Phi Tô mong chờ sửa đường liên xã Đạ Đờn – Nam Ban

03:02, 24/02/2013

Là xã nghèo nằm trong vùng sâu, để phát triển kinh tế, xã Phi Tô, Lâm Hà đang rất cần sửa chữa lại đường liên xã Đạ Đờn - Nam Ban (hay tỉnh lộ 726 ), con đường độc đạo vào xã đã xuống cấp trầm trọng trong nhiều năm nay.

Là xã nghèo nằm trong vùng sâu, để phát triển kinh tế, xã Phi Tô, Lâm Hà đang rất cần sửa chữa lại đường liên xã Đạ Đờn - Nam Ban (hay tỉnh lộ 726 ), con đường độc đạo vào xã đã xuống cấp trầm trọng trong nhiều năm nay.

Một lớp mẫu giáo học tạm tại trung tâm xã Phi Tô trong khi chờ lớp học xây mới hoàn tất
Một lớp mẫu giáo học tạm tại trung tâm xã Phi Tô trong khi chờ lớp học xây mới hoàn tất


Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lâm Hà, Phi Tô hiện có trên 1.050 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu của 19 dân tộc khác nhau sinh sống tại 6 thôn, trong đó người dân tộc thiểu số Tây Nguyên chiếm trên 40%. Đa số người K’Ho bản địa nơi đây tập trung tại 2 thôn. Khoảng 30% dân số còn lại là các dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp. Phi Tô là một xã thuần nông nghiệp. Người dân trồng lúa nước ở những vùng đất thấp với tổng diện tích trên 190 ha; nhiều hộ còn trồng bắp (37 ha), trồng cây ăn trái, trồng dâu, nuôi gia súc (đàn trâu trên 60 con, bò trên 100 con, heo gần 1.000 con).

Tuy nhiên, như nhiều xã khác trong huyện Lâm Hà, với ưu thế về thổ nhưỡng, loại cây trồng nhiều nhất nơi đây chính là cà phê. Dọc 2 bên đường vào xã, theo những con đường ven thôn, trải dài đến tận những sườn đồi là các vườn cà phê xanh thẫm, mùa này đang ra hoa, toả hương thơm ngát. Tổng diện tích cà phê trên địa bàn theo con số của UBND xã Phi Tô cho biết trên 2.145 ha. Hai giống cà phê được trồng chủ yếu nơi đây là Catimor và Robusta, năng suất bình quân khoảng 2,4 tấn/ha với tổng sản lượng toàn xã ước đạt trên 5.000 tấn. Nhờ đẩy mạnh công tác khuyến nông trong dân, khuyến khích áp dụng kỹ thuật canh tác chăm sóc khá tốt nên xã cho biết phần lớn diện tích phát triển khá tốt, ít sâu bệnh.

Có thể thấy những đổi thay đầy tích cực khi đến Phi Tô hôm nay. Cà phê có giá nên dọc con đường từ thị trấn Đinh Văn vào xã không ít những ngôi nhà mới khang trang mọc lên. Từ trung tâm xã, các con đường dẫn đến thôn phần lớn đã được mở rộng, trải đá cấp phối cho dễ đi lại trong mùa mưa. Năm 2012 vừa qua, UBND Phi Tô cho biết, xã đã nghiệm thu thêm con đường cấp phối tại thôn Riông Tô với tổng tiền đầu tư trên 1 tỷ đồng, đưa vào sử dụng hệ thống nước sạch tại thôn Phi Sour trị giá gần 2,5 tỷ đồng. Hiện Phi Tô đang cho thi công 2 đoạn đường từ thôn 3 đến Liên Hoà và từ Liên Hoà đi Láng Cói trị giá 1 tỷ đồng, cùng tiến hành khảo sát chuẩn bị thi công thêm 2 đoạn đường khác trong đó có đường từ thôn Phi Sour đi Suối Tôm với tổng giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tại trung tâm xã, sắp đến sẽ có thêm 2 phòng học mẫu giáo mới (trên 1 tỷ đồng) thay thế cho các phòng học tạm thời cùng một nhà đa năng của trường tiểu học trong xã (gần 1,3 tỷ đồng) sắp hoàn thành, “đảm bảo đủ trường đủ lớp” như ông Phạm Đức Tuấn, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết. Toàn xã hiện có gần 1.000 học sinh ở các cấp học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học cơ sở. Phi Tô hiện cũng đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, là xã nghèo được Lâm Hà đầu tư để xây dựng nông thôn mới và đến nay đã đạt 4 tiêu chí (điện, an ninh trật tự, bưu điện và y tế).

