Trong năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Bảo Lâm giảm 3%, xuống còn 10%. Riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm 5%, xuống còn 23%. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nhà quản lý, thì việc đánh giá mức độ giảm nghèo chưa sát với thực tế!
Trong năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Bảo Lâm giảm 3%, xuống còn 10%. Riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm 5%, xuống còn 23%. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nhà quản lý, thì việc đánh giá mức độ giảm nghèo chưa sát với thực tế!
Tại buổi làm việc với huyện Bảo Lâm gần đây, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng, cho rằng: Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Bảo Lâm còn cao so với mặt bằng chung của toàn tỉnh, nhất là tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS. Con số này đã đúng với thực tế chưa và huyện Bảo Lâm phải xem xét nguyên nhân do đâu, đề ra giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề này? Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho rằng: Việc nhìn nhận, đánh giá của cấp uỷ, chính quyền các xã về tỷ lệ hộ nghèo chưa sát với thực tế. Cụ thể như xã Tân Lạc, báo cáo tỷ lệ hộ nghèo là 28% nhưng khi huyện thanh kiểm tra thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 21,6% (giảm 50 hộ). Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thanh kiểm tra tại một số xã để đánh giá, xác định lại tỷ lệ hộ nghèo cho sát với thực tế.
Huyện Bảo Lâm có 4 xã nghèo là Lộc Nam, Lộc Bắc, Lộc Bảo và Lộc Lâm. Tỷ lệ phấn đấu giảm nghèo tại các xã này là từ 4 – 5%. Trong năm, xã Lộc Nam đã giảm 130 hộ nghèo; Lộc Bắc giảm 45 hộ; Lộc Bảo giảm 39 hộ và Lộc Lâm giảm 24 hộ. Theo đánh giá thì tỷ lệ giảm nghèo này chưa tương xứng với mức độ đầu tư của các chương trình, dự án đã đầu tư cho các xã nghèo. Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Đề án giảm nghèo nhanh và bền vừng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trong năm 2012 cho 4 xã nghèo ở huyện Bảo Lâm là hơn 4,6 tỷ đồng. Số tiền này để triển khai các hạng mục, như hỗ trợ đầu tư sản xuất, hỗ trợ cây, con giống và giao khoán quản lý, bảo vệ rừng... Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: Sở dĩ tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo đồng bào DTTS, trên địa bàn huyện còn cao là do bà con còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại, chưa quyết tâm làm ăn, nên hiệu quả đầu tư không cao.
Với mức đầu tư như hiện tại, có thể khẳng định là các xã nghèo có điều kiện và tiền đề giảm nghèo tốt hơn những xã khác. Nhưng do “không muốn thoát nghèo” để tiếp tục được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, nhiều xã đã “cố tình” đánh giá không đúng thực tế về tỷ lệ hộ nghèo. Năm 2013, huyện Bảo Lâm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm còn 18%. Ông Lương Vân Minh, Phó Bí thư Huyện uỷ Bảo Lâm, cho biết: Huyện uỷ Bảo Lâm đã ban hành Nghị quyết 05 (ngày 27/8/2012) về đẩy mạnh giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn huyện. Huyện uỷ đã chỉ đạo UBND huyện và các ngành chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể và những việc cần làm để giảm nghèo. Trong đó, các xã cần chú trọng việc xây dựng vườn hộ bền vững. Thời gian qua, tại một số xã như Lộc An, Lộc Lâm, Lộc Phú… đã có nhiều vườn hộ ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, phát huy được hiệu quả kinh tế. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã đầu tư cho những hộ có điều kiện làm mô hình sản xuất trình diễn để bà con học tập và làm theo.
Cùng đưa ra những giải pháp giảm nghèo trên địa bàn huyện Bảo Lâm, đồng chí Trương Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Tiến độ giải ngân các chương trình giảm nghèo trong thời gian qua của huyện Bảo Lâm còn thấp. Do đó, sắp tới huyện cần tính toán hỗ trợ và xét duyệt hộ nghèo ngay từ đầu năm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã rà soát, tính toán lại tỷ lệ hộ nghèo cho sát với thực tế. Đồng chí Hoàng Sĩ Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, yêu cầu: Trong năm 2013, huyện Bảo Lâm phải đặt mục tiêu giảm nghèo cao hơn. Đặc biệt, đối với 4 xã 30a, huyện cần phân công cán bộ chủ chốt chịu trách nhiệm và theo dõi từng địa bàn cụ thể để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo. Song song đó, huyện cũng chú trọng đến việc giải quyết việc làm, giải quyết đủ quỹ đất sản xuất và tổ chức cho dân trồng rừng gắn với việc chi trả dịch vụ môi trường rừng.
ĐÔNG ANH