Ha Ni Than là thầy giáo có tư cách, đạo đức tốt; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Theo lộ trình, chúng tôi sẽ giới thiệu thầy vào Đảng và đề bạt làm Phó hiệu trưởng của Trường...
Trước khi gặp thầy giáo Ha Ni Than, chúng tôi đã được thầy giáo Huỳnh Văn Phụ - Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú THCS - THPT liên huyện phía Nam (thị trấn Đạ Tẻh), cho biết: “Ha Ni Than là thầy giáo có tư cách, đạo đức tốt; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Theo lộ trình, chúng tôi sẽ giới thiệu thầy vào Đảng và đề bạt làm Phó hiệu trưởng của Trường”.
Ha Ni Than (sinh năm 1985) có một khuôn mặt đôn hậu và nụ cười thật hiền. Sau khi tốt nghiệp Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm TP HCM, Ha Ni Than nộp đơn xin về Trường Dân tộc nội trú THCS - THPT liên huyện phía Nam công tác và đến nay đã được 4 năm. “Các anh chị là người dân tộc bản địa. Mọi tâm tư, nguyện vọng của trẻ thơ vùng sâu, anh chị là những người hiểu rõ nhất. Vậy, tại sao không đem những kiến thức mà các anh chị đã được học ở nhà trường dạy lại cho con em đồng bào mình? Công việc dạy chữ cho con em người DTTS, các anh chị không làm thì ai làm?” - Ha Ni Than nhắc lại với chúng tôi lời thầy giáo Huỳnh Văn Phụ khi anh mới về nhận công tác. Ha Ni Than thật lòng: “Khi mới về trường dạy học, thấy học sinh ở đây học yếu quá, nên cũng hơi nản”. Nhưng bằng sức trẻ cộng thêm lòng yêu nghề đã giúp thầy tìm ra những phương pháp sư phạm phù hợp trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Và, anh quyết định gắn bó với trẻ vùng sâu, dìu dắt các em trong cuộc sống cũng như định hướng cả về tư tưởng lẫn nghề nghiệp cho các em. “Học sinh ở đây phải vừa dạy vừa dỗ, nhưng dỗ phải nhiều hơn dạy!” - Ha Ni Than hóm hỉnh nói.
Ha Ni Than là con dân của đồng bào Cill tại huyện Đức Trọng. Hơn ai hết, anh thấu hiểu và sẻ chia với những cảnh khốn khó của trẻ vùng sâu. Ngày xưa, vừa phải đói ăn, đói mặc lại thêm đói cái chữ. Ngày nay, hết đói ăn, đói mặc, không thể đành lòng để con em đồng bào mình đói chữ được. Nghĩ vậy, thầy giáo Ha Ni Than đã tìm đủ mọi cách tiếp cận, thuyết phục trẻ đến trường. Mỗi năm, ngoài giờ lên lớp giảng dạy, anh lại cùng với các thầy cô khác trong Trường tổ chức từ 3 đến 4 buổi ngoại khoá văn hoá, thể thao về vùng sâu, vùng xa, như: Phước Cát II, Đồng Nai Thượng, Phước Lộc… để vận động các em đến lớp. Bên cạnh đó, Ha Ni Than còn nhờ đến bạn bè của mình là bác sĩ, công an (người DTTS) đi vận động giúp. Không những vậy, Ha Ni Than còn liên hệ với những người thành đạt (từng theo học tại Trường THCS - THPT liên huyện phía Nam) để làm gương cho các em noi theo. Lợi thế của anh là đi thuyết phục mọi người bằng tiếng dân tộc của mình. Anh cho biết: “Nếu trong một thôn mà có 1 em chịu đi học thì coi như đã là thắng lợi. Nhưng khi các em chịu đến trường rồi thì công việc dạy dỗ cũng không hề đơn giản. Trong 3 tuần đầu, công việc chăm sóc, dạy dỗ các em rất vất vả. Vì các em còn nhỏ, lại lần đầu tiên xa nhà, nên có em 10 - 11 giờ đêm nhớ nhà đòi về. Thầy trò lại ngồi bên nhau, phân tích cho các em hiểu việc học tập là rất quan trọng”. Anh cho biết thêm: “Dạy cho con em là người DTTS rất khó. Bởi bao đời nay, tập tính sinh hoạt của cư dân nơi đây chưa có thói quen coi trọng vấn đề học tập. Vì vậy, đòi hỏi người thầy phải luôn biết lắng nghe và biết cách khích lệ học sinh. Có như vậy, các em mới không còn tự ti, mặc cảm nữa mà vươn lên trong cuộc sống. Hiện, nhà trường giao cho mỗi giáo viên phụ trách 10 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 và phải chăm lo cho các em từ cái ăn, giấc ngủ, rồi cả thuốc men trong những lúc đau ốm”.
Bốn năm gắn bó với trẻ vùng khó khăn của Trường Dân tộc nội trú liên huyện, thời gian chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để nói lên lòng yêu nghề, yêu trẻ của thầy giáo Ha Ni Than. Bằng đức tính kiên trì, chịu khó, thầy giáo Ha Ni Than đã không quản ngại khó khăn, cần mẫn, miệt mài tìm hiểu cách đổi mới phương thức truyền đạt để làm sao cho công việc “gieo chữ”, rèn tâm, luyện tài đến với học sinh một cách hiệu quả nhất. Cùng với đó, là một niềm mong mỏi bỏng rát trong Ha Ni Than: “Ngày càng có thêm nhiều trẻ người DTTS đến trường hơn nữa!”.
TRỊNH CHU