Một điểm sáng nữa rất đáng nói của xã nghèo Phi Tô trong năm 2012 chính là những nỗ lực trong công tác giảm nghèo. Đầu năm 2012, xã còn 192 hộ nghèo, chiếm gần 19% dân số, trong đó có rất nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. “Rất khó khăn vì nhiều hộ trong số này tính tự lực vươn lên chưa có, còn ỷ lại trông chờ rất lớn vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước” - ông Tuấn cho biết. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước (trung bình mỗi hộ nghèo được hỗ trợ từ 8 - 10 triệu đồng từ các chương trình), xã bằng nhiều hình thức như cử các đoàn thể, cử người có uy tín, người có kinh nghiệm làm ăn đến từng nhà vận động, tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cách bón phân, cách sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật. Xã đã đứng ra cấp đất thêm cho các hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn 5 và thôn 6 (trung bình mỗi hộ khoảng 2 sào), tổ chức cho các hộ đăng ký giảm nghèo, trực tiếp đưa cán bộ kỹ thuật xuống tận nhà hướng dẫn chăm sóc cà phê, vận động các hộ trồng dâu nuôi tằm… Với những nỗ lực không mệt mỏi này, đến cuối năm 2012 con số hộ nghèo của xã đã tụt xuống chỉ còn 115 hộ (còn 11%).

Là xã nông nghiệp nên rất nhiều tâm tư mà Đảng uỷ, chính quyền nơi đây muốn gửi gắm đến các ngành chức năng cấp trên. Trước nhất, theo ông Tuấn, người dân trong xã rất cần thêm các công trình thuỷ lợi cho diện tích hoa màu canh tác vì mùa khô nơi đây đang thiếu nước trầm trọng. Xã vừa qua đã có thuỷ lợi Đạ Cho Mo nhưng công trình này ông cho biết “mang lại hiệu quả chưa cao” vì thiết kế mương dẫn nước hẹp, thấp hơn mặt bằng cần tưới, nước đưa xuống không đủ tưới và diện tích tưới cũng chỉ một phần nhỏ tại Phi Tô. “Chúng tôi đề nghị nên có thêm đập thuỷ lợi để cấp nước cho thôn 5 Riông Tô và thôn 3 Liên Hoà. Cùng đó là thêm công trình nước sạch cho người dân vì hiện nay mới chỉ được một thôn có nước sạch để dùng. Cùng đó, trong 6 thôn của xã vẫn còn 2 thôn đường vào cần được nâng cấp rải đá, một chiếc cầu treo tại thôn Phi Sour B cần làm lại để giảm bớt nguy hiểm cho mọi người trong mùa mưa khi phải băng ngang suối”.

Nhưng đề nghị cấp thiết nhất theo Đảng uỷ và chính quyền nơi đây chính là cần sửa chữa gấp con đường liên xã Đạ Đờn – Nam Ban (trên bản đồ là tỉnh lộ 726) dẫn vào xã. Con đường này vốn đã trải nhựa trước đây nhưng 6 năm nay xuống cấp trầm trọng. Chỉ cần từ Đạ Đờn rẽ vào sẽ thấy mức độ hư hỏng của con đường này, toàn đá lổn nhổn, nhiều đoạn chẳng còn nền, đầy những ổ voi giăng hàng, mùa khô bụi bay mù trời, mùa mưa nước đọng biến thành những cái bẫy trên đường. “Xe cộ đi lại vận chuyển hàng hoá rất khó khăn. Để phát triển kinh tế địa phương đã đề nghị nhiều lần và đang rất cần ngành chức năng sửa chữa gấp lại con đường này trong sự mong đợi của người dân trong xã” - ông Tuấn nói.

Viết Trọng