Từ đam mê trở thành nghệ nhân

02:03, 06/03/2013

Vượt qua rất nhiều hồ sơ xét tuyển, chị Hữu Hạnh là một trong hai người của Lâm Đồng được công nhận nghệ nhân trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp năm 2012...

Vượt qua rất nhiều hồ sơ xét tuyển, chị Hữu Hạnh là một trong hai người của Lâm Đồng được công nhận nghệ nhân trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp năm 2012. Tôi thật sự ngạc nhiên khi biết được thông tin này, bởi vì từ rất lâu, chị đã là nghệ nhân trong lòng công chúng và những người yêu nghệ thuật. Với nụ cười tươi tắn và giọng nói nhỏ nhẹ dịu dàng chị bộc bạch: Mọi nỗ lực cộng với niềm đam mê của mình đã được ghi nhận…

Miệt mài với nghề thêu. Ảnh Nguyên Thi
Miệt mài với nghề thêu. Ảnh Nguyên Thi


Ở Đà Lạt, tranh thêu Hữu Hạnh xuất hiện sớm nhất. Từ nhỏ, chị đã quen thuộc với đường kim mũi chỉ với “tác phẩm” là những chiếc khăn tay. Khởi đầu lập nghiệp, chị nhận hàng thêu phù đai, phù hiệu cho các võ sinh rồi thêu áo dài, thêu những bức chân dung theo yêu cầu của khách. Càng làm chị nhận thấy nghề thêu như thấm sâu vào tâm hồn mình. Vốn là người yêu tranh, chị suy nghĩ sao mình không thử làm tranh thêu tay xem thế nào? Bằng sự sáng tạo và niềm đam mê, ròng rã hàng tháng trời, cuối cùng những bức tranh thêu tay đầu tiên cũng đã ra đời. Năm 1990, một cuộc triển lãm nghề truyền thống được tổ chức tại Hà Nội, UBND thành phố Đà Lạt đã mang tranh Hữu Hạnh tham dự. Những bức tranh thêu tay Hữu Hạnh xuất hiện trở nên lạ mắt và nhanh chóng chinh phục được người thưởng lãm.

Đầu tháng 3/2012, chị Hữu Hạnh ra Thủ đô Hà Nội  nhận giải thưởng Bông hồng vàng dành cho nữ doanh nhân tiêu biểu năm 2012.  Giải “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu – cúp Bông hồng vàng” là giải thưởng thường niên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào dịp 8/3 nhằm tôn vinh những người phụ nữ, những doanh nhân tiêu biểu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Mỗi nữ doanh nhân đoại giải sẽ được giữ danh hiệu “Nữ doanh nhân tiêu biểu” trong thời gian ba năm.

Đặc trưng của tranh thêu Hữu Hạnh là nét vẽ và đường thêu hài hòa bởi người họa sĩ cũng chính là thợ thêu. Chị Hạnh là họa sĩ chính vẽ thiết kế cho hầu hết các mẫu với tất cả các cung bậc của cảm xúc buồn vui, yêu thương, hờn giận hòa quện trong tâm hồn  người nghệ sĩ cộng với kỹ thuật thêu điêu luyện, cách tỉa màu tự nhiên, tạo thành những tác phẩm tranh thêu  độc đáo, màu sắc, hình ảnh sống động y như thật… Nét độc đáo ở tranh thêu Hữu Hạnh còn ở mũi thêu ca rô, một kỹ thuật chỉ duy nhất HTX Hữu Hạnh thực hiện được. Bằng sự say mê sáng tạo không ngừng của mình, những năm gần đây, chị đã cho ra đời dòng tranh thêu 3D. Chị cho biết: “Với loại tranh 3D phải chú ý làm sao cho các chi tiết nổi lên khỏi mặt vải. Bên cạnh việc tạo hình khối, còn phải chú ý kỹ thuật phối màu chỉ thêu tinh tế, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ để tranh sống động như thật”. Hơn 30 năm theo đuổi với nghề thêu, nỗ lực và niềm đam mê của chị đã được ghi nhận, chị giành được nhiều danh hiệu cao quý: 2 giải Bàn tay vàng, 6 Huy chương Vàng, nhiều Bằng khen, Giấy khen… Hiện tại, tranh thêu Hữu Hạnh có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trong nước và đã vươn ra thị trường nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc. Chị cho biết, mỗi năm có khoảng 10 cuộc triển lãm tranh ở nước ngoài, đây cũng là cầu nối giúp chị kết hợp với các Hội từ thiện của nước ngoài để giới thiệu những trường hợp khuyết tật, hoạn nạn, khó khăn cần giúp đỡ.

Nếu không yêu nghề, đam mê với nghề chắc chắn chị Hạnh không thể vượt qua những khó khăn cũng như những thăng trầm trong nghề thêu. Có những thời điểm nghề thêu tay tưởng như tàn lụi vì thiếu đầu ra, nhân công rẻ, chị vẫn cố gắng duy trì cơ sở nhỏ tại nhà để dạy nghề và quyết tâm duy trì và mở rộng ngành thêu. Nỗ lực và tâm huyết với nghề đã mang lại cho chị thành công. Điều quý nhất ở chị là sự tận tâm truyền nghề cho nhiều người, chị không quản ngại khó khăn, vất vả để đến với những hoàn cảnh bất hạnh, đem đến cho họ một công việc ổn định, hòa nhập với cuộc sống. Từ tranh thêu, chị đã bắc nhịp cầu nhân ái đến và sẻ chia với hàng trăm cảnh đời bất hạnh khắp mọi miền đất nước. Vì lẽ đó, Trung tâm dạy nghề miễn phí Hữu Hạnh được thành lập và đến nay đã trực tiếp dạy nghề miễn phí cho hơn 1.000 học viên, trong đó có hơn 40% là người khuyết tật.
 

Hầu hết những bức tranh thêu của HTX Hữu Hạnh đều do chị thiết kế mẫu. Ảnh Nguyên Thi
Hầu hết những bức tranh thêu của HTX Hữu Hạnh đều do chị thiết kế mẫu. Ảnh Nguyên Thi


Trong nhiều năm gần đây, những tác phẩm tranh thêu tay xuất xứ từ Đà Lạt đã trở nên nổi tiếng và trở thành một trường phái rõ nét trong nghề thêu và trong nền mỹ thuật nước nhà. Nghề thêu là một nghề công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn cộng với niềm đam mê, yêu nghề thì mới theo đuổi được. Chị Hạnh thật sự xúc động khi đón nhận bằng chứng nhận là nghệ nhân ngành thêu của tỉnh Lâm Đồng. Chị chia sẻ: “Đây là một sự công nhận của xã hội cho việc hành nghề, truyền nghề, gìn giữ nghề và phát triển những tinh túy của một nghề truyền thống mà tôi đã miệt mài theo đuổi hơn 30 năm qua; là niềm động viên, khích lệ cho bản thân tôi và những người thợ thêu có thêm mục tiêu phấn đấu”.

Chị Hữu Hạnh vinh dự nhận Cúp Bông hồng vàng
Chị Hữu Hạnh vinh dự nhận Cúp Bông hồng vàng

LAN HỒ