Trên đường phát triển, các cấp Hội Nông dân Lâm Đồng đã có những bước đi sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thực tiễn để thu hút được đông đảo hội viên người dân tộc thiểu số vào một tổ chức của Hội.
Lâm Đồng, với đặc thù một địa phương vùng Nam Tây Nguyên có rất đông bà con người dân tộc thiểu số sinh sống. Làm sao xây dựng được tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, làm chỗ dựa cho hội viên nông dân người dân tộc thiểu số vươn lên phát triển sản xuất, xây dựng đời sống là yêu cầu đặt ra với những người làm công tác Hội. Trên đường phát triển, các cấp Hội Nông dân Lâm Đồng đã có những bước đi sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thực tiễn để thu hút được đông đảo hội viên người dân tộc thiểu số vào một tổ chức của Hội.
Trồng hoa ở Ninh Loan, Đức Trọng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân |
Trên địa bàn toàn tỉnh, hầu hết các huyện, thành phố cũng có hội viên nông dân là bà con người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, những địa phương có đông hội viên người dân tộc ít người nhất thuộc về các huyện như Đam Rông, Lạc Dương, Di Linh, nơi hội viên người dân tộc thiểu số chiếm từ 30-70% số hội viên. Điển hình như huyện Đam Rông, với trên 5.800 hội viên đã có trên 3.800 hội viên là người dân tộc thiểu số. Ngoài những địa phương tập trung đông người dân tộc thiểu số, các huyện thành khác, kể cả thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc, lượng hội viên nông dân là người dân tộc thiểu số cũng không ít. Điều đáng chú ý là hầu hết bà con sống bằng nông nghiệp, đời sống kinh tế còn khó khăn so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Bởi vậy, xây dựng tổ chức Hội thật vững mạnh, nâng cao chất lượng cán bộ Hội cấp cơ sở, thu hút hội viên gắn bó với tổ chức Hội là yếu tố quyết định đến hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân.
Một trong những khó khăn khi thu hút bà con người dân tộc thiểu số vào sinh hoạt Hội là do đời sống khó khăn, bà con chưa hiểu được những lợi ích từ tổ chức Hội mang lại nên còn xa cách. Để giúp bà con tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, các tổ chức Hội đã thực hiện những hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho bà con. Đó là việc liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, khai thác nguồn vốn, vật tư, phân bón, máy móc nông nghiệp, dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Với những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi tấn phân bón trả chậm đã giúp bà con giảm bớt rất nhiều khó khăn nên cho bà con thấy lợi ích khi tham gia tổ chức Hội. Từ đó, các cấp Hội vừa hỗ trợ vừa vận động bà con tham gia sinh hoạt, giúp bà con nhận ra sinh hoạt Hội mang lại lợi ích thiết thực.
Bên cạnh việc củng cố sinh hoạt Hội, lấy chi tổ Hội làm cơ sở hoạt động, quan trọng hơn trong việc thu hút hội viên người dân tộc thiểu số là đào tạo đội ngũ cán bộ Hội giàu tâm huyết, đồng thời hiểu biết về đời sống, tâm tư tình cảm của bà con. Các cấp Hội đã chọn lựa những cá nhân tâm huyết, có khả năng để đào tạo, nâng cao trình độ lý luận cũng như phương pháp hoạt động, khả năng thu hút nông dân. Trong thời gian qua, một đội ngũ cán bộ Hội có khả năng hoạt động, thu hút hội viên nông dân người dân tộc thiểu số đã được hình thành. Nói như chị Kơ Să Ka Nga, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lạc Dương: “Cán bộ làm công tác Hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải là người nhiệt tình, sâu sát với hội viên. Cần tuyên truyền gì, tập huấn gì, mình cũng phải xuống tận nơi, cùng làm cùng ăn với bà con, bà con mới hiểu, tin và làm theo”. Chính bởi vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội là rất quan trọng trong việc thu hút hội viên gắn bó với tổ chức Hội. Hiện Hội Nông dân Lâm Đồng đã có 32 chủ tịch cấp cơ sở, phó chủ tịch là 43 người, số uỷ viên Ban chấp hành là 540 người là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ trung bình là trên 24% so với số lượng cán bộ Hội.
Diệp Quỳnh