Bài 3: Đạ Tẻh - Công trình nước sạch vừa thiếu vừa yếu

03:03, 14/03/2013

Trong khi người dân đang khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt thì nhiều công trình nước sạch tại huyện Đạ Tẻh lại trong tình trạng ngưng hoạt động hay chỉ hoạt động cầm chừng...

[links()]Trong khi người dân đang khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt thì nhiều công trình nước sạch tại huyện Đạ Tẻh lại trong tình trạng ngưng hoạt động hay chỉ hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân chính là do những sai sót trong việc thiết kế không phù hợp với thực tế sử dụng; công tác quản lý và duy tu, bảo dưỡng không được chú trọng.

Trạm xử lý nước thôn Lộc Hoà (xã Đạ Lây) xây dựng từ năm 2006, nhưng không hoạt động được
Trạm xử lý nước thôn Lộc Hoà (xã Đạ Lây) xây dựng từ năm 2006, nhưng không hoạt động được


Gia đình ông Nguyễn Cư và bà Nguyễn Thị Loan dù ở ngay dưới Trạm xử lý nước sạch tại thôn Lộc Hoà (xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh) nhưng nhiều năm nay vẫn phải khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Công trình này được xây dựng từ năm 2006 với mục đích cung cấp nước sinh hoạt cho 40 hộ dân. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều hộ dân thì từ khi công trình được xây dựng đến nay họ chưa được dùng nước ngày nào. Bà Nguyễn Thị Loan cho biết: Nhà chỉ cách công trình cấp nước này chỉ 50m, thế nhưng nước vẫn chưa chảy tới nhà được ngày nào. Trước đó, khi mới xây dựng công trình, người dân đã phải tự bỏ tiền mua ống để dẫn nước về nhà nhưng vẫn không được sử dụng. Hiện tại, hầu hết người dân phải sử dụng nước giếng khoan hoặc nước ao hồ không đảm bảo vệ sinh. Còn theo ông Nguyễn Thanh Quang, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Lây, nguyên nhân khiến công trình này hoạt động không hiệu quả là do công suất thiết kế thấp, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân lại cao. Bồn chứa nước đặt trên đồi cao trong khi máy bơm lại yếu nên không thể bơm nước lên.

Tương tự, tại thôn 5A (xã An Nhơn), một Trạm xử lý nước sạch cũng được xây dựng từ năm 2006 để phục vụ cho 72 hộ dân. Tuy nhiên, đến nay Trạm cũng đã ngưng hoạt động do công suất quá kém. Ông Lê Công Nguyên, cán bộ phụ trách công trình nước sạch xã An Nhơn, cho biết: Chỉ sau 1 năm sử dụng là Trạm bị hư máy bơm. Hiện, người dân phải khoan giếng để sử dụng nhưng nước có nhiều phèn và chất asen. Người dân đang rất cần khôi phục lại Trạm bơm này để cung cấp nước sạch sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, trên địa bàn xã An Nhơn còn có Trạm xử lý nước sinh hoạt tại buôn Tố Lan (được đầu tư từ năm 2008) nhưng đến nay hệ thống lọc đã bị hỏng, người dân phải sử dụng nước trực tiếp, không qua lọc nên có nhiều phèn.

Thiết kế của các trạm xử lý nước sinh hoạt này là nước được bơm từ giếng khoan lên bồn chứa 1.000 lít (hơn ½ bồn chứa than hoạt tính). Sau đó, nước được lọc qua 2 bình lọc, chảy về bồn chứa và đưa về nhà dân. Tuy nhiên, do bồn chứa nhỏ, 2 bình lọc cũng nhỏ nên lọc không đủ dùng. Ông Nguyên cho biết: Công suất lọc như vậy chỉ đủ cho gia đình sử dụng chứ không thể dùng cho cả cộng đồng. Trong khi đó, theo mục tiêu ban đầu thì Trạm bơm cung cấp từ 70 – 80 lít nước cho một người dân mỗi ngày.

Theo ông Phạm Ngọc Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, hiện toàn huyện có 13 công trình cấp nước sạch; trong đó, có 3 công trình của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT) đang hoạt động tốt, còn 10 công trình do huyện quản lý thì có đến 5 công trình bị hư hỏng và 5 công trình đang hoạt động nhưng không có bể lọc phèn. Tổng công suất thiết kế các công trình cấp nước phục vụ cho hơn 1.000 hộ với gần 4.500 ngàn người sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện chỉ có 630 hộ với gần 2.600 người được sử dụng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự đầu tư các công trình chưa đồng bộ và công tác quản lý, khai thác còn yếu. Mỗi công trình cấp nước (được đầu tư theo Chương trình 134) có mức đầu tư từ 400 – 500 triệu đồng, cung cấp bình quân cho 50 hộ dân. Với số tiền này, mỗi công trình chỉ được đầu tư giếng khoan, bể phân phối nước và đường ống cấp nước đến các hộ. Hầu hết các công trình không thiết kế hệ thống xử lý nước, trong khi các giếng khoan đều bị nhiễm phèn.

Trước thực trạng này, UBND huyện Đạ Tẻh đã lên kế hoạch sửa chữa các công trình giếng khoan tại thôn 2 (xã Quảng Trị), thôn 5B (xã An Nhơn), thôn 9 (thị trấn Đạ Tẻh) bằng nguồn ngân sách huyện. Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình không có nguồn vốn để sửa chữa là giếng khoan tại thôn 8B (thị trấn Đạ Tẻh), buôn Tố Lan (xã An Nhơn), thôn Lộc Hoà (xã Đạ Lây). Về công tác quản lý, theo UBND huyện Đạ Tẻh, sau khi hoàn thành công tác sửa chữa, UBND huyện sẽ giao các công trình cấp nước sinh hoạt cho Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng quản lý và khai thác.

HỮU SANG