Bài 2: Cát Tiên “khát” nước sinh hoạt

03:03, 12/03/2013

Đang ở vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, ngoài việc thiếu nước sản xuất thì người dân huyện Cát Tiên đang sống trong nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng khan hiếm nước đang diễn ra trên diện rộng, nhất là ở thị trấn Đồng Nai và xã Phù Mỹ...

TIN LIÊN QUAN
Chống hạn ở Nam Lâm Đồng (Bài 1: Hạn nặng, phương tiện chống hạn kém)

Đang ở vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, ngoài việc thiếu nước sản xuất thì người dân huyện Cát Tiên đang sống trong nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng khan hiếm nước đang diễn ra trên diện rộng, nhất là ở thị trấn Đồng Nai và xã Phù Mỹ. Điều đó, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, mà còn đe doạ đến sức khoẻ của người dân; đồng thời, là nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh.

 Đến hẹn lại lên, hiện tượng thiếu nước sinh hoạt của người dân ở một số xã, thị trấn tại huyện Cát Tiên được lặp lại. Ông Tạ Duy Hiền (thị trấn Đồng Nai) cho biết: “Chiều nào, xe ba gác của Nhà máy nước đá lại chở nước đi bán cho bà con trong khu vực. Hàng chục can nhựa trắng 30 lít phút chốc đã được bán hết. Mỗi can nước được bán với giá từ 3 – 5 ngàn đồng. Hiện tại, người dân sinh sống ở khu vực này đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nhà nào cũng phải mua nước về dùng. Trung bình mỗi ngày, một hộ phải mua 5 can 30 lít”.

Người dân đang tích góp từng giọt nước bơm lên từ giếng, nhưng cũng không thể dùng được, do phèn quá nhiều
Người dân đang tích góp từng giọt nước bơm lên từ giếng, nhưng cũng không thể dùng được, do phèn quá nhiều


Hệ thống nước máy đã được lắp đặt tới hầu hết các gia đình, nhưng hiện tại việc cung cấp nước của Nhà máy nước không đáp ứng đủ. Chị Ngô Thị Cảnh (thị trấn Đồng Nai) cho biết: “Hầu hết giếng nước của các hộ dân sống tại đây đều bị cạn khô. Giếng nào còn nước thì bị phèn không thể dùng được, kể cả việc tắm giặt. Nước máy thì quá ít, không đủ dùng, nên ngày nào chúng tôi cũng phải mua nước ở ngoài. Người dân phải bỏ ra từ 90 đến 110 ngàn đồng mới có thể mua được 1m3 nước để dùng, cao gấp hơn 10 lần so với giá nước sinh hoạt do Nhà máy nước cung cấp. Anh Lê Quang (thị trấn Đồng Nai) phản ánh: “Giếng nhà tôi đào sâu tới 20 mét, nhưng nay đã cạn khô. Mỗi lần bơm nước phải mất hơn 2 giờ mới bơm được khoảng 2 thùng. Sau đó, còn phải mất tới hơn 1 giờ lọc đi lọc lại mới tạm dùng được”.

Tại huyện Cát Tiên, còn nhiều khu vực cũng đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Hoá, Trưởng khu 6 (thị trấn Đồng Nai), cho biết: “Hiện tại, trong số 192 hộ dân trong khu đã có 151 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Qua kiểm tra, hầu hết các giếng đào của bà con đến thời điểm này đều bị trơ đáy. Những hộ nào xây được bể trữ nước thì còn có để dùng, còn không đều phải đi mua. Trời ngày càng nắng nóng, nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm được cách nào khả quan để giúp đỡ bà con. Nếu hiện tượng này còn kéo dài, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất cao”. Ông Vũ Đăng Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phù Mỹ, cho biết: “Hầu hết người dân trong xã đều sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Nước sinh hoạt do Nhà máy nước cung cấp chưa đáp ứng được 1/5 nhu cầu của bà con. Theo thống kê, toàn xã đã có khoảng 300 hộ dân tại thôn 1 và thôn 2 đang thiếu nước sinh hoạt”.

Theo báo cáo của UBND huyện Cát Tiên, toàn huyện hiện có 576 giếng khoan; trong đó, có 6 giếng khoan đầu tư cho các trạm xá, 8 giếng đầu tư từ Chương trình 134 của Chính phủ; còn lại, là do dân tự khoan để lấy nước sinh hoạt. Trong số 8 giếng khoan theo Chương trình 134, hiện chỉ có 2 giếng tại thôn Bù Đạt (xã Phước Cát 1) và thôn 6 (xã Tiên Hoàng) mới được xây dựng trong năm 2012, còn hoạt động tốt, phục vụ cho 75 hộ đồng bào tại 2 xã này. Các giếng tại bản Brum (xã Gia Viễn) và các thôn Bù Gia Rá, Bù Sa, Bê Đê, Bi Nao (xã Đồng Nai Thượng) đều bị hư hỏng máy bơm và đường ống. Hiện, toàn bộ các giếng khoan đều cung cấp nước trực tiếp, không qua xử lý, nên bị nhiễm phèn và nhiễm sắt, ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng. UBND huyện Cát Tiên đã có tờ trình xin UBND tỉnh kinh phí sửa chữa các giếng khoan để đảm bảo nước sinh hoạt cho khoảng 300 hộ dân và xây dựng thêm giếng khoan tại thôn Bù Khiêu (xã Phước Cát 2) và thôn Đạ Cọ (xã Đồng Nai Thượng) để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 60 hộ dân.

KHÁNH PHÚC - HỮU SANG