Ban lâm nghiệp xã giúp UBND cấp xã trong quản lý rừng

03:03, 07/03/2013

Theo quy định, BLN xã là bộ phận tham mưu giúp UBND cấp xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.

Trong tháng 2.2013 vừa qua, quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc “Ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động của ban lâm nghiệp xã” đã chính thức có hiệu lực. Như vậy, sau gần 10 năm thực hiện theo Quyết định số 131/2003/QĐ-UB ngày 18.9.2003, quy chế về tổ chức và hoạt động của ban lâm nghiệp (BLN) xã trên địa bàn tỉnh đã được thay thế bằng quyết định mới đây nhất của UBND tỉnh Lâm Đồng – Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 8.2.2013.

Theo quy định, BLN xã là bộ phận tham mưu giúp UBND cấp xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.

Tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Duy Danh
Tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Duy Danh


Chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có trên 110 BLN xã với gần 1.300 thành viên đang hoạt động. Thời gian qua, hoạt động của BLN xã tuy mang lại những kết quả đáng khích lệ nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho bộ phận xã hội này trong quản lý và bảo vệ rừng. Không quá khó khăn để chứng minh rằng hầu hết các BLN xã hiện tồn tại mang tính hình thức; còn trong thực tế, nó chưa phát huy được vai trò của mình. Một trong những nguyên nhân của tồn tại này là do hầu hết các thành viên trong BLN xã đều là kiêm nhiệm. Bởi kiêm nhiệm nên các thành viên trong BLN xã đều khá yếu về chuyên môn; trong khi, thành viên có chuyên môn cao nhất là kiểm lâm viên lại không thuộc xã quản lý.

Trong thực tế, người có chuyên môn cao nhất trong BLN xã là kiểm lâm viên gặp không ít trở ngại trong việc thực thi nhiệm vụ cùng với một “đội hình” thiếu chuyên môn nghiệp vụ của BLN xã. Thành viên có chuyên môn này trong BLN nếu hoạt động tích cực thì trở ngại mà anh ta gặp phải đó chính là sự cản trở của các thành viên khác trong ban – những “đồng đội” ngại va chạm. Ngược lại, trong “đội hình” hoạt động nặng tính hình thức đó, thành viên này luôn được đặt trong tình thế không tích cực, không có cơ hội phát huy chuyên môn, thậm chí là cơ hội của những tiêu cực luôn hiện hữu. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động của BLN xã chưa thật tương xứng so với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra nên không thể phát huy được vai trò của các thành viên trong nhiệm vụ tham mưu cho chính quyền xã trên lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng.

Phát huy vai trò của BLN xã

Theo quy định mới nhất này, nhiệm vụ của tổ chức BLN xã được xác định là bộ phận thường trực tại trụ sở UBND cấp xã sở tại để giúp UBND cấp xã giải quyết những công việc hằng ngày thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Về nhiệm vụ và quyền hạn của BLN xã theo quy định mới cũng được xác định một cách rõ hơn và cao hơn là: “Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về rừng, ý nghĩa của việc bảo vệ rừng và phát triển rừng và phát huy tính tự giác của người dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…”; đồng thời, “Giúp UBND cấp xã tổ chức hoạt động có hiệu quả của các tổ chức quần chúng bảo vệ rừng…” và “Tham mưu chủ tịch UBND cấp xã áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật…”. Về quyền hạn, quy định mới cũng nêu rõ: BLN xã có quyền kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn xã được giao, khoán, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp, đất quy hoạch ngoài 3 loại rừng và đất nông nghiệp còn rừng trên địa bàn xã. Hoặc như, khi phát hiện cháy rừng, BLN xã có quyền yêu cầu đơn vị chủ rừng tổ chức lực lượng chữa cháy và báo cáo ngay cho UBND cấp xã huy động các lực lượng chữa cháy. Rồi nữa, khi phát hiện các đơn vị chủ rừng và tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy hoặc để rừng bị cháy mà không tổ chức cứu chữa kịp thời, BLN xã có quyền lập biên bản vi phạm và tham mưu cho chủ tịch UBND cấp xã xử lý hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền. Quyền hạn của BLN xã theo quy định mới nhất còn được ghi rõ: “Các thành viên BLN xã khi thi hành công vụ có quyền kiểm tra, lập biên bản kiểm tra đối với các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; có quyền yêu cầu các đối tượng bị kiểm tra xuất trình những giấy tờ liên quan phục vụ cho công tác kiểm tra”.

Việc quản lý và bảo vệ rừng của cấp xã hiện nay là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Trong thực thi nhiệm vụ này, chỉ có chính quyền không thôi là chưa đủ. Bởi vậy, BLN xã được xác định là bộ phận gắn với chính quyền cấp xã và là “cơ quan” tham mưu cho UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng là hoàn toàn hợp lý.

Khắc Dũng