Trong những năm qua, sự nỗ lực của toàn thể đoàn viên Công đoàn ngành NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã góp một phần hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Với đội ngũ CCVC-LĐ trực thuộc Công đoàn ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hiện có 1.313 lao động, sinh hoạt tại 33 công đoàn cơ sở (CĐCS), trong đó 20 CĐCS khối hành chính sự nghiệp, 8 CĐCS khối doanh nghiệp Nhà nước, 5 CĐCS công ty cổ phần, với tổng số 1.213 đoàn viên. Trong những năm qua, sự nỗ lực của toàn thể đoàn viên Công đoàn ngành NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã góp một phần hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Từ phong trào xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình sản xuất theo hướng kỹ thuật cao. Trong ảnh: Mô hình sản xuất cá nước lạnh tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương |
Hưởng ứng phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã phát động phong trào “Lâm Đồng cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, bảo vệ môi trường sinh thái, sản xuất công nghệ cao... Theo đó, nâng cao trình độ về mọi mặt, nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn.
Qua sự tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS, khẳng định vai trò và vị trí của tổ chức công đoàn, nhất là những CĐCS có nhiệm vụ chính trị liên quan trực tiếp đến chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 3 năm (2010 - 2012), các CĐCS như: Chi cục Phát triển nông thôn, đã tổ chức các nội dung đào tạo cán bộ, hỗ trợ thành lập hợp tác xã, hỗ trợ mô hình sản xuất và thiết kế in ấn tài liệu tuyên truyền, với tổng kinh phí 3.347 triệu đồng; Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 48 lớp tập huấn với 1.900 học viên tham dự, với tổng kinh phí 707 triệu đồng; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã tham gia thực hiện xây dựng các công trình nước sạch sinh hoạt ở nông thôn với tổng giá trị trên 14 tỷ đồng; Chi cục Thuỷ lợi đã đầu tư hàng chục công trình tại các xã nông thôn mới với tổng giá trị lên đến 100 tỷ đồng; Chi cục Bảo vệ Thực vật đầu tư 397 triệu đồng để tổ chức xây dựng 10 mô hình ở các xã điểm, xã ưu tiên về xây dựng nông thôn mới... Từ đó, tạo điều kiện cho đoàn viên, CNVC-LĐ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và đóng góp vào hoạt động công đoàn. Đồng thời, các CĐCS đã linh hoạt tổ chức các đợt thi đua ngắn hạn theo từng thời điểm, từng công trình, thu hút được đông đảo đoàn viên, CNVC-LĐ tham gia, góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới của tỉnh, từng bước thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương lao động giỏi, lao động sáng tạo, chiến sĩ thi đua các cấp; nhiều tập thể được UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT tặng bằng khen, tặng cờ thi đua xuất sắc nhiều năm liền.
Trong thời gian tới, để tham gia thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Công đoàn ngành NN&PTNT tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, CNVC-LĐ toàn ngành về mục đích, ý nghĩa của phong trào xây dựng nông thôn mới, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Chỉ đạo các CĐCS tăng cường phát động các phong trào thi đua rộng khắp, lôi cuốn lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật để thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho bà con nông dân về xây dựng mô hình, về chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới... Phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai đầu tư các hạng mục công trình từ các chương trình dự án, tại các xã nông thôn mới, nhằm đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Và trên hết, với trách nhiệm của tổ chức mình, Công đoàn ngành NN&PTNT xác định: Xây dựng đội ngũ CNVC-LĐ và tổ chức Công đoàn lớn mạnh, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ hàng đầu.
TỨ KIÊN