí thu lãi từ 500.000 đến 700.000 đồng. Để có hiệu quả như trên, anh Phong cho rằng việc phòng trừ dịch bệnh là việc làm cần thiết: Hàng năm, cứ đầu mùa mưa thì tôi chích vắc xin như tụ huyết trùng và dịch cúm để vịt khỏi bệnh.
Không dừng lại ở hình thức nuôi vịt đẻ, gia đình nông dân Trần Thanh Phong còn thả cá trên diện tích mặt nước dùng để nuôi vịt. Không nuôi đơn thuần mà nuôi kết hợp nhiều loại cá như: mè, rô phi, chép, trê… Với cách làm này, đem lại hiệu quả kinh tế hết sức khả quan.
Tổng thu nhập hàng năm, sau khi trừ chi phí, mô hình chăn nuôi vịt đẻ, cá của gia đình anh Phong cho thu nhập ổn định từ 400 triệu đến 500 triệu đồng/năm. Đây là một hướng đi đúng đắn của gia đình anh Phong trong quá trình làm giàu đã được hội viên, nông dân và các ban, ngành tại địa phương đánh giá rất cao. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh ghi nhận: “Theo nhận định của chúng tôi thì anh Phong đã đầu tư quy mô khá lớn và hiệu quả thiết thực, anh đã tận dụng chất thải từ nuôi vịt để chăn nuôi cá”.
Ngoài việc vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế tại gia đình, anh Phong còn tận tình giúp đỡ bà con trong thôn về con giống, cách chăn nuôi vịt”; trở thành gương điển hình về lao động sản xuất cho nhiều hội viên, nông dân học và làm theo.
Võ Thanh