Cục trưởng Cục CSGT:Chưa phạt người đi mô tô đội MBH không đạt chuẩn

08:03, 20/03/2013

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ngày 19/3, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), cho biết từ ngày 15/4 lực lượng CSGT sẽ chưa xử phạt người đi mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn; không dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” đối với các phương tiện đang lưu thông trên đường.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ngày 19/3, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), cho biết từ ngày 15/4 lực lượng CSGT sẽ chưa xử phạt người đi mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn; không dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” đối với các phương tiện đang lưu thông trên đường.
 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên

Hiện dư luận đang rất quan tâm đến thông tin từ ngày 15/4/2013, đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng sẽ bị xử phạt ra sao, ông có thể nói rõ hơn về thông tin này?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Trong năm 2012, lực lượng CSGT đã kiểm tra, lập biên bản 7.102.156 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông với số tiền phạt 2.331 tỷ đồng, trong đó có 615.512 trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm (MBH).

Vì vậy, có thể thấy việc xử lý không đội MBH vẫn được tiến hành thường xuyên trên toàn quốc.

Còn vấn đề người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy đội MBH kém chất lượng, không đạt chuẩn thì do chưa có quy định và chế tài xử phạt, nên các lực lượng chức năng chưa có căn cứ để lập biên bản vi phạm và do đó chưa xử lý các trường hợp này.

Thời gian tới Cục CSGT đường bộ - đường sắt sẽ tham mưu cho Bộ Công an phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ ban hành các quy định và chế tài về việc đội MBH đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông theo nguyên tắc bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Mới đây Bộ Công an đã có Thông tư hướng dẫn về việc đăng ký, chuyển nhượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ qua nhiều người. Ông có thể cho người dân biết rõ hơn về vấn đề này?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Ngày 1/3/2013, Bộ Công an ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BCA về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định về  đăng ký xe (Sau đây gọi tắt là Thông tư 12).

Theo đó, từ ngày 15/4/2013 đến ngày 31/12/2014, việc giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người được thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho người dân.

Chẳng hạn như đối với hồ sơ đăng ký sang tên trong cùng tỉnh, gồm: giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu); chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định; giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng. Sau thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe sẽ giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe.

Trường hợp làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác thì cơ quan đăng ký xe nơi làm thủ tục sang tên, di chuyển xe tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đúng thủ tục quy định và cũng trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe sẽ cấp phiếu sang tên di chuyển kèm theo hồ sơ gốc của xe cho người đang sử dụng xe. Người đang sử dụng xe sẽ đến cơ quan thuế nộp lệ phí trước bạ và đến cơ quan đăng ký xe (nơi người đang sử dụng xe đăng ký thường trú) nộp hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe. Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe sẽ hoàn thành việc cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe.

Trong trường hợp không có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng thì có được làm thủ tục sang tên, di chuyển xe không?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Trước tiên cần nhấn mạnh rằng một trong những thủ tục mà người đang sử dụng xe phải có trong hồ sơ đăng ký sang tên hoặc hồ sơ sang tên di chuyển xe là hai loại chứng từ: chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng. Nếu không có chứng từ chuyển nhượng xe, thì người sử dụng xe vẫn được làm thủ tục để đăng ký sang tên hoặc sang tên di chuyển xe.

Tuy nhiên, thời gian để giải quyết sẽ lâu hơn, cụ thể là sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo và niêm yết công khai, cơ quan đăng ký xe giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe nếu việc sang tên là trong cùng tỉnh; còn trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác thì cũng trong thời gian đó (30 ngày), cơ quan đăng ký xe nơi làm thủ tục sang tên, di chuyển sẽ tiến hành giải quyết theo quy định.

Cơ quan đăng ký xe nơi người đang sử dụng xe đăng ký thường trú tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đủ thủ tục theo quy định và giải quyết tiếp việc sang tên, di chuyển theo quy định. Và chỉ trong thời gian hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe sẽ hoàn thành việc cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe.

Việc đơn giản hóa thủ tục như vậy có “buông lỏng” quản lý phương tiện giao thông đường bộ hay không?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Mặc dù đơn giản hóa thủ tục sang tên, di chuyển xe nhưng Bộ Công an cũng quy định chặt chẽ về thủ tục và tăng cường trách nhiệm của người sử dụng xe cũng như các cơ quan nhà nước liên quan trong việc này để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân. Cụ thể là:

Đối với người đang sử dụng xe: phải kê khai giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 12) và đến cơ quan Công an cấp xã nơi mình đăng ký thường trú để lấy xác nhận về địa chỉ đăng ký thường trú của mình.

Đối với Công an cấp xã khi tiếp nhận giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký của người đang sử dụng xe thì phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh địa chỉ đăng ký thường trú của người đang sử dụng xe. Sau khi kiểm tra xác minh, nếu đúng thì xác nhận địa chỉ đăng ký thường trú của người đang sử dụng xe. Thời gian giải quyết không quá 3 ngày làm việc.

Đối với cơ quan đăng ký xe: Tiếp nhận hồ sơ của người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe, sau đó gửi thông báo đến người đứng tên trong đăng ký xe biết và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đăng ký xe, tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo và niêm yết công khai, cơ quan đăng ký xe giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký sang tên hoặc làm thủ tục sang tên, di chuyển xe cho người sử dụng xe.

Phóng viên: Khi người dân cố tình không sang tên chuyển quyền sở hữu phương tiện thì xử lý như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Trước tiên, cần phải hiểu thực hiện quy định sang tên, chuyển quyền sở hữu phương tiện là để đảm bảo quyền lợi của người dân đối với các phương tiện mà mình sở hữu. Đây cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm mà người dân cần ý thức được và nghiêm túc thực hiện. Việc xác định quyền sở hữu tài sản là việc làm cần thiết, việc làm vì dân của các cơ quan Nhà nước. Đặc biệt quyền sở hữu tài sản là phương tiện giao thông lại càng có ý nghĩa đối với mỗi công dân. Nó sẽ là căn cứ để giải quyết các tranh chấp dân sự, giải quyết tai nạn, xe bị mất cắp, xe liên quan đến các vụ án hình sự… Rất mong nhân dân hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc vấn đề này.

Còn nếu chủ phương tiện cố tình không thực hiện chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định thì chủ xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, lực lượng CSGT không dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” đối với các phương tiện đang lưu thông trên đường.

Việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ được thực hiện thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định thì tiến hành xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm và cơ quan chức năng sẽ xử phạt đối với trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định.

Việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện sẽ được thực hiện nghiêm túc kể từ ngày 15/4/2013 theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-BCA ngày 01/3/2013 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo Chinhphu.vn