Bài cuối: Cần giải pháp đồng bộ

03:03, 17/03/2013

Sản xuất đồng trà, đồng vụ và phát triển thương hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên nói riêng và vùng lúa Cát Tiên, Đạ Tẻh nói chung đang là vấn đề được đặt lên hàng đầu...

[links()]Sản xuất đồng trà, đồng vụ và phát triển thương hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên nói riêng và vùng lúa Cát Tiên, Đạ Tẻh nói chung đang là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Với lối canh tác không chủ động được nguồn nước, chủ yếu phải dựa vào nước trời như hiện nay, thì khó có thể thực hiện được mục tiêu nói trên.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang bắp cũng được xem là một trong những giải pháp đối phó với tình trạng hạn hán
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang bắp cũng được xem là một trong những giải pháp đối phó với tình trạng hạn hán


Sau đợt kiểm tra thực tế về tình hình hạn hán ở các huyện phía Nam Lâm Đồng của đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống hạn và quản lý các công trình nước sạch nông thôn tại các huyện này. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả các nguồn nước hiện có; chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang canh tác cây màu và hỗ trợ người dân khai thác các nguồn nước tại khe, suối, ao hồ để cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện chủ động liên hệ với đơn vị quản lý, vận hành các công trình thuỷ điện thượng nguồn sông Đồng Nai để thống nhất lịch xả nước phù hợp. Các huyện thông báo lịch cung cấp nước cụ thể cho từng khu vực để người dân xuống giống kịp thời và kiên quyết chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích không đủ nước tưới.

Theo Văn bản 1104 ngày 7/3/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng, để giải quyết dứt điểm tình trạng các công trình cung cấp nước không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân tại huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện bố trí ngân sách địa phương và huy động đóng góp của các hộ dân được hưởng lợi để sửa chữa, nâng cấp các công trình này. Trong quá trình sửa chữa, nâng cấp cần tham khảo ý kiến chuyên ngành về thiết kế và công suất máy bơm để đảm bảo phục vụ cho dân. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường (Sở NN và PTNT) tiếp tục quản lý tốt các công trình cấp nước đã được phân cấp quản lý.

Có thể nhận thấy, những giải pháp trên vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nước trời. Trong khi đó, việc nâng cấp các trạm bơm, các công trình chống hạn vẫn đang phải chờ vốn. Từ giữa năm 2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản thống nhất chủ trương nâng cấp Trạm bơm Đức Phổ và Phước Cát 1 (huyện Cát Tiên) từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo UBND huyện Cát Tiên, các công trình này đã được lập hồ sơ và trình phê duyệt, nhưng do chưa được bố trí nguồn vốn nên hồ sơ chưa được thẩm định. Về vấn đề này, sau đợt kháo sát thực tế, đồng chí Phạm S cho rằng đây là những công trình cấp thiết và đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét, ưu tiên bố trí vốn, vì đây là những công trình có tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp của huyện Cát Tiên. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí vốn để tiếp tục thực hiện công trình hồ thuỷ lợi Đạ Lây (do Bộ NN và PTNT làm chủ đầu tư).

Trước tình hình khô hạn đang diễn ra trên diện rộng và đe doạ vụ hè thu sắp tới, huyện Cát Tiên cũng đã có tờ trình đề nghị hỗ trợ 2,5 tỷ đồng kinh phí phòng chống hạn năm 2013 để nạo vét, gia cố 4 công trình thuỷ lợi, phục vụ hơn 100 ha và có 130 hộ được hưởng lợi. UBND huyện Đạ Tẻh cũng đã đề nghị hỗ trợ nguồn kinh phí 4 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa các tuyến kênh, 250 triệu đồng để mua nhiên liệu bơm tưới chống hạn và 300 triệu đồng để hỗ trợ lúa giống sản xuất vụ hè thu.

Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, thì một trong những nguyên nhân chính phải kể đến là hệ thống thuỷ điện bậc thang trên thượng nguồn sông Đồng Nai đã làm cạn kiệt nguồn nước trong các tháng mùa khô. Việc các nhà máy thuỷ điện điều tiết nước hợp lý là yếu tố tiên quyết giúp các trạm bơm hoạt động tốt trong những tháng mùa khô. Việc này cần có sự can thiệp của các bộ, ngành ở Trung ương. Một điều dễ nhận thấy là trong khi chống hạn thì chính quyền và người dân các huyện phía Nam cũng phải nghĩ đến việc chống lũ. Bởi lẽ, xuống giống muộn sẽ dễ dàng bị mất trắng nếu gặp lũ sớm vào cuối vụ. Do đó, việc cải tạo các dòng suối để chống ngập úng cũng cần được xem xét. Trong đó, theo ông Phan Công Ngôn, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi (Sở NN và PTNT), việc cải tạo 5 km dòng suối Đạ Mí (huyện Đạ Tẻh) là yêu cầu cấp thiết. Đây được ví như “dòng suối dữ”, bởi mỗi năm nhấn chìm hàng trăm ha hoa màu của người dân. Trong khi đó, dòng suối này ngày càng bị thu hẹp do người dân lấn chiếm và hiện tượng bồi lấp.

Hữu Sang